Thị lực thay đổi theo tuổi tác là hiện tượng bình thường và bạn có thể hạn chế tình trạng này bằng nhiều cách đơn giản.
Cơ thể lão hóa đồng nghĩa với khả năng mắc phải các bệnh về mắt sẽ tăng theo. Cần nheo mắt để đọc tin tức trên báo hoặc điều chỉnh phông chữ trên điện thoại sao cho dễ nhìn hơn là điều không ít người gặp phải. Khi già đi, thị giác thay đổi là hiện tượng bình thường. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, đây cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh mắt đáng lo ngại.
Dưới đây là các dấu hiệu cho thấy mắt đang dần lão hóa và lời khuyên của chuyên gia giúp bảo vệ thị lực lâu dài:
Khi bước sang tuổi trung niên, bạn có thể nhận thấy việc đọc nhãn mác trên bao bì sản phẩm hoặc nhìn những đồ vật ở khoảng cách gần sẽ trở nên khó khăn hơn. Học viện Nhãn khoa Hoa Kỳ (AAO) cho biết, tình trạng này được gọi là viễn thị và ngày càng phổ biến ở người trên 40 tuổi.
Usiwoma Abugo, chuyên gia y khoa, phát ngôn viên của AAO kiêm phó giáo sư nhãn khoa tại Trường Y Đông Virginia giải thích, thủy tinh thể, có hình dạng giống như một quả cầu trong suốt, sẽ mất đi tính linh hoạt theo thời gian. Điều này đồng nghĩa với việc chúng không thể di chuyển và đưa các vật thể bạn nhìn thấy vào võng mạc nằm phía sau của mắt.
Nói cách khác, nhìn hoặc đọc những thứ ở gần trở nên khó khăn hơn. May mắn thay, mọi người có thể cải thiện tình trạng này bằng cách đeo kính.
Theo chuyên gia Usiwoma, tuổi tác thường đi kèm với một vấn đề về thị lực mang tên đục thủy tinh thể. Trên thực tế, AAO đã chỉ ra, khoảng ½ người Mỹ trưởng thành trên 75 tuổi đang phải đối mặt với điều này.
Khi cơ thể lão hóa, các protein trong mắt bị phá vỡ, từ đó làm ảnh hưởng tới thị lực hoặc nhìn mờ, mất màu. Chuyên gia Usiwoma khuyên, nếu nghi ngờ bản thân đang phải đối mặt với đục thủy tinh thể, bạn nên liên hệ với bác sĩ nhãn khoa càng sớm càng tốt.
Nhạy cảm với ánh sáng là hiện tượng thường gặp ở người lớn tuổi. Nếu đang lái xe vào ban đêm và nhận thấy đèn pha của các phương tiện giao thông sáng quá chói mắt, bạn rất có thể đang phải đối mặt với tình trạng này.
Nhạy cảm với ánh sáng bắt nguồn từ những thay đổi trên bề mặt mắt như khô mắt hoặc vấn đề bên trong như đục thủy tinh thể.
Theo chuyên gia Usiwoma, khả năng nhận biết màu sắc có thể bị ảnh hưởng khi về già. Rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, từ thu hẹp kích thước đồng tử, thủy tinh thể trong mắt bị đục cho tới giảm độ nhạy của các đường liên lạc thần kinh trong thị giác.
Ngoài ra, khi tuổi tác tăng lên, một số vấn đề về mắt cũng có thể xuất hiện như bệnh tăng nhãn áp, thoái hóa điểm vàng hoặc ảnh hưởng do bệnh tiểu đường.
Khô mắt khiến mắt bị cộm, khó chịu và dễ nhạy cảm. Trên thực tế, chuyên gia Usiwoma cho biết, cứ mỗi năm năm sau 50 tuổi, tỷ lệ mắc bệnh khô mắt sẽ tăng lên.
Tình trạng này xảy ra khi cơ thể không sản xuất đủ nước mắt hoặc chất lượng nước mắt không đảm bảo. Nguyên nhân khô mắt thường bắt nguồn từ hiện tượng lão hóa, khiến các tuyến nước mắt bị xơ hóa và teo đi.
Ngoài ra, mí mắt cũng có thể góp phần dẫn tới khô mắt. Chuyên gia Usiwoma giải thích, mí mắt sụp xuống theo tuổi tác. Từ đó không thể giữ lại được nước mắt như trước đây.
Theo AAO, nếu bạn phải mất nhiều thời gian hơn để thích ứng với việc nhìn trong bóng tối, các tế bào hình que trong mắt rất có thể đã bị suy giảm do tuổi tác.
Tiêu thụ rau xanh có khả năng ngăn ngừa bệnh tật và góp phần bảo vệ >sức khỏe mắt. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh các chất chống oxy hóa như vitamin C, zeaxanthin, vitamin E và kẽm giúp chống lại ảnh hưởng của ánh sáng xanh. Để tăng cường kẽm, bạn có thể tìm tới những loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt, động vật có vỏ như hàu, cua và tôm.
Nhìn thấy những mảng đốm trôi nổi trong mắt là hiện tượng ngày càng trở nên phổ biến khi cơ thể già đi.
Nguyên nhân bắt nguồn từ sự thay đổi kích thướng của thủy tinh thể. Khi bộ phận này co lại do lão hóa, một lượng lớn dịch kính trong chúng cũng chịu ảnh hưởng theo và hình thành nên những đốm đen nhỏ trôi lơ lửng trong mắt.
Tương tự như vậy, nhìn thấy những chớp sáng nhấp nháy cũng là một triệu chứng của lão hóa mắt. Theo AAO, chúng chỉ xảy ra khi lớp chất lỏng trong mắt bị cọ xát hoặc kéo lên trên võng mạc.
Thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi tác (ARMD) là một chứng rối loạn ảnh hưởng đến thị lực và trở nên phổ biến ở những người trên 55 tuổi. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa ở các nước phát triển.
Tương tự như vậy, bệnh tăng nhãn áp làm tổn thương dây thần kinh thị giác và bệnh võng mạc tiểu đường, xảy ra khi lượng đường trong máu tăng cao làm phá hủy mạch máu trong võng mạc, cũng có thể gây mất thị lực.
(Nguồn: Livestrong)