Mặc dù đã có dấu hiệu chuyển dạ song vì cổ tử cung chưa mở phân nào nên sản phụ này được bác sĩ cho về nhà, hẹn hôm sau vào khám lại.
Chuyện sinh nở đúng là không thể nói trước được điều gì, bởi mỗi sản phụ một cơ địa khác nhau, người sinh dễ, người sinh khó. Có người đau bụng vật vã, ra máu báo sinh chán chê vẫn chưa sinh được nhưng cũng có những trường hợp quá trình chuyển dạ nhanh đến mức trở tay không kịp dẫn đến tình huống đẻ rơi hy hữu.
Trường hợp của sản phụ Nguyễn Minh Phượng (35 tuổi, hiện đang sống ở Hà Nội) xảy ra mới đây khiến nhiều người phải thốt lên đúng là chuyện thật như đùa giữa lòng thủ đô.
Chị Nguyễn Minh Phương, chị gái của sản phụ Minh Phượng cho biết chị Phượng mang thai lần 2 được 39 tuần, gần đến ngày dự kiến sinh (12/7), ngày nào chị cũng vào bệnh viện khám, chạy máy monitor...
Trưa ngày 6/7, chị Phượng ra máu báo sinh nên 2h chiều chị lại đến bệnh viện để kiểm tra. Gần 17h thì chị Phượng có dấu hiệu đau bụng nên xin bác sĩ được ở lại viện theo dõi. Tuy nhiên, sau khi thăm khám và thấy cổ tử cung chưa mở phân nào nên bác sĩ đã cho chị Phượng về nhà, hẹn hôm sau đến theo dõi tiếp vì bệnh viện không có chỗ.
"Sau khi về đến nhà, khoảng 17h30 thì em gái mình vỡ ối. May mắn nhà mình phúc lớn, con gái bác hàng xóm làm điều dưỡng ở bệnh viện Bạch Mai đến thăm mẹ, thấy vậy nên cô ấy đỡ đẻ cho. Trộm vía bác mát tay nên 2 mẹ con đã mẹ tròn con vuông. Em bé chào đời lúc hơn 18h. Sinh xong thì cũng là lúc tắc đường, gọi hết hơi xe cấp cứu mới tới nơi, cả nhà chờ đợi như ngồi trên đống lửa" - chị Phương chia sẻ.
Sau đó, mẹ con chị Phượng được đưa đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Tại đây, các bác sĩ cắt dây rốn cho bé, mẹ được lấy nhau thai, theo dõi và xử lý chảy máu, nhiễm khuẩn sau sinh, tiêm huyết thanh chống uốn ván...
Em bé phải nằm tại phòng chăm sóc đặc biệt vì sợ bị nhiễm trùng rốn. Hiện tại >sức khỏe của mẹ và bé đã ổn định. Chị Phương cho hay nếu bé sinh ở viện thì hôm nay là được về nhà rồi nhưng vì đẻ rơi nên phải ở viện theo dõi thêm. Chị gái >sản phụ đẻ rơi cũng nói thêm, chị muốn chia sẻ câu chuyện của em gái mình tới tất cả những >mẹ bầu khác để rút kinh nghiệm, tránh rơi vào trường hợp tương tự.
Mặc dù đẻ rơi trong thời buổi hiện nay là trường hợp hiếm gặp song cũng không ít mẹ đã rơi vào hoàn cảnh này. Đẻ rơi là tình trạng sinh đẻ không an toàn cho cả mẹ và con. Các bác sĩ sản khoa khuyến cáo những trường hợp đẻ rơi dễ gặp nguy hiểm như nhiễm trùng cả mẹ và bé, biến chứng khi sinh... Chính vì thế để tránh tình trạng đẻ rơi, thai phụ nên đi khám thai định kỳ và theo dõi chặt chẽ sức khỏe thai sản, đặc biệt là khi gần tới ngày sinh.
Khi có những dấu hiệu chuyển dạ như đau bụng, ra máu, nước âm đạo... thai phụ cần nhập viện sớm để được xử trí kịp thời.
Nếu không may có người nhà bị đẻ rơi, người thân phải hết sức bình tĩnh và thực hiện những bước sau để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé:
- Cẩn thận đỡ em bé bằng 2 tay.
- Lau khô, ủ ấm cho bé bằng khăn hay vải có ngay tại thời điểm đó.
- Dùng một sợi dây nhỏ, mềm ngay tại chỗ, có thể là dây rút, dây được xé từ vạt áo... để buộc chặt dây rốn và lưu ý là nên buộc càng xa vị trí bám của dây trên bụng bé càng tốt.
- Không được phép cắt dây rốn.
- Cho mẹ ôm bé để không nhiễm lạnh.
- Chuyển mẹ và bé đến cơ sở y tế gần nhất để tiếp tục theo dõi và xử lý.