Viêm gan B (còn gọi là viêm gan do siêu vi B) hiện là một vấn đề lớn đối với sức khỏe ở nước ta cũng như trên toàn cầu.
Hiện nay, trên thế giới ước tính có trên 2 tỷ người đã từng hay đang bị nhiễm >siêu vi B. Theo Tổ chức y tế thế giới WHO (World Health Organization), Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ nhiễm siêu vi B cao nhất thế giới 15%-20%, tức khoảng 10 -14 triệu người và đáng quan tâm hơn cả là hơn 90% người bệnh không biết về tình trạng của mình.
Viêm gan B là loại bệnh gan thường gặp nhất trên thế giới. Bệnh này là do siêu vi khuẩn >viêm gan B (HBV) tấn công và làm >tổn thương gan, được chia thành 2 thể bệnh cấp và mạn tính. Tỷ lệ viêm gan B được ghi nhận cao ở Châu Á, một số vùng ở Châu Phi, Nam Mỹ, Đông Âu, và Trung Đông.
Hầu hết người lớn bị nhiễm bệnh đều có thể loại trừ siêu vi khuẩn viêm gan B dễ dàng. Tuy nhiên, một số người lớn và hầu hết trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị nhiễm bệnh không thể loại trừ siêu vi khuẩn này và sẽ bị nhiễm bệnh mạn tính (suốt đời).
Nhiễm virus viêm gan B mạn tính là nguyên nhân hàng đâu gây xơ gan và ung thư gan ở Việt Nam hiện nay. Viêm gan B có thể xảy ra ở bất cứ đối tượng nào, dù là trẻ sơ sinh, trẻ em, người trưởng thành hay người cao tuổi v.v
Virus HBV hay còn gọi là virus viêm gan B (Hepatitis B Virus), loại virus này có thể sống được 30 phút ở nhiệt độ 100 độ C; có thể sống 20 năm ở nhiệt độ -20 độ C. Virus viêm gan B có thể tồn tại bên ngoài cơ thể ít nhất trong 7 ngày. Trong thời gian này, virus vẫn có thể gây nhiễm bệnh nếu xâm nhập vào cơ thể của người chưa tiêm vac xin hoặc đã tiêm nhưng chưa có đáp ứng miễn dịch bảo vệ cơ thể. Thời gian ủ bệnh của virus viêm gan B trung bình là 75 ngày, nhưng có thể dao động từ 30 đến 180 ngày.
Viêm gan B có đường lây nhiễm giống với HIV (virus gây suy giảm miễn dịch) nhưng khả năng lây lan của HBV cao gấp 50-100 lần so với virus HIV nếu không có biện pháp phòng ngừa.
Các con đường lây truyền bệnh viêm gan B bao gồm:
Tiếp xúc trực tiếp với máu người nhiễm viêm gan B
Viêm gan B có thể lây qua khi tiếp xúc với máu của người nhiễm bệnh như: để vết thương hở tiếp xúc với máu của người nhiễm bệnh, do sự cố y tế truyền máu của người nhiễm viêm gan B cho người không mắc bệnh, v.v.
Dùng chung vật dụng cá nhân
Virus viêm gan B lây qua đường máu; do đó, thói quen dùng chung các vật dụng cá nhân như bàn chải đánh răng, bơm kim tiêm, dao cạo râu, vật dụng làm móng, kể cả lược chải đầu hoặc xăm hình, xăm môi, chân mày, đục khuyên tai, nặn mụn ở những cơ sở không không dùng kim tiêm riêng đều tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm các loại virus nguy hiểm khác như virus viêm gan C, virus HIV, v.v.
Lây từ mẹ sang con
Khả năng lây lan của viêm gan B cao hơn rất nhiều do chính bản thân người mắc bệnh còn không biết mình đang bị nhiễm virus. Một trong những cách thức lây nhiễm phổ biến mà cũng là nghiêm trọng nhất đó chính là từ mẹ sang con. Người mẹ khi mắc virus viêm gan B mạn tính thì có đến 90% trẻ sinh ra có khả năng bị nhiễm trùng mạn tính do lây truyền từ người mẹ.
Theo nghiên cứu, có đến 10% phụ nữ trên thế giới mang thai nhiễm phải loại virus này và mỗi năm có hơn 50.000 trẻ sơ sinh nhiễm virus viêm gan B mạn tính ngay từ khi mới chào đời dẫn đến xơ gan, ung thư gan lúc trưởng thành. Bên cạnh đó, do nhiễm phải virus viêm gan B mạn tính nên những đứa trẻ này cũng là nguồn bệnh có khả năng truyền virus sang cho những người khác và thế hệ sau, khiến bệnh ngày càng lây lan rộng hơn.
Lây qua đường tình dục
Bệnh viêm gan siêu vi B có tỉ lệ lây nhiễm qua quan hệ tình dục không được bảo vệ rất cao. Viêm gan B lây truyền qua đường tình dục nhanh hơn rất nhiều so với viêm gan C và dễ lây truyền hơn HIV gấp 50- 100 lần. Virus viêm gan B có thể gây lây nhiễm cho đối phương qua các vết xước nhỏ trong quá trình quan hệ tình dục.
Thói quen sinh hoạt làm giảm sự miễn dịch của cơ thể
Cơ thể rất dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn khi sự miễn dịch bị suy giảm. Điều này có nghĩa là bạn có nhiều khả năng mắc viêm gan B hơn khi hệ thống miễn dịch bị kém đi. Trên thực tế, nhiều thói quen hằng ngày đang làm giảm sức đề kháng của cơ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus xâm nhập như: lối sống tĩnh tại, ăn các loại thực phẩm chế biến sẵn, thức khuya, dinh dưỡng không hợp lý,…
Khám bệnh ở những cơ sở không đạt tiêu chuẩn
Các dụng cụ y tế tại các phòng khám răng, phòng khám nội soi tai mũi họng, phòng khám phụ khoa, v.v. ở những cơ sở không uy tín cũng có thể là nguyên nhân gây lây nhiễm bệnh viêm gan B. Khi thăm khám răng miệng, họng, phụ khoa cần có sự can thiệp của các dụng cụ y tế có thể gây trầy xước hoặc chảy máu, nếu các dụng cụ trên còn vấy máu người viêm gan B, không được khử trùng an toàn thì nguy cơ truyền bệnh cho người khác là rất khó tránh khỏi.
Tóm lại, viêm gan virus B hiện đang là một thách thức lớn của sức khỏe toàn cầu nói chung, và nước ta hiện nay. Hiểu rõ được bệnh và các nguyên nhân lây nhiễm phổ biến của bệnh từ đó có cách phòng tránh hiệu quả, tránh được các biến chứng, hậu quả nghiêm trọng của viêm gan virus B.