Bạn hầu sẽ như ngủ từ bảy đến tám tiếng mỗi đêm nhưng khi thức dậy vẫn cảm thấy bất ổn vào buổi sáng hoặc thậm chí gần như cả ngày đều uể oải. Vì sao dù đã tuân theo một quy tắc vàng về giấc ngủ như vậy nhưng vẫn cảm thấy mệt mỏi?
Sự khác biệt này thường là do trạng thái quán tính khi ngủ tăng cao, một quá trình sinh học điều chỉnh trí nhớ, tâm trạng, thời gian phản ứng và sự tỉnh táo khi thức dậy, theo một nghiên cứu năm 2015. Một số người bị suy giảm hiệu suất và mệt mỏi trong giai đoạn này sau lần đầu tiên tắt báo thức. Ảnh hưởng của quán tính khi ngủ thường hết sau 15 đến 60 phút nhưng có thể kéo dài đến vài giờ.
Sức ì của giấc ngủ làm suy yếu các kỹ năng nhận thức phức tạp hơn như tư duy đánh giá, ra quyết định, khả năng sáng tạo và sử dụng quy tắc và càng trở nên tồi tệ hơn khi một người càng thiếu ngủ.
Nhưng ngay cả khi công việc của bạn mang hình thức trái giờ giấc sinh học như lái xe tải qua đêm, việc trải qua giấc ngủ theo quán tính trong nhiều giờ vẫn có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn.
Cách giải quyết vấn đề này bắt đầu bằng việc đánh giá giấc ngủ của bạn, bác sĩ Raj Dasgupta, chuyên gia về phổi và giấc ngủ, phó giáo sư y khoa tại Đại học Y khoa Keck thuộc Đại học Nam California, cho biết. "Nếu bạn đang ngủ đủ giấc, câu hỏi tiếp theo cần được giải quyết là "Bạn có đang ngủ ngon không?'"
Bác sĩ Dasgupta đề nghị bạn nên đến gặp một chuyên gia về giấc ngủ, người có thể kiểm tra chứng rối loạn giấc ngủ cơ bản hoặc nguyên phát. Nhưng có những yếu tố khác dễ thay đổi hơn có thể can thiệp vào quá trình phục hồi giấc ngủ của bạn chẳng hạn như củng cố trí nhớ, điều chỉnh hormone và điều chỉnh hoặc xử lý cảm xúc cần phải xảy ra trong khi ngủ.
1. Mệt mỏi
Jennifer Martin, giáo sư y khoa tại Trường Y David Geffen thuộc Đại học California cho biết: "Có rất nhiều tình trạng gây ra mệt mỏi, nhưng chúng không nhất thiết khiến mọi người cảm thấy như họ đã sẵn sàng đi vào giấc ngủ."
Chúng có thể bao gồm tình trạng đau mãn tính, tình trạng chuyển hóa hoặc bệnh tuyến giáp, thiếu máu và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
Nếu bạn đang cảm thấy mệt mỏi không thể giải thích được, "bước đầu tiên quan trọng có thể chỉ là khám >sức khỏe định kỳ với bác sĩ", giáo sư Martin nói.
Ngoài ra, Tổ chức National Sleep Foundation cho biết người lớn khỏe mạnh cần ngủ từ bảy đến chín giờ mỗi đêm, vì vậy bạn có thể cần ngủ hơn tám giờ để cảm thấy tràn đầy năng lượng. Christopher Barnes, giáo sư quản lý tại Đại học Washington, người nghiên cứu về mối quan hệ giữa giấc ngủ và công việc, cho biết, bạn có thể thử đi ngủ sớm hơn một giờ hoặc thức dậy muộn hơn bình thường một giờ và xem điều đó có tạo nên sự khác biệt hay không.
2. Lối sống ít hoạt động
Nếu bạn ít vận động, cơ thể của bạn có thể quen với việc chỉ phải tiêu hao mức năng lượng thấp, vì vậy bạn có thể cảm thấy mệt mỏi hơn mức bình thường khi cố gắng thực hiện các hoạt động cơ bản hàng ngày.
Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã khuyến cáo rằng người lớn nên dành ít nhất 150 phút (2 tiếng rưỡi) hoạt động thể chất từ mức độ trung bình đến mạnh hàng tuần, trong khi những người mang thai nên thực hiện ít nhất 150 phút các bài tập thể dục nhịp điệu vừa phải và tăng cường mỗi tuần.
3. Lo lắng hoặc trầm cảm
Bác sĩ Dasgupta nói rằng lo lắng hoặc trầm cảm có thể gây ảnh hưởng đến năng lượng cơ thể bạn. Những điều kiện này cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến thời gian cần thiết để đi vào giấc ngủ cũng như việc bạn thức dậy (và bao nhiêu lần) suốt đêm.
Đôi khi các loại thuốc được sử dụng để điều trị trầm cảm hoặc lo lắng có thể có tác dụng phụ như mất ngủ hoặc chặn các giai đoạn sâu hơn của giấc ngủ, bác sĩ Dasgupta nói.
4. Giấc ngủ không ổn định
Đôi khi lịch trình của chúng ta khác nhau vào các ngày trong tuần so với cuối tuần. Lịch trình cũng có thể dao động đối với những người có công việc theo ca.
Một thông lệ rất phổ biến là bạn sẽ nói " Được rồi, đó là tối thứ Sáu. Tôi không phải làm việc vào sáng mai, vì vậy tôi có thể thức khuya hơn một chút ". Có thể bạn thức khuya thậm chí vào tối thứ Bảy vì bạn cũng không phải làm việc vào Chủ nhật, sau đó đi ngủ sớm hơn vào Chủ nhật trước tuần làm việc tiếp theo.
Nhưng đến thời điểm này, bạn đã điều chỉnh lại lịch ngủ của mình vài giờ trong một khoảng thời gian ngắn. Giáo sư Barnes cho rằng "Điều này rất giống với hiện tượng trễ máy bay. Việc thiết lập lại nhanh chóng đó không hoạt động tốt cho lắm."
5. Mất nước
Hơn 50% cơ thể của bạn được tạo ra từ nước, cần thiết cho nhiều chức năng bao gồm tiêu hóa thức ăn, tạo hormone và chất dẫn truyền thần kinh, đồng thời cung cấp oxy đi khắp cơ thể. Mất nước có thể làm giảm sự tỉnh táo, buồn ngủ và mệt mỏi.
Viện Y học khuyến nghị phụ nữ nên tiêu thụ 2,7 lít chất lỏng hàng ngày và nam giới cần 3,7 lít mỗi ngày. Khuyến nghị này bao gồm tất cả các chất lỏng và thực phẩm giàu nước như trái cây, rau và súp.
6. Môi trường hoặc thói quen ngủ kém
Giữ vệ sinh giấc ngủ tốt bao gồm giữ cho phòng ngủ của bạn tối, yên tĩnh và không gian mát lạnh vào ban đêm và chỉ sử dụng nó cho giấc ngủ hay quan hệ tình dục.
Tiếp xúc với bất kỳ ánh sáng nào trong khi ngủ có liên quan đến béo phì, các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Tránh tiêu thụ đồ uống có chứa caffein ít hơn sáu giờ trước khi đi ngủ và hạn chế uống rượu hay thức ăn nặng hoặc cay ít nhất hai giờ trước khi đi ngủ. Rượu có thể ngăn cản giai đoạn ngủ sâu hơn và những thực phẩm như vậy có thể gây ra các vấn đề về tiêu hóa, cản trở giấc ngủ phục hồi.
7. Các vấn đề về giấc ngủ của "đối tác"
Giáo sư Martin nói: "Người (hoặc thú cưng) mà bạn ngủ chung giường có ảnh hưởng lớn đến giấc ngủ của bạn."
Có thể người bạn cùng giường của bạn bị rối loạn giấc ngủ và ngáy hoặc trằn trọc. Hoặc có thể họ có một lịch trình khác làm gián đoạn giấc ngủ của bạn. Cô nói thêm, thú cưng cũng có thể làm gián đoạn lịch trình ngủ của bạn vì chúng không có kiểu ngủ giống như con người.
Giáo sư Martin nói: "Điều quan trọng nhất - nếu người bạn cùng giường của bạn ngủ ngáy - là đưa họ đến gặp một chuyên gia về giấc ngủ và nhờ họ đánh giá về chứng ngưng thở khi ngủ. Ngưng thở khi ngủ - một tình trạng trong đó hơi thở ngừng và khởi động lại trong khi ai đó đang ngủ thường gặp ở những người ngáy."
8. Rối loạn giấc ngủ
Giáo sư Barnes cho biết thêm, rối loạn giấc ngủ là một yếu tố khác có thể làm giảm đáng kể chất lượng giấc ngủ. Một người bị chứng ngưng thở khi ngủ có thể thức dậy 50 lần, 100 lần hoặc thậm chí nhiều hơn trong suốt cả đêm, ông nói thêm.
"Một khi bạn tỉnh táo, bạn sẽ không còn chìm trong giấc ngủ sâu và bạn thường không thể chìm ngay vào giấc ngủ sâu nhất. Đưa mọi người ra khỏi giấc ngủ sâu bằng cách đánh thức họ nói chung sẽ dẫn đến việc dành ít thời gian hơn cho giai đoạn sâu nhất của giấc ngủ."
Giáo sư Barnes cho biết, cách lý tưởng để theo dõi chất lượng và số lượng giấc ngủ, đặc biệt nếu bạn nghĩ rằng mình có thể được chẩn đoán mắc chứng rối loạn giấc ngủ là tiến hành chụp đa ảnh tại một phòng khám về giấc ngủ.
Các ứng dụng và thiết bị đeo điện tử, chẳng hạn như đồng hồ hoặc nhẫn đo giấc ngủ không chính xác bằng các xét nghiệm tại phòng khám, nhưng vẫn sẽ phần nào cung cấp đầy đủ thông tin cho người lớn khỏe mạnh.
Theo CNN