Ngộ độc thức ăn là tình trạng phổ biến thường gặp, nguyên nhân là do ăn phải các thức ăn bị nhiễm độc. Vậy biểu hiện ngộ độc thức ăn là gì, bạn đã biết chưa?

Cúc Nguyễn 22:33 27/03/2020

Ngộ độc thức hay còn gọi là ngộ độc thực phẩm là một trong những tình trạng thường gặp, gây nhiều ảnh hưởng đến >sức khỏe và >đời sống. Người bị ngộ độc thực phẩm có thể hết sau vài ngày khi các chất độc hại được đào thải ra ngoài. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn nhận biết được các biểu hiện ngộ độc thức ăn để có được cách sơ cứu kịp thời.

Nguyên nhân và biểu hiện ngộ độc thức ăn - Ảnh minh họa: Internet

Ngộ độc thực phẩm là gì?

Ngộ độc thực phẩm là tình trạng được gây ra do ăn phải các thức ăn bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc hay những loại thực phẩm bị ôi thiu, có chất bảo quản và chất phụ gia. Bệnh sẽ hết sau vài ngày được điều trị.

Nguyên nhân ngộ độc thực phẩm

Trong quá trình sản xuất và chế biến, thực phẩm sẽ có nguy cơ bị nhiễm độc bất cứ lúc nào. Nguyên nhân gây nên tình trạng ngộ độc thực phẩm thường là do vi khuẩn có hại di chuyển từ thực phẩm đi vào cơ thể con người. Nếu bạn ăn phải những món ăn không được nấu chín hay các món ăn khác không đảm bảo an toàn thực phẩm, những vi khuẩn có hại có trong các món ăn này sẽ gây ra ngộ độc thực phẩm.

Rất nhiều virus, vi khuẩn và ký sinh trùng có thể gây ra ngộ độc thực phẩm. Trong đó, virus được biết đến là nguyên nhân hàng đầu và sau đó là vi khuẩn.

Nguyên nhân ngộ độc thực phẩm thường là do các vi khuẩn có hại có trong thức ăn - Ảnh minh họa: Internet

Biểu hiện ngộ độc thức ăn

Biểu hiện cụ thể của ngộ độc thực phẩm còn tùy thuộc vào từng nguyên nhân gây nên:

  • Nếu nguyên nhân do vi khuẩn hoặc virus: Trường hợp này người bệnh thường chỉ biểu hiện bệnh ở đường tiêu hoá như nôn, đau bụng hoặc tiêu chảy. Ngoài ra, người bị nhiễm còn có thể có các biểu hiện của mất nước như khô môi, khát nước hoặc bị sốt và vã mồ hôi.
Biểu hiện ngộ độc thức ăn - Ảnh minh họa: Internet
  • Nếu nguyên nhân do thực phẩm bị nhiễm hóa chất: Bệnh nhân sẽ có biểu hiện phức tạp không chỉ ở đường tiêu hoá mà còn ở các cơ quan khác, gây ra một số biểu hiện như: chóng mặt, đau đầu, trụy mạch, nhịp tim nhanh.
  • Nếu nguyên nhân do thực phẩm vốn đã có độc tố: Bệnh nhân sẽ xuất hiện các triệu chứng ngộ độc ngay sau khi ăn các loại thực phẩm vốn đã chứa độc tố trong tự nhiên như sắn, cá nóc, cóc, măng,...

Biến chứng ngộ độc thực ăn

Ngộ độc thực phẩm có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm như:

  • Rối loạn thần kinh: Biểu hiện là nhìn mờ, nói khó, tê liệt cơ, co giật, giọng nói ngọng, đau đầu và chóng mặt.
  • Rối loạn tim mạch: Bệnh nhân sẽ bị tụt huyết áp, loạn nhịp tim hoặc khó thở.
  • Xuất hiện máu hoặc chất nhầy lẫn trong phân, tiểu ít, đau ngực.
Ngộ độc thực phẩm có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm - Ảnh minh họa: Internet

Cách sơ cứu ngộ độc thực phẩm

  • Gây nôn: Để ngăn chặn độc tố từ thức ăn ngấm vào cơ thể, biện pháp sơ cứu ngộ độc thức ăn đầu tiên là nên kích thích để người bị ngộ độc nôn ra những thức ăn có trong dạ dày ra ngoài. Bạn có thể rửa sạch tay rồi đặt vào lưỡi bệnh nhân để kích thích gây nôn. Bệnh nhân nôn càng nhiều thức ăn trong dạ dày ra càng tốt. 
  • Cho người bị ngộ độc uống thật nhiều nước: Sau khi bệnh nhân nôn và đi ngoài liên tục sẽ khiến cơ thể bị mất nhiều nước. Chính vì vậy, bạn nên cho bệnh nhân uống nhiều nước để bổ sung lại lượng nước đã mất.
Cho người bị ngộ độc uống thật nhiều nước - Ảnh minh họa: Internet

Ngoài ra, nếu người bệnh có biểu hiện bị co giật hoặc ngừng thở bạn hãy nhanh chóng hô hấp nhân tạo. Nếu người bệnh hôn mê, bạn có thể để bệnh nhân nằm đầu thấp và nghiêng về một bên để ngăn ngừa chất nôn tràn vào phổi. Sau khi sơ cứu, bạn nên nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được điều trị.

Người bị ngộ độc thực phẩm nên ăn gì?

  • Nước: Như đã biết, khi bị ngộ độc thực phẩm, cơ thể sẽ bị mất nước từ đó mất cân bằng điện giải. Vì vậy, việc bổ sung nước ngay sau khi bị ngộ độc thức ăn là rất quan trọng. Bên cạnh nước, bạn cũng có thể cho người bệnh uống oresol để bù chất điện giải cho cơ thể.
  • Các loại thức ăn nhẹ: Thông thường, sau khi bị ngộ độc thực phẩm đường ruột sẽ còn rất yếu. Vì vậy, bạn nên chọn những món ăn nhẹ và dễ tiêu hóa để tránh ruột hoạt động quá sức. Một số món ăn dễ tiêu hóa như cháo, các loại trái cây mềm, bột yến mạch, khoai tây nghiền nấu chín,…bạn nên ăn sau khi bị ngộ độc sẽ tốt cho đường ruột.
  • Thực phẩm có chứa lợi khuẩn tốt cho hệ tiêu hóa: Việc bổ sung các lợi khuẩn cho đường ruột sau khi bị ngộ độc thực phẩm sẽ giúp cân bằng lại hệ vi sinh trong đường ruột. Yogurt được cho là  thực phẩm chứa nhiều vi khuẩn có lợi nhất và rất tốt cho người vừa bị ngộ độc thực phẩm.
Yogurt là thực phẩm chứa nhiều lợi khuẩn tốt cho người vừa bị ngộ độc thực phẩm - Ảnh minh họa: Internet

Việc phát hiện nhanh chóng các biểu hiện ngộ độc thức ăn sẽ giúp bạn ngăn chặn được các biến chứng và cảm giác khó chịu. Ngoài ra, để tránh nguy hiểm do ngộ độc thực phẩm gây ra, bạn nên có chế độ ăn uống lành mạnh và trang bị cho mình một số kiến thức về các bước sơ cứu khi bị ngộ độc thức ăn. 

Cúc Nguyễn | Theo Phụ nữ sức khỏe