Bệnh nhân số 91 đã tỉnh táo, phổi đang phục hồi dần từ chỗ hi vọng chỉ còn 5 -10% thì đến nay bệnh nhân này đã có thêm 60% hi vọng cải thiện.
Hơn hai tháng... "đi trên dây"
Theo thông tin từ Tiểu ban điều trị bệnh Covid-19, diễn biến sức khoẻ của nam >phi công người Anh- bệnh nhân 91 đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, tiên lượng còn nặng dù đã ngưng được ECMO, bệnh nhân còn cần nhiều tuần để cai máy thở và phục hồi chức năng vận động, trong quá trình hồi phục có thể bị những đợt nhiễm trùng mới.
Hiện bệnh nhân tỉnh. Sức cơ tứ chi vẫn ở mức hoạt động chi trên 3/5, chi dưới 2/5. Tình trạng viêm phổi do vi khuẩn Burkholderia cenocepacia khả quan hơn, đờm đã chuyển từ dạng mủ sang loãng trong. Đặc biệt, phổi phục hồi được gần 60%.
Tình trạng trướng bụng có thể do dùng kháng sinh liều cao, phổ rộng nhiều ngày gây loạn khuẩn ruột.
Hiện, bệnh nhân vẫn thở máy, kết hợp dùng kháng sinh, truyền kháng đông liên tục... Song song đó, bệnh nhân tiếp tục được tập vật lý trị liệu tích cực để sớm phục hồi cải thiện về sức cơ cũng như chức năng hô hấp; >dinh dưỡng cũng phải đảm bảo để đáp ứng đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng cho bệnh nhân trong giai đoạn hồi phục.
Một thành viên trong hội đồng Tiểu ban điều trị cho biết, với bệnh nhân 91 này các bác sĩ đã "đi trên dây" hơn 2 tháng. Thực sự có lúc bệnh nhân rất nặng cơ hội sống chỉ 5% nhưng đến nay nhìn hình ảnh phổi đã đạt 60% là một kỳ tích. Đó là nỗ lực và trí tuệ của cả tập thể y bác sĩ, hội đồng chuyên môn.
Bệnh nhân có thể trạng khoẻ mạnh nhưng khi nhiễm Covid-19 lại biến chứng nhanh. Cơ chế vẫn không thể giải thích được tại sao bệnh nhân lại diễn biến nhanh như thế. Phổi của bệnh nhân có lúc gan hoá và đến nay đã bắt đầu hồi phục dần nhưng vẫn còn nhiều điểm trắng trên phim CT cho thấy phổi vẫn tổn thương. Nếu bệnh nhân cải thiện hơn 70% sẽ không phải ghép phổi. Phần tổn thương không phục hồi có thể trở thành xơ phổi.
Suốt hơn 2 tháng qua, tiểu ban điều trị Covid-19 đã trong tình trạng túc trực 24/24 để theo dõi diễn tiến của bệnh nhân. Với bệnh nhân can thiệp ECMO bình thường thì 15 ngày thay 1 cục lọc còn bệnh nhân số 91 chỉ 4 ngày đã phải thay 3 cục lọc, tình trạng rối loạn đông máu nặng.
Những ngày đầu, các bác sĩ "bạc tóc, sụt cân" vì bệnh nhân thay đổi liên tục. Tình trạng rối loạn đông máu nặng, bác sĩ sử dụng thuốc kháng đông Heparin. Tuy nhiên bệnh nhân vừa bị rối loạn đông máu do Covid-19, đồng thời mắc thêm hội chứng HIT - giảm tiểu cầu do dị ứng với Heparin, nguy cơ chảy máu cao, đe dọa tính mạng nên các y, bác sĩ lại buộc phải dừng loại thuốc này.
Bệnh nhân cần sử dụng thuốc kháng đông bằng tĩnh mạch, nhưng cả Việt Nam không có thuốc này, các bác sĩ nhanh chóng làm thủ tục nhập thuốc dưới sự "bảo lãnh" của Bộ Y tế.
Bệnh nhân này luôn có 2-3 bác sĩ và điều dưỡng trông 24/24, các chỉ số trên máy móc cập nhật từng phút, thậm chí có lúc 12h đêm bất thường là phải thay đổi máy móc, phương tiện ngay.
Nỗi lo nhiễm vi khuẩn kháng thuốc
Về tình trạng nhiễm khuẩn, bệnh nhân số 91 nhiễm khuẩn Burkholderia cepacia đây là một loại vi khuẩn bệnh viện kháng thuốc. Ngày 24/4 cấy máu lên vi khuẩn này và đến nay vẫn chưa thể tiêu diệt. Dù bệnh viện đã phải đặt từ nước ngoài riêng cho bệnh nhân này loại kháng sinh thế hệ mới nhất kết hợp với các thuốc tốt nhất nhưng cấy máu vẫn chưa thể tiêu diệt vi khuẩn này.
Nỗ lực của các y bác sĩ dự tính trong 3 tuần có thể cai máy thở cho bệnh nhân 91, dù chưa thể khẳng định nhưng đây là mục tiêu của các chuyên gia. Tuy nhiên, điều bác sĩ lo ngại nhất đó là sau khi cai máy thở, nếu bệnh nhân mắc nhiễm trùng bởi các vi khuẩn bệnh viện thì đây là vấn đề cực kỳ nan giải.
Vi khuẩn Burkholderia cepacia được phát hiện lần đầu vào năm 1949, vi khuẩn Burkholderia cepacia là dạng mầm bệnh cơ hội, có thể gây viêm phổi nguy hiểm ở những người mắc tiền sử bệnh phổi từ trước, chẳng hạn xơ nang phổi.
Trong khi đa số trường hợp bệnh có thể chữa khỏi bằng việc kết hợp nhiều loại kháng sinh, B. cepacia cho thấy mức độ kháng cao với một số nhóm kháng sinh nhất định, cùng khả năng sống sót trong điều kiện khắc nghiệt.