Một chuyên gia dinh dưỡng mới đây lên tiếng thảo luận về các vấn đề sức khỏe mà bạn có thể gặp phải khi uống soda thường xuyên.
Hầu hết ai cũng biết uống soda thường xuyên rất hại >sức khỏe. 63% người trưởng thành ở Mỹ cho biết, họ uống ít nhất một loại đồ uống có đường mỗi ngày, theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC).
Điều đó có nghĩa là rất có thể bạn hoặc ai đó thân thiết của bạn nằm trong nhóm này. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể thay đổi khi phát hiện những đồ uống chứa nhiều đường và calo này thực sự đang gây ra tác hại gì cho cơ thể, nếu uống đều hàng ngày.
BS >dinh dưỡng Kelsey Costa (Liên minh Quốc gia về Chăm sóc Sức khỏe) cho rằng, soda chứa nhiều đường bổ sung, thường ở dạng xi-rô ngô. Điều này làm gia tăng nguy cơ >tăng cân, viêm nhiễm đến các tình trạng mãn tính như ung thư, sức khỏe tâm thần.
Dưới đây chính xác là những gì có thể xảy ra với cơ thể khi bạn uống soda mỗi ngày:
Theo BS Costa, uống soda mỗi ngày thực sự dẫn đến tăng cân nhanh chóng. Mỗi lon soda chứa 150-200 calo, chủ yếu là từ đường bổ sung. Điều này có thể dẫn đến dư thừa calo nếu không được bù đắp bằng hoạt động thể chất, dẫn đến tăng cân theo thời gian.
Trong thực tế, vào tháng 5 năm 2020, Tạp chí Quốc tế về Dinh dưỡng Hành vi và Hoạt động Thể chất, công bố một nghiên cứu cho thấy rõ điều này. Thậm chí, các nhà khoa học còn chỉ rõ, hoạt động thể chất được thực hiện trong thời gian rảnh rỗi không thể bù đắp cho số cân tăng do uống nước ngọt.
Uống soda thường xuyên khiến lượng đường trong máu và insulin tăng đột biến. Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Chăm sóc bệnh tiểu đường vào tháng 8 năm 2010 lưu ý, những người uống soda hàng ngày có nguy cơ mắc >bệnh tiểu đường type 2 tăng 26% so với những người hiếm khi dùng.
Một nghiên cứu gần đây hơn được công bố vào tháng 12 năm 2019 cho thấy, chỉ trong khoảng thời gian 4 năm, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường đối với những người dùng đồ uống có đường hàng ngày đã tăng 16%. Cả 2 tỷ lệ phần trăm đủ để nhắc nhở mọi người cảnh giác với việc thường xuyên uống soda.
Một số nghiên cứu cho thấy, axit photphoric, được tìm thấy trong nhiều loại nước ngọt có ga, có thể cản trở sự hấp thụ canxi, làm xương yếu đi và tăng nguy cơ gãy xương.
Trên thực tế, Tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng Hoa Kỳ công bố một nghiên cứu vào tháng 9 năm 2014, mỗi loại soda mà những người tham gia uống trong ngày đều làm tăng nguy cơ gãy xương hông lên mức đáng lo ngại với 14%.
Nếu muốn tránh những loại thực phẩm và đồ uống có thể dẫn đến các vấn đề về răng miệng, bạn chắc chắn cần phải bỏ qua soda trong chế độ hàng ngày.
"Đường và axit trong soda có thể ăn mòn men răng, lớp ngoài cùng của răng, dẫn đến sâu răng. Nguy cơ này cao hơn đối với những người uống soda hàng ngày", chuyên gia cho hay.
Uống quá nhiều soda dẫn đến hiện tượng gan chuyển hóa đường. "Việc tiêu thụ quá nhiều đường tinh luyện và xi-rô ngô có hàm lượng fructose cao, bằng việc uống soda hàng ngày, có thể khiến gan bị quá tải. Điều này dẫn đến tích tụ thêm chất béo, làm tăng nguy cơ mắc bệnh >gan nhiễm mỡ không do rượu", BS Costa cho hay.
Số liệu thống kê cho thấy, khoảng 100 triệu người ở Hoa Kỳ mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu. Đây là bệnh có tới 25% người dân ở Hoa Kỳ phải đối mặt, theo Tổ chức Gan Hoa Kỳ.
Theo CDC, bệnh tim là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Hoa Kỳ.
Mặc dù có nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch nhưng "uống soda hàng ngày làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tim do ăn quá nhiều đường, có thể dẫn đến béo phì, tiểu đường và huyết áp cao", BS Costa nói.
Uống soda, đặc biệt là những loại làm từ xi-rô ngô có hàm lượng đường cao, có thể làm tăng nồng độ axit uric trong cơ thể. Điều này có thể khiến các tinh thể hình thành trong thận, dẫn đến sỏi thận gây đau đớn.
Chuyên gia giải thích, xi-rô ngô có hàm lượng đường cao trong soda có thể làm tăng nồng độ axit uric trong cơ thể, gây bệnh gút và sỏi thận.
Những lý do trên chắc chắn là cơ sở để bạn hạn chế uống soda thường xuyên. Vì một cơ thể khỏe mạnh, sức khỏe dồi dào, cực ít bệnh tật, hãy hạn chế uống soda nhiều nhất có thể. Đây cũng là lời khuyên của giới chuyên gia dinh dưỡng dành cho bạn.
(Nguồn: Eat this, CDC, NCBI)