Nguy cơ các loại virus xâm nhập và lây nhiễm hiện nay rất dễ dàng.
Dịch >cúm gia cầm, >cúm mùa và >COVID-19 đáng lo ngại
Theo thông tin từ Báo Tuổi Trẻ, gần đây tại Campuchia phát hiện ca tử vong do cúm gia cầm A/H5N1 tại tỉnh Prey Veng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công điện khẩn chỉ đạo ngăn chặn, vận chuyển trái phép gia cầm nhập lậu.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các tỉnh, thành phố khẩn trương tăng cường kiểm tra, giám sát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, cảng biển, đường sông… để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép vào Việt Nam, đặc biệt các tỉnh biên giới phía Nam.
Trường hợp bắt các lô hàng động vật, sản phẩm động vật vận chuyển bất hợp pháp thì phải tiêu hủy ngay.
Chỉ đạo lực lượng công an, bộ đội biên phòng lập chuyên án đấu tranh với các đối tượng vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới.
Phối hợp với chính quyền địa phương bắt giữ và xử lý nghiêm các vụ nhập khẩu trái phép gia cầm và sản phẩm gia cầm… Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo, giấu dịch, làm lây lan dịch bệnh.
Cũng theo Báo Sức khỏe và đời sống, bệnh cúm là bệnh nhiễm virus cấp tính đường hô hấp với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Bệnh cúm nguy hiểm là do tính lây lan nhanh và gây thành dịch. Bệnh có thể xảy ra dưới nhiều mức độ khác nhau: đại dịch, dịch, dịch nhỏ địa phương và các trường hợp tản phát.
Bệnh cúm lan truyền nhanh trên thế giới trong các mùa dịch cúm và gây nên gánh nặng về kinh tế do phí tổn phải nằm viện điều trị và chăm sóc y tế cũng như nghỉ việc do bị bệnh.
Tỷ lệ tấn công của bệnh cúm là 5-10% ở người lớn và 20-30% ở trẻ em. Trong các vụ dịch cúm hàng năm, 5-15% dân số bị nhiễm khuẩn đường hô hấp trên. Bệnh nặng và tử vong xảy ra chủ yếu ở những nhóm người có nguy cơ cao như người già và người mắc bệnh mạn tính. Mặc dù khó có thể đánh giá đúng tình hình dịch, các vụ dịch cúm hàng năm thường gây 3-5 triệu người bị bệnh nặng và khoảng 250.000 - 500.000 người chết hàng năm do bệnh cúm trên thế giới.
Phân biệt các loại cúm
Theo Báo Người Lao Động, trong bối cảnh nhiều dịch bệnh có dấu hiệu khá giống nhau như cúm A/H5N1, cúm mùa, COVID-19… các chuyên gia y tế hướng dẫn phân biệt bệnh cúm H5N1 với các virus gây bệnh đường hô hấp khác. Cụ thể:
Cúm mùa (cúm A/H1N1, H3N2, cúm B)
Khác với cảm lạnh, cúm thường xuất hiện đột ngột. Những người bị cúm mùa thường cảm thấy có một số hoặc tất cả các triệu chứng sau: sốt hoặc cảm thấy có dấu hiệu sốt/ớn lạnh; viêm họng; chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi; đau đầu, mệt mỏi… Một số người còn có thể bị nôn mửa, tiêu chảy. Triệu chứng này thường phổ biến ở trẻ em hơn người lớn.
Đối với hầu hết mọi người, cúm sẽ tự khỏi sau 5 - 7 ngày, không có thuốc điều trị bệnh cúm đặc hiệu nhưng người bệnh có thể điều trị triệu chứng của bệnh bằng một số loại thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Cúm A có nguy cơ diễn biến nặng hơn ở người cao tuổi
Tuy nhiên, cúm và các biến chứng của nó có thể gây tử vong ở những đối tượng có nguy cơ cao khi bị biến chứng cúm như trẻ em và người già trên 65 tuổi là đối tượng dễ gặp biến chứng nhất. Với phụ nữ mang thai, biến chứng bệnh cúm có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm trong 3 tháng đầu như sảy thai hoặc bệnh lý thai nhi.
Cúm A/H5N1
Cúm gia cầm ở người có thể gây nhiễm trùng đường hô hấp từ nhẹ như sốt và ho, nặng như viêm phổi nghiêm trọng, hội chứng suy hô hấp cấp tính (khó thở), sốc và thậm chí tử vong.
Các triệu chứng điển hình bao gồm sốt từ 38 độ C trở lên, ho, đau nhức cơ thể và cơ bắp, đau họng, buồn nôn và nôn, tiêu chảy, ngạt mũi hoặc chảy nước mũi, đau mắt đỏ (viêm kết mạc), viêm não. Triệu chứng đặc trưng là ho khan, sốt cao có thể kèm rét run.
Những người tiếp xúc thường xuyên với chim hoang dã, gia cầm có nguy cơ cao nhiễm bệnh. Người nuôi gia cầm có nguy cơ cao mắc cúm H5N1. Đối tượng dễ chuyển nặng là phụ nữ mang thai, người có hệ miễn dịch suy yếu, người từ 65 tuổi trở lên.
COVID-19
Bệnh COVID-19 và cúm có triệu chứng tương tự, gần giống nhau gồm: sốt hoặc cảm thấy nóng/ớn lạnh; ho/ho khan; khó thở; mệt mỏi; viêm họng; chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi; đau cơ hoặc đau nhức cơ thể; đau đầu.
Đáng chú ý, không giống như các trường hợp cảm lạnh và một số trường hợp cúm mà nguyên nhân mất khứu giác có xu hướng liên quan đến nghẹt mũi (nghẹt mũi do tích tụ chất nhầy), thì với COVID-19 thường gặp là mất khứu giác đột ngột. Vì thế, những người bị mất khứu giác đột ngột nên làm xét nghiệm để khẳng định.