Theo Phó Giám đốc HCDC, việc tiêm chủng mũi nhắc lại là rất cần thiết và có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi đất nước đang bước vào giai đoạn bình thường.

PV 20:36 10/06/2022

Nhiều người dân tỏ ra lo ngại về nguy cơ tiêm nhiều vắc xin >COVID-19 có thể ảnh hưởng tới >sức khỏe. Tuy nhiên, BS Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, tiêm vắc xin COVID-19 cũng giống như bất kỳ loại vắc xin nào khác bao gồm liều cơ bản và liều nhắc lại. Trước khi tiêm mỗi người đều được khám để đánh giá có đủ sức khỏe và các điều kiện cần thiết để đáp ứng với việc tiêm chủng hay không.

BS Lê Hồng Nga, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP. HCM

Phó Giám đốc HCDC cho biết, tùy theo cơ địa, vắc xin COVID-19 cũng như những vắc xin khác có thể gây ra những phản ứng bất lợi, thông thường nhất là sốt, đau nhức cơ, mệt mỏi nhưng sẽ tự khỏi trong một vài ngày.

Ngành y tế khuyến cáo sau khi tiêm >vắc xin ngừa COVID-19 mỗi cá nhân cần ở lại theo dõi tại điểm tiêm 30 phút, về nhà tự theo dõi sức khỏe của mình trong vòng 28 ngày sau tiêm, theo dõi đặc biệt kỹ trong vòng 7 ngày đầu sau tiêm. Đây cũng là khuyến cáo thông thường đối với tất cả các loại vắc xin.

“Sau khi tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cộng đồng hoàn toàn có thể tiêm được các loại vắc xin khác như bình thường theo cơ chế phối hợp và bác sĩ sẽ tư vấn, hướng dẫn lịch tiêm phù hợp nhất. Việc tiêm vắc xin COVID-19 hoàn toàn không có chống chỉ định hoặc bất kỳ cản trở nào khác”, BS Hồng Nga nói.

Theo thông tin từ HCDC, hiện nay TPHCM đang tiến hành tiêm vắc xin ngừa COVID-19 mũi nhắc lại cho người trên 18 tuổi và đang tiếp tục tiêm chủng cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi; trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Tính đến ngày 9/6 tỷ lệ tiêm mũi 3 mới chỉ đạt được khoảng 64%. Mũi 4 đang triển khai tiêm nhưng tiến độ khá chậm. Đối với trẻ em nhóm 5 đến dưới 11 tuổi, tỷ lệ tiêm mũi 1 chỉ đạt được khoảng 33% mũi 2 đang tiến hành tiêm.

Hiện nay, Bộ Y tế đã ra chỉ đạo yêu cầu tất cả các địa phương tiêm phòng vắc xin COVID-19 liều nhắc lại lần 2 cho những người dân đã đủ điều kiện tiêm chủng. Tiêm chủng mũi nhắc lại là cần thiết và có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh cả nước đang bước vào giai đoạn khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc tiêm nhắc lại vắc xin sẽ giúp cơ thể tăng cường và khôi phục lại khả năng bảo vệ khi những liều tiêm trước đang giảm dần kháng thể.

“Tiêm liều nhắc lại đúng lịch giúp tăng cường khả năng bảo vệ hơn, hạn chế tình trạng chuyển nặng với từng cá nhân. Khi từng cá nhân được bảo vệ thì cộng đồng được bảo vệ”, bà Nga nói.

Tiêm liều nhắc lại giúp tăng cường khả năng bảo vệ, hạn chế tình trạng chuyển nặng khi mắc bệnh (Ảnh minh họa)

PGS Đỗ Văn Dũng - Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TPHCM chia sẻ, các nghiên cứu tại Mỹ, Anh hay Israel cho thấy, việc tiêm vaccine nhắc lại mũi 4 đặc biệt có lợi cho người già, có bệnh nền, nguy cơ cao vì làm giảm nguy cơ nặng và tử vong. Ở người trẻ, tiêm thêm vaccine sẽ giúp kháng thể bền vững, khiến nguy cơ nhiễm bệnh ít đi. Và khi không nhiễm bệnh sẽ loại trừ được các tình trạng của hậu COVID-19.

Theo PGS Dũng, khả năng bùng dịch xảy ra khi người dân không có miễn dịch, hoặc miễn dịch giảm đi theo thời gian. Dù vậy, trong tình hình hiện nay, việc phủ vaccine mũi 3 ở TPHCM đã khá tốt, cũng như nhiều người đã từng nhiễm bệnh. Do đó, nguy cơ xảy ra làn sóng dịch mới không cao, hoặc nếu có xảy ra cũng ít ảnh hưởng đến tính mạng người dân.

Thay vào đó, khi nhiễm bệnh sẽ gây bất tiện trong công việc, cuộc sống, hoặc vấn đề sức khỏe "hậu COVID-19".

Các chuyên gia khuyến cáo, nếu có đợt tiêm chủng do ngành y tế phát động, người dân vẫn cần tiêm vaccine COVID-19 mũi nhắc để ổn định kháng thể. Tuy nhiên, cần tuân thủ thời gian theo dõi sau tiêm, cẩn thận chú ý các triệu chứng bất thường để can thiệp kịp thời.

Theo Kim Ngân/Gia đình Việt Nam