F0 ăn cháo gì nhanh khỏi? Nếu bạn đang băn khoăn điều này và muốn thay đổi với cháo tía tô, 4 lựa chọn dưới đây sẽ vô cùng hữu ích.
Từ lâu, tía tô đã là một loại lá gia vị được dùng nhiều trong các món ăn hàng ngày. Không những thế, ăn tía tô còn có công dụng chữa bệnh.
Cựu đại tá, lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (Nguyên Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội) khẳng định, trong Đông y, đây là vị thuốc quý đặc trị cảm mạo, ho có đờm, F0 điều trị tại nhà sử dụng sẽ rất tốt. Ăn cháo tía tô giúp F0 cắt sốt, giải cảm, nhanh khỏi bệnh hơn.
Thế nhưng, không chỉ riêng món cháo tía tô, thực tế trong y học cổ truyền cũng có rất nhiều món cháo ngon, bổ giúp F0 nhanh khỏe hơn. Nếu người bệnh Covid-19 cảm thấy chán ngán món cháo tía tô quen thuộc có thể nấu thay đổi để ăn ngon miệng, tăng đề kháng.
1. Cháo trứng gà, tía tô, hành lá
Trong Đông y, trứng gà có vị ngọt tính bình, thường sử dụng để bồi bổ >sức khỏe. Nghiên cứu của y học hiện đại cho thấy, trứng gà giàu vitamin A, D, E, B1, B6, B12; canxi, magiê, sắt, kẽm… và nhiều loại axit amin cần thiết để tăng cường miễn dịch.
Lecithin trong trứng rất tốt cho quá trình tiêu hóa, hỗ trợ hoạt động của gan, hạn chế nguy cơ bị tắc nghẽn động mạch do tăng cholesterol.
Đông y ghi nhận, hành hoa có vị cay, tính ôn, không độc, vào hai kinh phế và vị, có tác dụng thanh nhiệt, làm cơ thể toát mồ hôi, lợi tiểu, giúp tiêu hóa và kháng khuẩn cực tốt.
Do đó, nấu cháo trắng đập thêm trứng gà, cho chút tía tô và hành hoa vào trộn đều, ăn nóng sẽ giúp F0 tăng sức đề kháng, nhanh khỏi bệnh hơn.
2. Cháo gà
Nhiều người không dám ăn cháo gà vì lo sợ tình trạng ho sẽ trở nên trầm trọng hơn. Thế nhưng đây là quan niệm sai lầm. Lương y Bùi Hồng Minh nhận định cháo gà rất tốt cho F0 điều trị tại nhà.
Trong Đông y, thịt gà, có tính khí ôn, vị cam, không độc có nhiều tác dụng chữa bệnh khác nhau. Chuyên gia khuyên, khi dùng thịt gà nấu cháo cho F0 thì nên chọn thịt gà trống có lông màu đỏ để bổ phổi, tốt cho người khí hư suy yếu, giúp tăng sức đề kháng tốt hơn.
Khi nấu cháo gà, đừng quên những loại rau củ quả và gia vị đi kèm để cung cấp vitamin và khoáng chất dồi dào hơn. Bạn có thể bổ sung cà rốt, hạt sen, nấm hương... tùy thích.
Đặc biệt nhớ bổ sung những loại rau gia vị như hành tím, tía tô, húng quế... Trong Đông y, hành tím có tác dụng giải cảm, dễ tiêu hóa, giải độc cơ thể.
Trong khi đó, húng quế rất tốt để chữa ho, viêm họng, nghẹn mũi, nhức đầu, long đờm. Bổ sung húng quế vào bát cháo gà sẽ giúp các triệu chứng Covid-19 nhanh chóng thuyên giảm.
3. Cháo bí ngô
Theo Thạc sĩ - lương y Vũ Quốc Trung (Phòng Chẩn trị Y học Cổ truyền, Hội Đông y Việt Nam), bí ngô có tính ấm, điều hoà tỳ vị, bổ khí lực, nhuận tràng nên vẫn được dùng để chữa nhức đầu, đau đầu, chóng mặt, suy nhược thần kinh, áp xe phổi.
Bí ngô lại rất bổ máu. Do đó, F0 ăn cháo bí ngô sẽ nhanh khỏi bệnh hơn, lại còn bổ phổi, phòng chống hậu Covid-19 rất tốt.
Khi nấu cháo bí ngô, chị em nên nấu thêm thịt băm, xương ninh... cho ngọt nước, cho thêm chút rau mùi để món ăn thơm ngon hơn.
Chưa kể, rau mùi còn giúp giảm các triệu chứng lo âu, bồn chồn, giúp F0 giấc ngủ, chống viêm. Từ đó nhanh phục hồi sức khỏe, hạn chế tối đa rủi ro hậu Covid-19.
4. Cháo đậu xanh
Cháo đậu xanh giúp chống viêm, hạ sốt, tiêu độc nên cũng rất tốt cho người bệnh Covid-19. Đông y ghi nhận, đậu xanh vị ngọt tính mát, vào tâm, vị, không độc, bổ nguyên khí, thanh nhiệt mát gan, giải được trăm thứ độc.
Đặc biệt, loại đậu này có công dụng chữa ho, viêm họng, khản cổ, mất tiếng do ho nhiều rất hiệu quả. Nếu F0 xuất hiện những triệu chứng này càng nên ăn cháo đậu xanh đổi bữa.
Khi ăn cháo đậu xanh, đừng quên cho thêm hành lá và thưởng thức khi còn nóng để phát huy công dụng chữa bệnh tốt nhất.
5. Cháo đậu đen
Món cháo này giúp F0 hồi phục sức khỏe sau sốt được chuyên gia Đông y đánh giá cao. Đặc biệt là F0 hết sốt nhưng có tình trạng mệt mỏi nhiều, ăn uống kém, khó ngủ, trong người khó chịu, bứt rứt, mẩn ngứa, lên mụn nhọt.
Trong Đông y, đậu đen vị ngọt, bình vào tỳ, thận, chữa mất ngủ, người mệt mỏi nhiều. Khi dùng nấu cháo, đậu đen cho thêm chút hạt sen, dùng cả tâm sen thì càng tốt. F0 sẽ cảm thấy nhanh khỏe hơn, ngủ ngon và sâu hơn. Món cháo này cũng rất phù hợp với người đã khỏi bệnh nhưng bị mất ngủ hậu Covid-19.
Các chuyên gia cùng khuyến cáo, F0 không nên ăn 3 nhóm thực phẩm sau để nhanh khỏi bệnh, hạn chế những triệu chứng hậu Covid-19:
1. Nội tạng động vật, óc...
Nhiều người rất thích ăn nội tạng động vật như lòng lợn, tim, gan lợn..., óc lợn nhưng F0 khi đang điều trị bệnh nên hạn chế nhất có thể.
Những thực phẩm này có lượng cholesterol cao, không hề tốt cho sức khỏe. Thậm chí khiến F0 cảm thấy mệt mỏi, khó chịu hơn.
2. Thực phẩm có nhiều muối
Những loại thực phẩm có nhiều muối như xúc xích, đồ hộp, đồ khô, dưa cà muối... khiến F0 nạp nhiều muối vào cơ thể. Khi cơ thể đang sẵn yếu mệt, ăn thêm những món không hề tốt cho sức khỏe sẽ khiến bạn lâu khỏi bệnh hơn.
3. Đồ uống có gas
Những loại đồ uống có gas khiến F0 có thể rơi vào tình trạng đầy bụng, đầy hơi, khó chịu. Chưa kể, dùng nhiều trong thời gian nhất định cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tiểu đường.
Do đó, tốt nhất khi đang là F0 thì nên tránh. Bạn nên duy trì uống nước lọc ấm, uống nước từ trái cây, rau quả tươi như nước cam quýt, nước dừa... sẽ tăng đề kháng, nhanh khỏi bệnh.