Trước sự việc phụ huynh ở Bắc Ninh bỏ công, bỏ việc, tốn tiền đưa con đi xét nghiệm sán lợn, PGS -TS Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) thừa nhận, đặt mình vào vị trí của người dân, ông cũng sẽ đưa con đi khám.
“Người dân đưa con đi xét nghiệm >sán lợn lo lắng là chính đáng”
Chiều 19.3, đoàn công tác của Bộ Y tế đã có buổi làm việc với cơ quan, ban ngành của tỉnh Bắc Ninh liên quan đến việc hàng nghìn phụ huynh ở huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) đưa con đi xét nghiệm sán lợn trong những ngày qua.
Tại buổi làm việc, đại diện tỉnh Bắc Ninh “trấn an” người dân không nên quá lo lắng. Lý do là tỉ lệ nhiễm sán lợn của trẻ em tại trường mầm non ở Bắc Ninh nằm trong khoảng bình quân chung của cộng đồng người dân Việt Nam, tức hơn 11% (186/1.557 kết quả), không có gì là bất thường.
Nói về hiện tượng ở Bắc Ninh, nơi đang có cuộc xét nghiệm tìm sán lợn lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam, PGS -TS Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) - cho rằng, việc người dân ở Bắc Ninh hoang mang, lo lắng, đưa con em mình đi xét nghiệm sán lợn là dễ hiểu, bởi người dân bị thiếu thông tin.
Ông đánh giá việc truyền thông về vụ ở Bắc Ninh những ngày qua chưa tốt, không thống nhất, ai cũng nói được, khiến người dân hoang mang.
“Khi một sự việc xảy ra, các thông tin phải rất minh bạch, khách quan, kịp thời và không bao biện. Sự việc đúng như thế thì phải yêu cầu và xử lý, còn nếu không đúng thì phải giải thích một cách kịp thời, chính xác và khoa học. Việc này những ngày qua chúng ta đã làm chưa tốt” - ông Phong nhấn mạnh.
“Việc người dân lo lắng trước thông tin thực phẩm chưa đảm bảo ở Trường Mầm non Thanh Khương, họ tự nguyện mang con, mang cháu đến các cơ sở y tế để xét nghiệm, để khám, phải nói rằng đây là lo lắng hết sức chính đáng. Tôi có con, nếu tôi không có chuyên môn, ở điều kiện như vậy, tôi cũng rất lo, cũng làm như thế”- đại diện Bộ Y tế chia sẻ.
"Chưa có căn cứ khẳng định trẻ nhiễm sán lợn do thực phẩm ở trường"
Trước những băn khoăn của phóng viên, cũng là lo lắng của người dân về việc "trẻ nhiễm sán lợn có phải do thực phẩm ăn ở trường hay không?", PGS Nguyễn Thanh Phong khẳng định:
“Chưa có căn cứ để khẳng định điều này. Hôm nay, phía Bắc Ninh báo cáo là không lưu lại mẫu thực phẩm khi xảy ra sự việc người dân nói thịt lợn bị nhiễm sán gạo dùng để chế biến cho trẻ vào ngày 14.2. Vì việc đó xảy ra lâu rồi.
Dù vậy, giả sử trong miếng thịt lợn có chứa ấu trùng sán, nếu thực hiện ăn chín uống chín thì nguy cơ lây bệnh là không có. Nghiên cứu dịch tễ cho thấy, nấu ở nhiệt độ ở 75-80 độ là sán đã bất hoạt”.
Chưa khẳng định do thực phẩm ăn ở trường, vậy đâu là nguyên nhân khiến hàng loạt trẻ nhiễm sán lợn, ông Phong cho rằng, có nhiều nguyên nhân. Có thể là từ thịt cá, rau sống, môi trường nước,... Nếu ai không rửa tay sạch sẽ trước khi ăn đều có nguy cơ lây bệnh.
Cũng theo đại diện Bộ Y tế, không chỉ có các cháu nhỏ ở huyện Thuận Thành dương tính với sán lợn, mà ai cũng có nguy cơ nhiễm nếu có thói quen ăn uống không đảm bảo vệ sinh….
"Nếu tôi đi xét nghiệm, có khi cũng dương tính. Chúng ta phải minh bạch, công khai thông tin như thế”- ông Phong nói.
Có kết quả xét nghiệm dương tính với sán lợn, vẫn chưa cần điều trị
PGS Nguyễn Thanh Phong cũng cho rằng, theo các GS đầu ngành, khi có kết quả xét nghiệm dương tính với sán lợn, vẫn chưa thể khẳng định trong người có giun sán. Việc xét nghiệm chỉ là một trong những biện pháp góp phần trong việc chuẩn đoán.
Theo phác đồ của Bộ Y tế ban hành vào năm 2004, có kết quả dương tính vẫn chưa cần phải điều trị.
“Chúng ta chỉ điều trị với sán trưởng thành, khi có biểu hiện đi ngoài có đốt sán. Đối với ấu trùng sán có nổi các cục hạch, việc điều trị không khó khăn, thuốc không đắt” - ông Phong khẳng định.
Tuy vậy, để người dân yên tâm, Bộ Y tế sẽ có phương án cử cán bộ ở hai viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Viện Sốt rét, côn trùng và ký sinh trùng trung ương thời gian tới về địa phương kiểm tra lại cho các cháu nhỏ có kết quả dương tính với sán lợn.
Đồng thời, ngành y tế và giáo dục sẽ có biện pháp tăng cường tuyên truyền về vấn đề đảm bảo toàn vệ sinh trong trường học, cũng như trong cộng đồng dân cư để giảm nguy cơ nhiễm sán và các bệnh đường ruột.