Hiện tượng đắng miệng khiến chúng ta cảm thấy khó chịu, không muốn ăn uống, làm cho sức khỏe giảm sút, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Vì vậy, bạn cần sớm tìm ra nguyên nhân đắng miệng để có biện pháp khắc phục hiệu quả.

Tào Vân 12:23 14/05/2020

Đắng miệng không phải là bệnh, nhưng đây là triệu chứng phản ánh một số vấn đề về >sức khỏe của cơ thể. Rất có thể đây biểu hiện của bệnh lý nào đó. Lúc này, bạn sẽ có cảm giác đắng trong miệng, ăn đồ gì cũng thấy đắng. Thông thường, bị đắng miệng sẽ kèm theo những biểu hiện khác kèm theo như mệt mỏi, căng thẳng, chóng mặt, đau đầu, mất ngủ, chán ăn gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Vì vậy, các bạn cần sớm tìm ra nguyên nhân đắng miệng để chữa trị hiệu quả.

Khi đắng miệng ăn gì cũng cảm thấy đắng

Tại sao đắng miệng?

Theo các bác sĩ, phần lớn đắng miệng hình thành từ nguyên nhân thứ phát do bệnh lý gây ra. Người bệnh bị khô miệng do tuyến nước bọt bị hạn chế, vì mắc các bệnh lý về miệng như nhiễm trùng răng, viêm nha chu, viêm lợi, khô miệng, viêm lưỡi, viêm đường hô hấp. Nước bọt giúp làm giảm lượng vi khuẩn trong miệng, vì thế khi tiết ít nước bọt sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, gây hôi và đắng miệng.

Bên cạnh đó, khi điều trị bệnh tim và tâm thần, uống thuốc trong một thời gian dài cũng sẽ làm cho miệng có vị đắng. Vì bản chất thuốc có vị đắng hoặc do hóa chất trong thuốc được bài tiết vào nước bọt.

Bị đắng miệng có thể là do uống thuốc nhiều quá

Đôi khi đắng miệng có thể là do những căn bệnh phổ biến như trào ngược dịch vị dạ dày, dịch mật, viêm gan… gây ra. Ngoài ra, còn xuất hiện thêm một số triệu chứng như đau ngực, ho kéo dài, đau rát họng… khiến cho nhiều người nhầm lẫn với các bệnh tim phổi, viêm họng. Số người mắc phải những căn bệnh này đang gia tăng.

Nước bọt được sản xuất từ các tế bào ở mặt trong của môi, vòm miệng, gồm có nhiều tuyến. Tuy nhiên, chủ yếu từ 3 tuyến nước bọt chính ở trong miệng: tuyến ở dưới lưỡi, tuyến gần xương hàm và tuyến ở hai bên má.

Sự tiết nước bọt được kiểm soát bởi hệ thống thần kinh thực vật. Thực hiện giống như một quy luật, kích thích hệ phó giao cảm làm tăng lưu lượng nước bọt và kích thích hệ giao cảm làm giảm sự tiết nước bọt. Khi quá trình này bị biến đổi sẽ làm giảm tiết nước bọt, gây đắng miệng và khó chịu.

Uống nhiều rượu bia cũng làm thay đổi vị giác, gây đắng miệng

Một trong những yếu tố tác động mạnh mẽ vào quá trình tiết nước bọt chính là chế độ >dinh dưỡng. Nếu bổ sung quá nhiều các thực phẩm giàu khoáng chất đồng, kẽm, crôm hoặc canxi và sắt… sẽ khiến cho miệng có cảm giác bị đắng. Đồng thời khi hút thuốc lá hoặc uống rượu bia nhiều cũng sẽ làm giảm tiết nước bọt. Bởi các chất kích thích có trong rượu, bia, thuốc lá gây ảnh hưởng đến vị giác khiến miệng có cảm giác đắng.

Do đó, để nhanh chóng hết bị đắng miệng, đồng thời nâng cao sức khỏe bản thân thì bạn cần xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học. Bổ sung cân bằng các dưỡng chất theo đúng độ tuổi, để đảm bảo tuyến nước bọt điều tiết bình thường, không gây ra hiện tượng đắng miệng và hôi miệng.

Bị đắng miệng là biểu hiện của bệnh gì?

Đắng miệng là một hiện tượng khá phổ biến hiện nay. Khi cơ thể bị ốm, sốt, miệng thường có cảm giác này. Khi sức khỏe dần phục hồi thì sẽ biến mất. Tuy nhiên, nếu tình trạng đắng miệng cứ kéo dài liên tục trong nhiều ngày. Cơ thể không có những triệu chứng như ốm, sốt. Điều này có nghĩa sức khỏe của bạn có vấn đề, có nguy cơ mắc bệnh trào ngược dạ dày và một số căn bệnh khác như:

Trào ngược dịch mật

Dịch mật có vai trò rất quan trọng đối với hệ tiêu hóa, được sản xuất tại gan và dự trữ trong túi mật. Phần dịch này sẽ được được đổ vào phần đầu ruột non cùng với các dịch tiêu hóa khác dưới sự kích thích của chất béo.

Đắng miệng có thể là biểu hiện của trào ngược dịch mật

Tuy nhiên, do một nguyên nhân nào đó, van môn vị - cơ quan ngăn cách giữa dạ dày và ruột non bị tổn thương, đóng không kín. Điều này dẫn đến dịch mật trào ngược lên dạ dày và rồi trào ngược lên thực quản và dẫn đến tình trạng miệng bị đắng.

Thông thường, ngoài đắng miệng, trào ngược dịch mật có một số biểu hiện khác như ợ nóng, buồn nôn hoặc nôn ra chất lỏng màu xanh vàng. Đôi khi sẽ bị ho hay khàn giọng do dịch mật dâng lên và đốt niêm mạc cổ họng dẫn đến bị giảm cân ngoài ý muốn.

Chức năng gan suy giảm

Đắng miệng cũng là một trong những biểu hiện của chức năng gan suy giảm do mắc các bệnh lý như viêm gan cấp và mãn tính, gan nhiễm mỡ, xơ gan. Cũng có thể là do gan phải làm việc quá sức vì phải lọc rượu bia, thuốc tây, thường xuyên ăn các đồ ăn nhiều dầu mỡ.

Thông thường, biểu hiện của chức năng gan suy giảm còn kèm theo tiêu hóa rối loạn, cơ thể mệt mỏi, cảm giác chán ăn, hơi thở nặng mùi hơn bình thường… Do đó, khi nhận thấy những biểu hiện này, bạn nên đến bệnh viện để được kiểm tra và đưa ra phương pháp điều trị hiệu quả.

Bệnh ung thư

Những người bị bệnh ung thư không không chỉ mất cảm giác với đồ ngọt mà còn tăng dần cảm giác đắng với mọi đồ ăn. Điều này là do cơ thể có sự thay đổi thành phần trong nước bọt và trở ngại tuần hoàn huyết dịch ở lưỡi.

Tuy nhiên, không chỉ bị bệnh mới bị đắng miệng. Ở một số trường hợp như mang thai hay căng thẳng, lo lắng cũng sẽ bị đắng miệng. Cụ thể, trong 3 tháng đầu mang thai, người mẹ có sự thay đổi về hormone trong cơ thể, làm ảnh hưởng đến giác quan, cảm thấy một số thực phẩm có mùi khó chịu, ăn không ngon vì bị đắng miệng.

Chức năng gan suy giảm hoặc mắc bệnh ung thư cũng gây đắng miệng

Với những người quá căng thẳng và lo lắng, tạo nên kích thích phản ứng trong cơ thể, làm thay đổi vị giác. Bên cạnh đó cộng với việc ít uống nước gây ra tình trạng khô miệng, sẽ dẫn tới vị đắng.

Qua đây có thể thấy, dù đắng miệng chỉ là một biểu hiện nhỏ, nhưng nhiều người có thể mắc phải. Vì vậy khi thấy tình trạng này xảy ra thường xuyên và kéo dài thì bạn không nên chủ quan. Hãy nhìn nhận lại tình trạng sức khỏe của bản thân, đến gặp bác sĩ để được thăm khám và giúp chẩn đoán bệnh chính xác hơn.

Điều trị đắng miệng và biện pháp khắc phục tại nhà

Để điều trị đắng miệng hiệu quả, bạn cần bắt đầu từ nguyên nhân gây rối loạn vị giác. Nếu do bệnh lý gây ra thì cần đi chữa trị sớm, đồng thời, thực hiện một số điều sau:

  • Thường xuyên chăm sóc răng miệng, ưu tiên chọn bàn chải có lông mềm hoặc các loại bàn chải được đề nghị bởi các nha sĩ. Cần thay bàn chải 2 – 3 tháng/ lần. Bên cạnh đó hãy sử dụng kem đánh răng có chứa chất Fluoride, giúp ngăn ngừa sâu răng. Nhưng cũng đừng quá lạm dụng chất này vì có thể làm răng đổi màu. Hãy đánh răng nhẹ nhàng theo vòng tròn bao gồm cả mặt trong, mặt ngoài của răng và lưỡi. Đồng thời làm sạch răng và dọc theo đường nướu răng.
  • Hãy nhai kẹo cao su không đường để tăng tiết nước bọt. Chính lượng nước bọt được tiết ra giúp tiêu diệt vi khuẩn đồng thời giúp trung hòa và rửa trôi các axit gây hại từ thực phẩm. Bên cạnh đó hãy uống nhiều nước để không bị khô miệng và không đắng miệng.
  • Tránh các yếu tố gây trào ngược dạ dày, làm đắng miệng như các thực phẩm có tính axit (cam, xoài, chanh, quýt) hay các thực phẩm muối. Đồng thời giảm hoặc ngưng sử dụng thuốc lá, rượu bia. Thay vào đó hãy ăn nhiều trái cây giàu vitamin C để kích thích tuyến nước bọt hoạt động nhiều hơn, từ đó vị đắng trong miệng cũng giảm dần.
Nhai kẹo cao su để tiết nước bọt nhiều chữa đắng miệng

Hy vọng với những thông tin bài viết cung cấp đã giúp bạn biết được các nguyên nhân đắng miệng. Từ đây có biện pháp khắc phục cũng như phòng ngừa hiệu quả vấn đề về răng miệng cũng như các bệnh lý liên quan.

Tào Vân | Theo Phụ nữ sức khỏe