Các nhà khoa học không khỏi ngạc nhiên về tác động lâu dài của COVID-19 tới sức khỏe con người.

Q.A (t/h) 14:07 08/08/2022

Tác động lâu dài của >COVID-19 tiếp tục khiến các nhà khoa học ngạc nhiên với những khám phá mới được tìm thấy gần như hàng tuần. Mới đây, các nhà nghiên cứu tại Argentina cảnh báo nguy cơ phát triển >bệnh Alzheimer có thể tăng cao, liên quan tới tình trạng >nhiễm COVID-19.

Khoảng 5% bệnh nhân COVID - 27 triệu người - đã báo cáo tình trạng mất khứu giác kéo dài hơn 6 tháng. Các nhà nghiên cứu và chuyên gia sức khỏe hiện đang nhận thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa triệu chứng này và sự suy giảm nhận thức. Alzheimer là một trong số các căn bệnh suy giảm nhận thức.

Những phát hiện sơ bộ được trình bày tại Hội nghị Quốc tế của Hiệp hội Bệnh Alzheimer (Hoa Kỳ). Qua đó, các nhà khoa học chỉ ra rằng có thể có mối liên hệ giữa mất khứu giác kéo dài và việc tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.

Nghiên cứu tiếp tục trả lời câu hỏi liệu mất khứu giác liên quan đến COVID-19 có thể gây ra suy giảm nhận thức hay không và điều này có thể có ý nghĩa gì đối với nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.

COVID có làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer không?

COVID-19 có thể ảnh hưởng tới trí nhớ và sự tập trung. Nghiên cứu mới đã phát hiện ra rằng mất khứu giác có thể là nguyên nhân gây ra các vấn đề về thần kinh lâu dài.

Các nhà khoa học đã làm nổi bật mối liên hệ giữa các trường hợp mắc COVID-19, bao gồm các triệu chứng thần kinh, với các dấu hiệu sinh học của bệnh Alzheimer.

Nghiên cứu cảnh báo tình trạng mất khứu giác kéo dài sau khi nhiễm COVID-19 có thể là một dấu hiệu dự báo về các vấn đề nhận thức kéo dài hơn là mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Nghiên cứu mới tìm thấy mối liên hệ giữa các triệu chứng COVID và sự suy giảm nhận thức. (Ảnh minh họa)

Các nhà nghiên cứu đã theo dõi 766 người trên 60 tuổi và không có tiền sử suy giảm nhận thức. Mỗi người tham gia đều làm xét nghiệm PCR và gần 90% cho kết quả dương tính với COVID-19.

Các nhà nghiên cứu đã thu thập dữ liệu về mức độ nghiêm trọng của bệnh và yêu cầu những người tham gia hoàn thành bài kiểm tra khứu giác và một loạt đánh giá nhận thức ít nhất 3 tháng sau khi làm xét nghiệm COVID-19.

Kết quả cho thấy 2/3 số người có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 đã trải qua một số dạng suy giảm trí nhớ. Một nửa số này bị suy giảm trí nhớ nghiêm trọng tới mức ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của họ.

Frederic Meunier, Đại học Queensland (Úc), cho biết những kết quả này ủng hộ ý tưởng rằng virus corona có thể xâm nhập vào não bằng đường mũi.

Tiến sĩ Sara Imarisio, Tổ chức Nghiên cứu Bệnh Alzheimer Vương Quốc Anh, cho biết: “Theo thống kê, cứ 3 người sinh ra thì có 1 người được dự đoán sẽ phát triển chứng sa sút trí tuệ trong suốt cuộc đời của họ và việc xác định rõ các yếu tố nguy cơ gây ra tình trạng này là điều cần thiết để phát triển các phương pháp điều trị cho những người mắc bệnh”.

“Cho tới nay, có khá ít thông tin về tác động lâu dài của COVID-19 đối với sức khỏe não bộ, và Tổ chức Nghiên cứu Bệnh Alzheimer của Vương Quốc Anh vẫn cam kết theo dõi các bằng chứng mới nổi trong lĩnh vực này.”

“Một nghiên cứu được thực hiện trước đại dịch COVID-19 đã chỉ ra mối liên hệ tiềm ẩn giữa thay đổi khứu giác và nguy cơ mất trí nhớ của con người. Một số nhà nghiên cứu đã sử dụng các bài kiểm tra khứu giác như một cách để xác định bệnh nhân ở giai đoạn sớm nhất của các bệnh như Alzheimer.”

Tiến sĩ Claire Sexton, giám đốc cấp cao của các chương trình khoa học và tiếp cận cộng đồng của Hiệp hội Bệnh Alzheimer (Hoa Kỳ), cho biết: “Mất khứu giác là một tín hiệu của phản ứng viêm trong não”.

Vị nữ tiến sĩ này nói thêm: “Chúng tôi biết viêm là một phần của quá trình thoái hóa thần kinh ở các bệnh như Alzheimer, nhưng chúng tôi cần tìm hiểu sâu hơn về cơ chế này”.

Bệnh Alzheimer được cho là do sự tích tụ bất thường của các protein trong và xung quanh các tế bào não. Nghiên cứu trước đây cũng đã phát hiện ra rằng tình trạng viêm trong não thúc đẩy sự tiến triển của bệnh Alzheimer.

Phát hiện của nghiên cứu mới này có vai trò quan trọng để làm nổi bật mối liên hệ giữa tình trạng viêm trong não và sự tiến triển của bệnh Alzheimer. Tuy nhiên, cần nghiên cứu thêm để tìm ra cơ chế COVID-19 thay đổi trí nhớ và suy nghĩ dài hạn.

Vì sao bị COVID lại có thể mất khứu giác?

COVID-19 tấn công biểu mô thần kinh ở mũi. (Ảnh minh họa)

Các chuyên gia tin rằng SARS-CoV-2, virus gây ra COVID-19, ảnh hưởng đến biểu mô thần kinh ở mũi hay khứu giác.

Tiến sĩ Boscolo-Rizzo, Khoa Y, Phẫu thuật và Khoa học Sức khỏe, Đại học Trieste (Ý), giải thích: “Biểu mô thần kinh khứu giác nằm ở đỉnh các hốc mũi và được tạo thành từ các tế bào thần kinh cảm giác khứu giác và các tế bào hỗ trợ bảo vệ các tế bào cảm giác mỏng manh này. Các tế bào thần kinh cảm giác khứu giác tạo ra tín hiệu và thông qua nhiều trạm sẽ đến vỏ khứu giác ở thùy trán của não và cho chúng ta cảm nhận được mùi”.

Tiến sĩ Boscolo-Rizzo giải thích thêm rằng biểu mô thần kinh có thể liên quan đến việc mất vị giác và khứu giác ở bệnh nhân COVID-19.

“Các tế bào hỗ trợ của biểu mô thần kinh khứu giác rất giàu thụ thể ACE2 - một thụ thể cần thiết cho sự xâm nhập của SARS-CoV-2 vào tế bào. Vì vậy, các tế bào hỗ trợ này là mục tiêu lý tưởng của virus. Ngược lại, các tế bào thần kinh cảm giác khứu giác không có thụ thể ACE2.”

“Nhưng tổn thương các tế bào hỗ trợ cũng ảnh hưởng đến các tế bào thần kinh. Các chất tiết ra từ các tế bào hỗ trợ bị nhiễm virus làm giảm số lượng thụ thể khứu giác ở các tế bào thần kinh cảm giác khứu giác gây ra chứng mất khứu giác.”

May mắn thay, Tiến sĩ Boscolo-Rizzo nói thêm, "Biểu mô thần kinh khứu giác tiếp xúc với môi trường bên ngoài và quen với việc bị tổn thương. Chính vì thế chúng có khả năng tái tạo. Do đó, khứu giác có thể phục hồi, dù có thể phải mất nhiều thời gian”.

Theo Lam Chi/Tổ Quốc