Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, tại đây đang điều trị cho một bệnh nhân nữ 65 tuổi, nhập viện vì bị sốc phản vệ sau khi ăn cá thu.
Theo thông tin từ báo An ninh thủ đô, ngày 16/8, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết đang điều trị cho một bệnh nhân cấp cứu vì >sốc phản vệ do thức ăn. Nữ bệnh nhân được đưa đến viện trong tình trạng khó thở, bủn rủn tay chân, ban đỏ rải rác toàn thân, huyết áp tụt... Theo lời kể của gia đình người bệnh, các triệu chứng trên xuất hiện sau khi người bệnh ăn cá thu khoảng 30 phút.
Các bác sĩ đã nhanh chóng xử trí và chẩn đoán theo phác đồ phản vệ, điều trị tích cực. Hiện tại bệnh nhân đã ổn địng. Đáng chú ý, khi tỉnh lại, người bệnh cho biết trước đây không hề có tiền sử dị ứng.
Theo bác sĩ Nguyễn Trí Thức, khoa Bệnh Lây đường tiêu hóa (A4B) – Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 chia sẻ, sốc phản vệ do thức ăn không phải là trường hợp hiếm gặp, có thể gặp ở cả trẻ em lẫn người lớn, những thực phẩm thường gây dị ứng là hải sản, trứng, sữa, dứa, khoai tây, đậu phộng, đậu nành và các chất phụ gia.
Trước đó, cũng từng có một bệnh nhân bị sốc phản vệ sau khi ăn cá ngừ. Theo thông tin từ báo Vietnam net, bác sĩ Huỳnh Quang Đại - Khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, đơn vị đang chữa trị cho nữ bệnh nhân 25 tuổi, quê Đồng Nai bị sốc phản vệ nghi do ăn cá ngừ.
Nữ bệnh nhân vốn là công nhân. Trước khi nhập viện, cô vẫn đi làm bình thường và mang theo thức ăn từ nhà đi, trong đó có món cá ngừ. Sau khi dùng bữa cơm chiều được chừng 15 phút, nữ công nhân bắt đầu thấy khó chịu, người nổi phát ban, mẩn ngứa.
Cô gái được đưa vào bệnh viện gần công ty cấp cứu. Qua các xét nghiệm, bác sĩ nhận thấy phổi bị tổn thương nặng. Nhận định người bệnh có thể bị sốc phản vệ do dị ứng thức ăn, bác sĩ đã cho dùng Adrenaline và chuyển lên BV Chợ Rẫy.
Theo bác sĩ Đại, lúc được chuyển vào khoa, tình trạng nữ công nhân rất nguy kịch, phổi gần như không hoạt động khiến lượng oxy trong máu thấp, bọt hồng trào ra.
Để cứu tính mạng người bệnh, kíp bác sĩ đã đặt máy ECMO (hỗ trợ tuần ngoài từ bên ngoài).
Sau 3 ngày cấp cứu, người bệnh hiện qua cơn nguy kịch và hiện đã được rút ống nội khí quản, tự thở oxy, có thể nói chuyện được. Dự kiến sau 2 – 3 ngày tới, sẽ được ngưng máy ECMO.
Dị ứng thức ăn là một phản ứng dị ứng của cơ thể xảy ra khi cơ thể tiếp nhận những protein đặc biệt thông qua đường ăn uống. Có một số người, phản ứng dị ứng triệu chứng rất nhẹ nhưng một số trường hợp lại rất nghiêm trọng, gây nguy hiểm đến tính mạng.
Các triệu chứng thường gặp như nổi mẩn ngứa toàn thân hoặc ngứa trong miệng, nổi mề đay, phát ban, chàm, sưng môi, sưng mặt, lưỡi, cổ họng hoặc các bộ phận khác trên cơ thể; khò khè, nghẹt mũi hoặc khó thở; đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn hoặc nôn; chóng mặt hoặc ngất xỉu, da nhợt nhạt, tím tái, toát mồ hôi…
Các bác sĩ khuyến cáo, để đề phòng dị ứng thức ăn, cần tránh các thực phẩm có tiền sử gây dị ứng cho cơ thể hoặc các thực phẩm có nguy cơ gây dị ứng; xem kỹ thành phần in trên bao bì để loại trừ các sản phẩm gây dị ứng; không ăn thực phẩm hết hạn, ôi thiu...
Đối với trẻ nhỏ, nên cho bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu để hạn chế tình trạng dị ứng thức ăn. Với các bậc phụ huynh, cần báo cho giáo viên, bảo mẫu, người chăm sóc trẻ nếu con mình có tiền sử dị ứng với một loại thức ăn nào đó.