Càng dịp cận Tết, nỗi lo của các bà nội trợ về an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cho cả nhà càng được nâng cao.
Mới đây, tại một số địa phương, lực lượng chức năng phát hiện những mặt hàng thực phẩm, bánh kẹo bán tràn vỉa hè mất vệ sinh, người mua có nguy cơ rước bệnh.
Theo Báo Tiêu Dùng, vào khoảng 5 giờ 30 phút ngày 9/1, Đội 4 Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường – Công an TP Hà Nội phối hợp với Đội QLTT số 2 – Cục QLTT Hà Nội bất ngờ kiểm tra điểm tập kết hàng hóa trước cửa số 158 Trần Quang Khải, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm.
Thời điểm kiểm tra, lực lượng liên ngành phát hiện, thu giữ 1 tấn nầm lợn được cất giấu trong 35 bao tải, bên ngoài in chữ Trung Quốc. Đáng chú ý, dù đều là nầm động vật đã được cấp đông, nhưng quan sát bằng mắt thường có thể thấy được những tảng nầm đã chuyển màu đen, bốc mùi hôi thối khó chịu.
Đấu tranh khai thác tại chỗ, chủ số hàng trên là Trịnh Văn Chung Công (SN 1995, trú tại tỉnh Hưng Yên) khai nhận, số nội tạng động vật này được đối tượng thu mua trổi nổi từ nhiều nguồn trên thị trường, đang vận chuyển đi phân phối tại các chợ đầu mối, một số quán ăn trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Cũng theo VTC News, gần Tết, trên vỉa hè phố Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), đâu đâu cũng bán đủ loại mứt Tết, ô mai dù các mặt hàng này nguy cơ thiếu an toàn thực phẩm.
Các mặt hàng thường được bày bán quanh năm nhưng đến dịp Tết mới đón lượng khách đông đặc biệt, mỗi ngày có vài trăm lượt khách ghé qua những cửa hàng này, ít thì mua một vài lạng, nhiều thì có khi cả 5, 7 cân.
Thế nhưng, chỉ cần quan sát bên ngoài cũng có thể thấy các mặt hàng ở đây đa phần đều tiềm ẩn nguy cơ không đảm bảo an toàn thực phẩm. Vì hầu hết được bán đổ đống theo cân, theo lạng. Các sản phẩm cũng không được đóng gói cẩn thận trong từng túi, hộp như ở cửa hàng nên không có thông tin về nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng... Thậm chí nhiều mặt hàng còn không được che chắn cẩn thận, chỉ bày lộ thiên và khi khách cần thì nhặt để cân bán.
Khi được hỏi về vấn đề tem mác chứng minh nguồn gốc xuất xứ cũng như hạn sử dụng, các chủ hàng đều cho biết đây hoàn toàn là hàng thủ công nên không có tem mác cũng là điều dễ hiểu. Còn hạn sử dụng thì được ước tính chung chung khoảng hai tháng.
Thực phẩm bẩn chiếm 35% nguyên nhân gây ung thư
Dẫn tin từ Zing News, theo các chuyên gia y tế, ung thư là bệnh lý gây ra do nhiều nguyên nhân kết hợp. Trong đó, chỉ có 5-10% ung thư phát sinh do các rối loạn trong cơ thể, 80% do liên quan yếu tố môi trường sống, còn lại là do các nguyên nhân khác.
Trong số các nguyên nhân liên quan đến yếu tố môi trường, việc hút thuốc, chế độ >dinh dưỡng không hợp lý và thực phẩm bẩn chiếm tới 65% nguyên nhân gây ung thư. Đặc biệt, theo điều tra dịch tễ học của Hiệp hội ung thư Thế giới, có khoảng 35% ca mắc bệnh ung thư có nguồn gốc thực phẩm không an toàn, vì nó chứa các chất độc hại gây ra sự đột biến tế bào ở con người.
Theo các chuyên gia, thường xuyên sử dụng những thực phẩm không đảm bảo an toàn trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư đường ruột. Bên cạnh đó, bạn còn có nguy cơ mắc các bệnh ung thư khác như:
- Ung thư dạ dày-thực quản
- Ung thư đại trực tràng
- Ung thư gan
- Ung thư tủy
- Ung thư vòm họng
Ngoài những bệnh ung thư nêu trên, thực phẩm bẩn còn là thủ phạm làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư khác.
Phòng tránh >ngộ độc thực phẩm
Theo Công an nhân dân, việc phòng tránh và bảo vệ cơ thể khỏi những nguy cơ ngộ độc thực phẩm là rất cần thiết.
Nên ưu tiên chọn mua thực phẩm có bao gói, nhãn mác với thông tin rõ ràng về xuất xứ hàng hóa, chỉ tiêu chất lượng, ngày sản xuất, hạn sử dụng, chọn mua tại các địa điểm kinh doanh sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh thú y, có uy tín về chất lượng, có niêm yết giá theo quy định.
Hạn chế các sản phẩm chế biến sẵn: Tỏi, sả xay, rau củ đã thái sẵn, ngâm nước, thịt, cá xay nhuyễn,… vì nguy cơ sử dụng chất tẩy trắng, hàn the. Chọn lọc để tiếp cận các nguồn thông tin chính thống về tình hình ATTP, về các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm, loại thực phẩm bẩn bị “bêu tên” để có thông tin và biện pháp phòng tránh...
Cũng theo Tuổi Trẻ, >phòng tránh ngộ độc thực phẩm, cần chú ý như sau:
- Rửa tay kỹ bằng nước xà phòng ấm trước và sau khi xử lý hoặc chuẩn bị thức ăn.
- Dùng nước xà phòng nóng để rửa thớt, đồ dùng nhà bếp và các bề mặt khác mà bạn sử dụng.
- Giữ thực phẩm sống tách biệt với thực phẩm ăn liền.
- Khi đi mua sắm, chuẩn bị thực phẩm hoặc bảo quản thực phẩm, hãy để thịt sống, thịt gia cầm, cá và động vật có vỏ cách xa các thực phẩm khác để ngăn ngừa lây nhiễm chéo.
- Nấu thức ăn đến nhiệt độ an toàn. Chúng ta có thể tiêu diệt các sinh vật gây hại trong hầu hết các loại thực phẩm bằng cách nấu chín chúng ở nhiệt độ thích hợp.
- Kiên quyết loại bỏ thực phẩm khi nghi ngờ đã bị hư hỏng.
- Nếu không chắc thực phẩm đã được bảo quản an toàn hay chưa thì nên loại bỏ thực phẩm đó. Thực phẩm để ở nhiệt độ phòng quá lâu có thể chứa vi khuẩn hoặc chất độc không thể bị tiêu diệt bằng cách nấu chín, ngay cả khi nó trông thấy tươi ngon và có mùi thơm.