Nhờ kiên trì tập luyện môn thể thao này, bà cụ Trung Quốc đã tìm thấy “phép màu” cho cuộc sống.
Cụ bà Trương Lôi 90 tuổi ở Thành Đô, Trung Quốc chính là một trong những “ngôi sao” chiến thắng ung thư nổi tiếng ở đất nước tỷ dân. Ở độ tuổi xưa nay hiếm, bà Trương vẫn vô cùng khỏe mạnh, minh mẫn. Thậm chí, cụ bà này còn vừa đạt huy chương đồng ở một giải bơi lội vào đầu năm nay. Chia sẻ về bí quyết >sống thọ của mình, bà Trương cho biết bơi lội không chỉ giúp bà có một cuộc đời mới mà còn khiến cuộc sống của bà cụ này trở nên có ý nghĩa hơn.
Nhìn cụ bà lúc nào cũng vui vẻ này, ít ai biết được rằng bà từng phải chống chọi với bệnh ung thư suốt hơn 20 năm. Không những vượt qua chúng một cách ngoan cường, bà còn trở thành nguồn động lực cho rất nhiều bệnh nhân khác chiến đấu với bệnh tật.
1. Mắc hai căn bệnh ung thư, tỷ lệ sống sót dưới 1/3
Theo Sohu, ở tuổi 40, cụ Trương được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến giáp. Sau khi phẫu thuật cắt bỏ khối u được 5 năm sau, căn bệnh ung thư buồng trứng lại tìm đến bà.
Theo bác sĩ, tình trạng của Trương Lôi lúc đó rất nghiêm trọng. Loại ung thư biểu mô tế bào mà bà đang mắc phải có mức độ ác tính cao, cơ hội sống sót thấp hơn 1/3. Bác sĩ nói rằng, bà chỉ có thể sống tối đa 3 năm, thế nhưng mặc những điều tiêu cực liên tục ập tới, bà Trương vẫn không bỏ cuộc mà chấp nhận đối mặt với nó.
Cứ thế, bà Trương phải trải qua 3 cuộc phẫu thuật. Trước và sau khi hóa trị, toàn thân của bà cụ "sưng tấy". Ngay cả khi xuất viện, bà cụ thậm chí không còn sức để ngồi dậy. Một năm sau khi hóa trị, các chỉ số về khối u của bà Trương đột ngột tăng trở lại kèm theo những cơn ho dữ dội. Bác sĩ cho biết tế bào ung thư đã di căn đến phổi, khuyên bà cụ nên từ bỏ và ngừng "hành hạ" cơ thể mình.
Dẫu vậy, bà Trương vẫn tin rằng mình sẽ chiến thắng bệnh tật: "Tôi rất vui khi được sống, tại sao tôi phải từ bỏ?"
Sau khi tìm hiểu, bà Trương biết rằng có một bệnh nhân ung thư vú từng khỏi bệnh nhờ bơi lội kết hợp với điều trị. Là một người từng tập bơi từ khi còn nhỏ, bà cụ đã quyết định giành giật lấy cơ hội sống cuối cùng này để cải thiện >sức khỏe.
Bắt đầu từ những đường bơi chỉ dài 300m, 500m, bà Trương đã tăng lên tập luyện ở đường bơi 1.000m. Dù đã có lúc hoài nghi về sự nỗ lực của chính mình, nhưng rồi câu nói “con đường sống duy nhất là bơi về phía trước” trong thâm tâm cứ thúc giục bà phải cố gắng hơn nữa.
Cũng nhờ sự quyết tâm với bộ môn này, “phép màu” dường như đã tìm đến bà Trương. Nhờ kiên trì tập luyện và điều trị kết hợp, thể trạng của bà dần được cải thiện. Từ bơi lội vì mục đích rèn luyện sức khỏe, bà bắt đầu tham gia các cuộc thi để kiểm tra trình độ của bản thân. Ở cuộc thi bơi lội dành cho người lớn toàn quốc, bà cụ này đã 2 lần giành được huy chương đồng dưới sự ngỡ ngàng của nhiều người.
Không chỉ giúp bà cụ này chiến thắng được bệnh tật, bơi lội, thi đấu và kết bạn đã mở ra một thế giới hoàn toàn mới cho bà cụ 90 tuổi này.
Câu chuyện chiến thắng ung thư của bà nhanh chóng được lan tỏa đã tiếp thêm động lực sống cho hàng chục bệnh nhân ung thư khác. Họ tìm đến xin bà Trương lời khuyên và cách tập luyện để cải thiện sức khỏe. Với sự động viên của bà, nhiều bệnh nhân ung thư đã tiếp tục tập luyện và nhận được nhiều tín hiệu tích cực từ cơ thể.
Khi nhìn lại chặng đường của mình, bà Trương nhận ra 20 năm ròng rã chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác đã giúp bà nhận ra sự tươi mới của cuộc sống và niềm hạnh phúc khi được sống.
2. Tác dụng của bơi lội với sức khỏe
Thang Chiêu Du, viện sĩ của Học viện Kỹ thuật Trung Quốc và là bác sĩ ung thư nổi tiếng đất nước tỷ dân, đề xuất rằng cuộc chiến chống lại bệnh ung thư cần cả “loại bỏ” và“chuyển hóa” để nâng cao sức đề kháng của cơ thể. Việc tập luyện cũng là yếu tố rất quan trọng góp phần cải thiện sức khỏe, giúp cơ thể đối phó với những tế bào ung thư còn sót lại.
Ông tin rằng bơi lội là một phương pháp chống ung thư khả thi. Bộ môn này vừa có thể làm tăng tiết dopamine, có thể ức chế khối u một cách hiệu quả. Nghiên cứu y học cũng khẳng định bơi lội có thể đóng vai trò sinh lý trong cơ thể con người và kích thích sản xuất interferon trong cơ thể, từ đó giúp ngăn ngừa ung thư và tái phát.
Cần lưu ý, bệnh nhân ung thư không nên tham gia tập luyện quá sức, phạm vi nhịp tim của cường độ tập luyện nên được kiểm soát ở mức 50% đến 70% nhịp tim tối đa, tức là (220 - tuổi) × 50 đến 70 %. Tần suất tập thể dục nên được duy trì ở mức 3 - 4 lần/tuần tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe. Những người có thể chất cường tráng có thể kiên trì tập thể dục hàng ngày.
4 kiểu người nên chú ý hơn khi tập thể dục
Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Ung thư Quốc tế cho thấy việc tập thể dục với cường độ vừa phải vài lần một tuần sẽ giải phóng nhiều phân tử chống ung thư hơn trong cơ thể. Nhưng đối với 4 nhóm người này, họ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi tập luyện để bảo vệ sức khỏe của mình:
1. Bệnh nhân ung thư đặc biệt
Những bệnh nhân ung thư đã được xạ trị hoặc hóa trị nên xác nhận tình trạng của mình ổn định hoặc không có di chứng và không có di căn trước khi bắt đầu tập luyện. Những bệnh nhân ung thư có khả năng miễn dịch kém tốt nhất nên tránh tập thể dục ở nơi công cộng.
2. Bệnh nhân mắc các bệnh về xương khớp
Hoạt động vừa phải có thể làm giảm sự khó chịu ở khớp, nhưng hoạt động quá mức có thể làm mòn khớp. Vì vậy, bệnh nhân mắc các bệnh về khớp nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên môn trước khi tập thể dục và xây dựng kế hoạch tập luyện dựa trên thể trạng cá nhân của mình.
3. Bệnh nhân tăng huyết áp
Người bị huyết áp cao nên chú ý nguyên tắc tập luyện tăng dần tần suất cũng như cường độ tập luyện để đạt được hiệu quả hạ huyết áp. Trong quá trình tập luyện, nếu xảy ra hiện tượng đau ngực, tức ngực, đánh trống ngực,… thì nên ngừng tập ngay.
4. Bệnh nhân tiểu đường
Bệnh nhân tiểu đường có thể tập thể dục 20-40 phút sau bữa ăn 1 giờ để giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Không nên tập thể dục khi bụng đói vào sáng sớm vì dễ gây hạ đường huyết và các bệnh cấp tính về tim mạch, mạch máu não.
(Theo Sohu)