"Đeo khẩu trang không hề tốn kém, kết hợp cùng giãn cách xã hội, cách ly và lần vết người nhiễm cho thấy cơ hội khả dĩ nhất để chặn đứng đại dịch Covid-19, trước khi vắc xin ra đời," - trích trong báo cáo nghiên cứu.
Theo CNN dẫn trong một nghiên cứu mới đây, chủng virus corona mới (SARS-CoV-2) gây ra đại >dịch Covid-19 lây lan chủ yếu qua không khí, bởi vậy đeo khẩu trang là cách hiệu quả nhất để hạn chế dịch bệnh lan truyền.
Cụ thể, đội nghiên cứu từ ĐH A&M (Texas) và ĐH California, San Diego (California) đã so sánh số liệu và xu hướng lây nhiễm Covid-19 tại Ý và tiểu bang New York trước và sau lệnh bắt buộc đeo khẩu trang. Theo kết quả công bố trên Kỷ yếu của Viện khoa học Hàn lâm, cả hai nơi đều cho thấy xu hướng lây nhiễm dần bị san phẳng với sự xuất hiện của khẩu trang.
Theo các chuyên gia tính toán, việc đeo khẩu trang đã ngăn chặn ít nhất 78.000 ca nhiễm trong giai đoạn 6/4 - 9/5, còn tại New York là 66.000 ca kể từ ngày 17/4 - 9/5.
"Việc đeo khẩu trang nơi công cộng là phương pháp hiệu quả nhất để ngăn chặn virus lây lan giữa người với người. Phương pháp này không hề tốn kém, kết hợp cùng giãn cách xã hội, cách ly và lần vết người nhiễm cho thấy cơ hội khả dĩ nhất để chặn đứng đại dịch Covid-19, trước khi vắc xin ra đời," - trích trong báo cáo nghiên cứu.
Các chuyên gia đã đánh giá tính hiệu quả của một số phương pháp ngăn ngừa lây lan, cũng như đánh giá cách virus lan truyền. Về cơ bản, virus có khả năng lây lan trực tiếp qua những cơn ho và hắt hơi; qua con đường không trực tiếp như chạm vào vật thể đã bị dính nước bọt của người nhiễm ho vào; hoặc qua đường khí dung - có thể tồn tại trong không khí xung quanh vật chủ khoảng 1 - 2m.
Để xác định đâu là cách lan truyền chính, các nhà khoa học đã phân tích xu hướng lây lan và các phương pháp sử dụng để ngăn chặn tại 3 điểm nóng virus: Vũ Hán (Trung Quốc), Ý và thành phố New York (Mỹ). Họ so sánh thời gian áp dụng các phương pháp như xét nghiệm diện rộng, cách ly, lần vết, giãn cách xã hội, và đeo khẩu trang.
Kết quả sau khi so sánh, số ca nhiễm tại Ý và New York chỉ giảm đi sau khi bắt công chúng đeo khẩu trang mà thôi. Trong đó, khu vực phía bắc nước Ý yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang vào ngày 6/4, sau đó ngày 4/5 thì áp dụng trên toàn quốc. Khẩu trang cũng thành vật bắt buộc ở New York vào ngày 17/4.
"Việc đeo khẩu trang có thể ngăn chặn tiếp xúc virus qua khí dung, cũng như chặn được giọt bắn từ người bệnh khác," - báo cáo nghiên cứu cho biết. "Các phương pháp như giãn cách xã hội, cách ly, giữ vệ sinh cá nhân... cũng giúp ngăn lây nhiễm, nhưng không thể chặn được con đường lan truyền qua không khí."
Theo lưu ý của nghiên cứu, việc sử dụng khẩu trang dù là rất bình thường ở Trung Quốc và nhiều nước Đông Á, nhưng không phổ biến tại phương Tây, đặc biệt là vào giai đoạn đầu của dịch bệnh. Dẫu vậy, các nghiên cứu chỉ ra bằng chứng cho thấy khẩu trang có thể làm chậm sự lây lan hơn rất nhiều.
Các chuyên gia cho biết, WHO (>Tổ chức y tế thế giới) lẫn Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) đều nhấn mạnh việc hạn chế tiếp xúc để ngăn ngừa lây nhiễm, nhưng cả hai tổ chức đều đã bỏ qua sự quan trọng của con đường lây lan qua không khí.
"Các phương pháp như cách ly xã hội và hạn chế ra ngoài tại Mỹ là chưa đủ để chặn sự lây lan của virus nơi công cộng."