Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn vừa mới can thiệp mạch máu não thành công cho một bệnh nhân 53 tuổi bị phình mạch máu não với túi phình có kích thước khổng lồ.
Theo thông tin từ báo Pháp luật TP.HCM, sáng 7/6, Bệnh viện (BV) Hoàn Mỹ Sài Gòn cho biết vừa điều trị thành công trường hợp >phình mạch máu não kích thước lớn. Trước đó, BV tiếp nhận bà P.T.T.T. (53 tuổi, ngụ Vũng Tàu) trong tình trạng đau đầu, buốt phần thái dương.
Bà T. cho biết >sức khỏe bình thường, không có bệnh lý cụ thể. Trong vòng một tuần trở lại đây, bà thường đau đầu, đau buốt thái dương. Mỗi khi nhai nuốt hay cúi xuống đều có cảm giác đau buốt khó chịu. Gia đình nghĩ bà bị >rối loạn tiền đình nên tăng cường bổ sung thực phẩm và thuốc bổ não. Thấy tình trạng đau buốt càng nhiều nên bà T. được người nhà đưa tới BV Hoàn Mỹ Sài Gòn.
Cũng theo thông tin từ báo Dân Việt, tại khoa Nội thần kinh, sau khi thăm khám và tiến hành chụp CT, các bác sĩ phát hiện túi phình mạch não lớn, kích thước 7.7x5.3mm, cổ túi phình 5.0 mm tại >động mạch cảnh trong trái.
ThS.BS. Phạm Định Chương, Khoa Nội Thần Kinh, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, người trực tiếp thực hiện can thiệp cho bệnh nhân cho biết, túi phình của bệnh nhân có kích thước lớn, nếu không điều trị kịp thời, túi phình bị vỡ có thể gây ra xuất huyết dưới nhện, tỷ lệ tử vong cao.
Sau khi trao đổi với bệnh nhân và người nhà, các bác sĩ đã quyết định dùng phương pháp stent-coil. Vật liệu làm tắc túi phình (coil) sẽ được thả vào thông qua một vi ống thông, bịt đường máu chảy vào túi phình. Quá trình can thiệp diễn ra thuận lợi và thành công, tình trạng bệnh nhân đã ổn định, hết đau đầu.
Phình mạch máu não là hiện tượng thành mạch máu giãn khu trú tạo thành hình túi hoặc hình thoi. Dưới tác dụng của áp lực lên thành mạch máu, túi phình có thể gia tăng kích thước theo thời gian, gây chèn ép các tổ chức quan trọng xung quanh túi phình. Biến chứng nguy hiểm nhất của túi phình mạch máu não là túi phình có thể vỡ và gây ra xuất huyết dưới nhện, với tỉ lệ tử vong cao, từ 25-50%, có thể lên đến trên 80% nếu túi phình tái vỡ lần hai.
Tỷ lệ bắt gặp túi phình mạch não vào khoảng 4% trong dân số chung, với độ tuổi trung bình là 50, tỷ lệ như nhau ở cả nam và nữ. Do đó, việc tầm soát phát hiện sớm là rất quan trọng, để từ đó phát hiện và có chiến lược theo dõi định kỳ cũng như kế hoạch điều trị loại bỏ túi phình khi có chỉ định của bác sĩ.
Phình động mạch não rất nguy hiểm nếu vỡ hoặc chèn ép các tổ chức xung quanh. Khi túi phình bị vỡ, máu chảy tràn trong não làm người bệnh có nhiều biểu hiện như đau đầu dữ dội (chưa từng đau như vậy), nôn hoặc buồn nôn, người lơ mơ có thể dẫn đến hôn mê. Hầu hết các trường hợp phình động mạch não nhỏ không biểu hiện triệu chứng gì và chỉ được phát hiện khi chụp mạch não.