Dịch Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp, nhất là khi có bệnh viện thành ổ dịch, khiến người dân có tâm lý e sợ, không dám đi khám chữa bệnh, chỉ biết âm thầm chịu đựng. Nên hay không nên đi khám bệnh vào thời điểm này?
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên cả nước, nhiều người hoang mang không dám đến bệnh viện dù có bệnh trong người
Hiện nay, dịch Covid-19 ở nước ta ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp. Nhất là sau vụ phát hiện 15 ca dương tính virus SARS-CoV-2 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh viện bị phong tỏa khiến nhiều người lo ngại đi khám chữa bệnh.
Cách đây không lâu, Bệnh viện Bạch Mai cũng trở thành ổ dịch khi phát hiện nhiều ca lây nhiễm Covid-19. Điều đáng nói, môi trường bệnh viện có nhiều yếu tố liên quan làm dịch bệnh lây lan rất nhanh. Trước tình hình này, giới chuyên gia khuyến cáo không có việc gì cần thiết thì không nên đến bệnh viện nhằm tránh nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2.
Thế nhưng, nhiều người với tâm lý hoang mang tột độ khi dịch bệnh có dấu hiệu ngày càng lan rộng, có bệnh viện trở thành ổ dịch, không dám đến bệnh viện khám chữa bệnh, âm thầm chịu đựng tại nhà. Nhiều người cho rằng đấy là giải pháp đúng đắn nhất hiện nay nhằm tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng. Trước vấn đề này, chuyên gia đã đưa ra nhận định nên hay không nên đến bệnh viện khám chữa bệnh tại thời điểm này.
Theo BS Trương Hữu Khanh (trưởng khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM), virus SARS-CoV-2 lây truyền chủ yếu qua đường tiếp xúc trực tiếp, gián tiếp (qua các vật dụng hoặc bề mặt bị nhiễm mầm bệnh), hoặc tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh qua dịch tiết từ miệng và mũi. Dịch tiết này bao gồm nước bọt, dịch tiết hô hấp hoặc các giọt bắn. Dịch tiết được phát xuất từ miệng hoặc mũi của người nhiễm bệnh khi họ ho, hắt hơi, nói hoặc hát. Người tiếp xúc gần (trong vòng khoảng cách 1 mét) với người đã nhiễm bệnh có thể mắc bệnh COVID-19 khi các giọt bắn nhiễm bệnh này thâm nhập vào miệng, mũi hoặc mắt của người tiếp xúc.
Trong đó, các cơ sở khám chữa bệnh tại những trung tâm thành phố lớn như Hà Nội là nơi có nguy cơ lây nhiễm cao do số lượng người bệnh đến khám, chữa bệnh lớn của thành phố và các tỉnh, thành phố khác về khám, chữa bệnh. Do đó chỉ cần lơ là, chủ quan một chút, chuyện lây nhiễm Covid-19 là điều khó tránh.
"Mặc dù vậy, người dân không nên quá hoang mang, sợ hãi đến mức không dám đến bệnh viện khám chữa bệnh. Việc không đến bệnh viện thăm khám, bạn có thể bỏ lỡ cơ hội vàng chữa bệnh, khiến bệnh tình trở nên nặng hơn, thậm chí không có cơ hội cứu chữa... Điều này xảy ra thì vô cùng đáng tiếc", BS Khanh nhận định.
Điều quan trọng là chúng ta đến bệnh viện khám chữa bệnh cần đảm bảo tuân thủ theo những nguyên tắc nào để vừa khám chữa bệnh thành công vừa tránh nguy cơ lây nhiễm chéo bệnh tật nói chung, nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 nói riêng. Về vấn đề này, BS Trương Hữu Khanh chỉ ra 5 điều cần tuân thủ khi đến bệnh viện như sau:
1. Người ở gần nên đến khám buổi chiều để tránh đông đúc
Thông thường, chúng ta vẫn có tâm lý đi bệnh viện vào buổi sáng sớm, sau đó ngồi xếp sổ, đợi lượt gọi. Thời điểm đi khám chữa bệnh vào buổi sáng được coi là giúp người dân tiết kiệm được thời gian. Hoặc nếu đông người, bạn vẫn có thể ngồi đợi. Thế nào đi nữa cũng sẽ tới lượt khám trong ngày chứ không phải sang ngày hôm sau. Tâm lý suy nghĩ như thế nên mỗi sáng, bệnh viện thường đông nghịt người ngồi chờ đến lượt. Điều này vô cùng nguy hiểm bởi virus SARS-CoV-2 vô cùng thích những đám đông, thích những khoảng cách gần, dù cho bạn có đeo khẩu trang vẫn không tránh hết khỏi nguy cơ lây nhiễm trong phòng chờ của bệnh viện, trong các phòng khám đông người đợi nhau.
Do đó, BS Trương Hữu Khanh khuyên, tốt nhất nên đi khám buổi chiều nếu như bạn ở trong khu vực thành phố hoặc ở gần nơi khám chữa bệnh. Đối với những người dân ở tỉnh lẻ, khu vực xa xôi thì nên đi sớm hơn vào buổi sáng. Điều này vừa giúp đảm bảo đến lượt khám chữa bệnh vừa tránh tụ tập đông người trong >mùa dịch Covid-19.
2. Khai báo y tế đúng và đầy đủ
Khi đến bệnh viện, mỗi người dân cần đảm bảo khai báo y tế vừa đầy đủ vừa chính xác. Hãy suy nghĩ thật kỹ và trả lời trung thực vào bản khai. Đây là nhiệm vụ "mình vì mọi người" cũng như "mọi người vì mình" trong mùa dịch Covid-19. Bản khai báo là giấy chứng nhận đảm bảo bạn có thuộc yếu tố, nguy cơ lây nhiễm hay không, ở mức độ nào... Tránh tình trạng giấu giếm, khai báo thiếu trung thực. Bởi điều này không chỉ làm hại chính bạn, gia đình bạn mà cả cộng đồng bao nhiêu người ngoài kia nữa.
3. Không cần dẫn theo 2-3 người đi cùng, chỉ cần 1 người là đủ
Nhiều người vẫn có thói quen dẫn theo 2-3 người nhà đi cùng đến bệnh viện để có thể giúp đỡ, chăm sóc mình. Theo BS Khanh, trong mùa dịch Covid-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay, bạn không nên làm thế. Ngay từ bước di chuyển cùng nhau đến bệnh viện, bạn chỉ nên đưa theo một người đi cùng. Điều quan trọng là người đi cùng cần nhanh nhẹn, có thể lo các thủ tục, giấy tờ cũng như đảm bảo chăm sóc bạn khi bạn nhập viện... Điều này vừa tránh phiền nhiều người phải đi cùng chăm sóc vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch trong giai đoạn hiện nay.
4. Thực hiện đúng các bước rửa tay, đeo khẩu trang tại bệnh viện
Khi vào bệnh viện, dù chỉ là ở đó một ngày, vài ngày hay tình trạng bệnh phải ở cả tuần, cả tháng, chuyên gia khuyên người dân cũng không nên quá lo lắng, miễn là đảm bảo liên tục rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, nước rửa tay cũng như đeo khẩu trang y tế đúng cách.
Để đeo khẩu trang đúng cách cần đảm bảo:
- Không được đeo khẩu trang ngược mặt.
- Không dùng tay sờ vào bề mặt khẩu trang khi đang đeo.
- Không bỏ khẩu trang khi giao tiếp, khi ho, hắt hơi nơi đông người.
- Khi tháo khẩu trang chỉ cầm vào dây đeo qua tai để tháo.
- Không sử dụng khẩu trang bẩn.
Đối với việc rửa tay cũng cần đảm bảo các bước, nhất là trong mùa dịch Covid-19 bùng phát:
Bước 1: Làm ướt hai lòng bàn tay dưới vòi nước. Cho xà phòng vào lòng bàn tay và xoa đều.
Bước 2: Chà lòng bàn tay này lên mu bàn tay và kẽ ngoài các ngón tay của bàn tay kia và ngược lại.
Bước 3: Chà 2 lòng bàn tay vào nhau, miết mạnh các ngón tay và các kẽ ngón, móng tay trong vòng ít nhất 20 giây.
Bước 4: Chà mặt ngoài các ngón tay của bàn tay này vào lòng bàn tay kia.
Bước 5: Dùng bàn tay này xoay ngón cái của bàn tay kia và ngược lại.
Bước 6: Tráng sạch tay dưới vòi nước. Lau khô tay bằng khăn sạch hoặc khăn sử dụng một lần.
5. Không đi lung tung trong bệnh viện
Theo BS Trương Hữu Khanh, khi đi thăm khám cũng như điều trị dài ngày trong bệnh viện, bệnh nhân cũng như người nhà ở cạnh có thể xuất hiện cảm giác nhàm chán nên đi lại lung tung trong bệnh viện để thăm thú, thư giãn đầu óc. Thế nhưng điều này vô cùng nguy hiểm. Việc đi lung tung rất khó kiểm soát sự tiếp xúc, có thể khiến dịch bệnh lây lan trong bệnh viện.
Do đó, tốt nhất là chỉ nên ở khu vực của mình được phân công, chỉ ra ngoài phòng bệnh khi có việc cần thiết, được bác sĩ, y tá... yêu cầu, tránh tự ý đi lung tung, khám phá, ngồi uống nước lai rai tại bệnh viện cũng như khu vực xung quanh bệnh viện.