Đặt vòng tránh thai đã nhiều năm, bà N. (hơn 60 tuổi) đi khám không thấy vòng tránh thai đâu. Đến khi bị đau bụng nhiều phải vào viện mới phát hiện vòng tránh thai đi lạc vào đại tràng.

14:18 26/07/2020

Vòng tránh thai đi lạc

Được biết, bệnh nhân N. bị đau bụng nhiều hạ sườn trái, đại tiện táo và co thắt nhiều khoảng 4 ngày trước khi vào viện.

Bệnh nhân đến Bệnh viện Trung ương Quận đội 108 thăm khám chụp X-quang và được các bác sĩ phát hiện dị vật hình chữ T nằm trong lòng đại tràng, xuyên thủng đại tràng.

Ngay lập tức kíp y bác sĩ Khoa Nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, với sự chỉ đạo của PGS.TS Vũ Văn Khiên – Chủ nhiệm khoa cùng sự thực hiện của các y bác sĩ trong khoa đã tiến hành nội soi đại tràng.

Vòng tránh thai đi lạc được gắp ra từ đại tràng người bệnh

Trong quá trình nội soi, phát hiện được dị vật hình chữ T cắm vào thành đại tràng. Các bác sĩ đã dùng kỹ thuật dùng thòng lọng và kìm lấy lấy dị vật ra sau đó kẹp Clip vào lỗ thủng đại tràng.

Theo như lời kể của bệnh nhân N., bà đã >đặt vòng tránh thai nhiều năm, tuy nhiên khi đi khám sản không thấy vòng tránh thai nên nghĩ đến trường hợp vòng đã tự rơi ra ngoài. Đây là một trong những biến chứng khi đặt vòng tránh thai.

Sau khi tiến hành kỹ thuật, bệnh nhân ổn định. Hiện nay bệnh nhân đã hết đau bụng, bụng mềm, chụp X-Quang ổ bụng không có liềm hơi. 

Cần làm gì khi bị mắc dị vật?

Mắc dị vật là thường xuyên xảy ra ở nhiều lứa tuổi. Thông thường mắc dị vật tại đường tiêu hóa trên, vùng thực quản với các loại dị vật khác nhau như tăm, tre, đinh, xương động vật,... và có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng, đòi hỏi phải được xử lý ngay nếu không sẽ để lại một số biến chứng nặng nề như chảy máu, tạo ổ áp – xe,…

Nhằm giảm thiểu nguy cơ mắc dị vật mọi người cần lưu ý kiểm tra >sức khỏe thường xuyên, khi có dấu hiệu bất thường cần đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra và tư vấn cụ thể.

Các bác sĩ sản khoa cũng khuyến cáo, vòng tránh thai có hiệu quả ngừa thai cao và an toàn nhưng chị em vẫn nên tuân thủ việc thăm khám sau đặt vòng. Bởi thỉnh thoảng vẫn xảy ra những tình huống hiếm gặp như bệnh nhân trên.

Thời gian đầu sau khi đặt vòng, nếu có bất cứ biểu hiện nào như đau bụng, ra huyết âm đạo nhiều kéo dài, sốt… chị em phụ nữ cũng nên đi khám để kiểm tra xem chiếc vòng có bị lệch khỏi vị trí hay không, tránh tình trạng vòng chui vào ổ bụng có thể gây tổn thương ruột, cơ quan trong ổ bụng hoặc tụt thấp, rơi ra ngoài gây mang thai ngoài ý muốn.

Trường hợp lạc vòng trong ổ bụng nếu không phát hiện kịp thời sẽ gây ra những hậu quả xấu như ruột mạc nội sẽ quấn lấy vòng, gây thủng ruột, biến chứng dẫn đến viêm phúc mạc dễ nhiễm trùng huyết, hoặc vòng chui vào các tạng trong ổ bụng bệnh nhân gây nhiễm trùng, dẫn đến tử vong.

Đặt vòng là biện pháp tránh thai hữu hiệu nhất. Tuy nhiên, các nhà sản xuất thường để niên hạn sử dụng của vòng tránh thai là 5 năm. Vì thế sau 5 năm chị em phải tháo vòng đặt lại. Trong thời gian đặt vòng phải thường xuyên kiểm tra định kỳ để tránh viêm nhiễm và vòng tránh thai lạc chỗ.

Theo An An/ Gia Đình Mới