Sau khi khỏi COVID-19, nhiều người xuất hiện các bệnh khác nhau nhưng lại lầm tưởng đó là di chứng hậu COVID và chủ quan, từ đó ảnh hưởng đến việc khám, điều trị bệnh.
Mới đây, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã cấp cứu trường hợp bệnh nhi với triệu chứng lơ mơ, ngủ gà, kèm cơn đau đầu, ói mửa.
Bé gái được xác định bị não úng thủy thể tắc nghẽn do khối u chèn ép vì dịch trong não bị tắc, không lưu thông được. Các bác sĩ phải phẫu thuật đặt ống dẫn lưu để giải phóng chèn ép, tiếp tục làm các xét nghiệm khác bởi nhiều khả năng là khối u ác tính.
Điều đáng nói, gia đình bệnh nhi trên cho biết do bé đã bị nhiễm COVID-19, sau đó đau đầu, ói mửa,... người nhà cứ nghĩ cháu bé bị các triệu chứng hậu COVID-19 nên không đưa đi khám.
Tương tự, L.T.C.Đ (18 tuổi, ngụ Quảng Nam) sau khi khỏi COVID-19 khoảng 1 tuần vẫn còn ho nên luôn mang trong mình tư tưởng phổi bị xơ hóa phổi. Chị Đ. đến bệnh viện để thăm khám, tuy nhiên bác sĩ giải thích tình trạng này vẫn đang trong giai đoạn cấp tính của bệnh, bệnh nhân chưa hồi phục hoàn toàn. Nếu ho vẫn kéo dài sau khi khỏi bệnh một tháng thì đó mới là di chứng COVID-19.
"Sau khi khám hậu COVID-19, về nhà thì 4 ngày sau tôi hết ho, hoàn toàn bình thường. Có lẽ do tôi lo lắng quá mức", chị Đ. bày tỏ.
Dở khóc dở cười hơn là trường hợp chị L.T. L (30 tuổi, ngụ Tam Hiệp, Đồng Nai), sau khi khỏi COVID-19 được 2 tuần, chị có triệu chứng chán ăn, nôn ói, mệt mỏi nhiều hơn, đồng thời kinh nguyệt bị trễ. Chị L. cho rằng tất cả triệu chứng trên do hậu COVID-19 gây ra nên muốn đi khám. Tuy nhiên sau khi chia sẻ với một người bạn, chị L. được khuyên nên kiểm tra nước tiểu. Kết quả chị mang thai được 4 tuần và tiếp tục bị nghén nhiều hơn.
Trước tình trạng có rất nhiều người mắc bệnh gì cũng đổ thừa cho hậu COVID-19, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Cố vấn khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM cho rằng, trước khi COVID-19 xuất hiện, tại các bệnh viện vẫn có số lượng lớn người bị cao huyết áp, tiểu đường, viêm tai... Nếu vậy thì thật vô lý khi sau đại dịch, có bệnh gì cũng đổ tại hậu COVID-19.
Vị chuyên gia cũng khuyến cáo mọi người nên giữ tâm lý ổn định, tránh hoang mang, lo lắng không cần thiết. Hiện nay, có rất nhiều thông tin liên quan đến di chứng hậu COVID-19, tuy nhiên trong đó cũng có nhiều nguồn tin không được xác thực, dễ khiến người đọc hoảng loạn. Vì vậy, bà con tuyệt đối không nên đọc những loại tin này. Nếu muốn đi khám hậu COVID-19 cũng cần phải chọn cơ sở uy tín, tránh để bản thân bị mất tiền oan.
TS Nguyễn Như Vinh - Trưởng khoa thăm dò chức năng hô hấp - Bệnh viện Đại học Y dược cho biết, không phải các triệu chứng mệt mỏi, đau đầu, mất ngủ, khó thở… sau khi khỏi COVID-19 đều là do hậu COVID-19.
Hậu COVID-19 là khi chúng ta đã loại hết những nguyên nhân gây bệnh từ những bệnh lý khác.
"Trước đây, khi chưa có dịch bệnh xuất hiện, một người bình thường vẫn có thể gặp phải các triệu chứng bệnh của COVID-19 hoặc hậu COVID-19 như khó thở, đau đầu, đau họng, ho kéo dài... đến từ các nguyên nhân khác. Khó thở do hen suyễn, ho do bệnh lao phổi cũng dễ bị lầm tưởng là hậu COVID-19", bác sĩ Vinh chia sẻ.
Theo bác sĩ Đỗ Châu Việt - Trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 2, những người có các di chứng hậu COVID-19 thường rơi vào nhóm người bị bệnh nặng, các F0 phải nằm hồi sức tích cực, người có các bệnh nền mãn tính như tăng huyết áp, tiểu đường, suy thận.
Ngoài ra, có một phần nhỏ những người trẻ tuổi gặp triệu chứng nhẹ của hậu COVID-19 khi điều trị tại nhà có thể là do trước đó họ không đi khám >sức khỏe thường xuyên nên bản thân không biết mình có bệnh.
Có những người bị rối loạn trong nhịp tim nhưng thường không có biểu hiện cụ thể nên sau khi mắc COVID-19 sẽ khiến các rối loạn này nặng lên, gây lầm tưởng đây là di chứng hậu COVID-19.
"Khi có bất cứ triệu chứng gì bất thường thì nên đi khám để kiểm tra, xác định nguyên nhân bệnh lý, tránh trường hợp chỉ chăm chăm nghĩ hậu COVID-19, bỏ sót các bệnh khác, làm diễn biến bệnh nặng hơn", BS Việt nói.
Các bác sĩ khuyến cáo ngoài việc thăm khám khi có triệu chứng bệnh bất thường kéo dài, người dân nên khám sức khỏe tổng quát định kỳ 6 tháng/lần để tầm soát các bệnh lý tiềm ẩn, tránh lầm tưởng do COVID-19.