Nhận định ban đầu của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Chùm ca sốt bất thường ở 2 trường trung học cơ sở ở TP Hồ Chí Minh là do bị nhiễm các siêu vi hay gặp và gây bệnh cảm lạnh ở người.

My My (t/h) 12:22 01/03/2023

Theo Báo VnExpress cho biết, hầu hết trường hợp >sốt siêu vi có triệu chứng sốt, đau đầu, mệt mỏi, đa phần tự khỏi, song bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cảnh giác vì bệnh có thể diễn tiến nặng.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết sốt siêu vi là nhóm bệnh thường gặp, chiếm đa số trong các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp. Đây là tình trạng sốt cấp tính do nhiễm virus hay siêu vi trùng.

Sốt siêu vi có thể diễn tiến thành sốt xuất huyết, viêm đường hô hấp, cảm cúm hay sốt phát ban, thậm chí bệnh tay chân miệng. Do đó, bác sĩ thường hẹn lịch tái khám mỗi ngày cho bệnh nhân hoặc xét nghiệm để xác định bệnh. Nếu không tìm được nguyên nhân gây sốt, cũng như loại trừ các yếu tố vi khuẩn như viêm amidan, viêm tai giữa cấp, nhiễm trùng tiểu... bác sĩ chẩn đoán nhiễm siêu vi và bệnh này thường sẽ tự khỏi trong 5-7 ngày.

Có nhiều chủng loại virus gây sốt siêu vi, phổ biến là enterovirus, adenovirus hay rhinovirus... Bệnh thường gặp vào mùa đông xuân hoặc mùa mưa, khi thời tiết lạnh ẩm ướt thuận lợi cho virus phát triển và lây lan.

Sốt siêu vi có thể diễn tiến thành sốt xuất huyết, viêm đường hô hấp. Ảnh: VnExpress

Sốt siêu vi có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, trong đó nhóm nguy cơ là trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người lớn tuổi do hệ miễn dịch yếu dễ mắc bệnh.

Triệu chứng

Virus có thể lây truyền qua hít phải giọt bắn do người đang bị nhiễm virus ho hoặc hắt hơi; ăn hoặc uống thực phẩm bị nhiễm virus; bị côn trùng hoặc động vật mang virus đốt, cắn.

Trong giai đoạn khởi phát bệnh, hầu hết trường hợp biểu hiện giống nhau, như sốt cao 38-40 độ C, đau đầu, đau nhức mình mẩy và mệt mỏi. Khi hạ sốt, trẻ lại tỉnh táo, chơi bình thường. Ngoài ra, dấu hiệu khác như ho, hắt hơi, sổ mũi, đau họng, biếng ăn, buồn nôn, tiêu chảy, phát ban, ngứa...

Các triệu chứng chứng xuất hiện tùy vào từng loại virus gây bệnh, có thể biến mất sau đó một tuần, nhưng ho và mệt mỏi thường kéo dài vài tuần.

Bác sĩ Khanh cho biết đây là bệnh khá thường gặp ở trẻ em, đa phần diễn tiến nhẹ tự khỏi và không cần nhập viện. Tuy nhiên mức độ nặng nhẹ của bệnh còn tùy thuộc vào loại virus, mức độ nhiễm bệnh và >sức khỏe cá nhân.

 

Ảnh minh họa: Internet

 

 

Cũng theo TTXVN trước đó, trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM nhận được báo cáo của Trung tâm y tế quận Bình Thạnh về số lượng học sinh nghỉ ốm tăng cao bất thường tại 2 trường THCS, đã điều tra, ghi nhận trường THCS Lê Văn Tám có 230 học sinh, trường THCS Lam Sơn có 106 học sinh có triệu chứng sốt, đau họng, mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt; khoảng 10-15% trường hợp có tiêu chảy, buồn nôn.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM đã lấy mẫu giám sát ngẫu nhiên cho 18 trường hợp để làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2, kết quả tất cả đều âm tính với Covid-19.

Bên cạnh đó, để loại trừ các nguyên nhân gây bệnh đến từ thực phẩm, nước uống, Trung tâm y tế quận Bình Thạnh cùng với Ban An toàn thực phẩm thành phố đã kiểm tra và ghi nhận các đơn vị cung cấp thực phẩm và nước uống cho 2 trường THCS, tất cả đều thực hiện đúng quy trình, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Qua khám lâm sàng và thực hiện xét nghiệm nhanh cúm A/B, các chuyên gia nhi khoa Bệnh viện Nhi đồng 1-2 nhận định, nguyên nhân gây bệnh khả năng cao do nhiễm siêu vi hô hấp khá thường gặp ở trẻ như rhinovirus, adenovirus, coronavirus…

Sở Y tế TPHCM yêu cầu trạm y tế phường hướng dẫn 2 nhà trường thông tin đầy đủ, chính xác đến phụ huynh, học sinh và khuyến cáo học sinh rửa tay thường xuyên, ăn sạch uống sạch, đeo khẩu trang khi bị bệnh để không lây lan các bệnh truyền nhiễm trong trường học; đồng thời yêu cầu Trung tâm y tế quận Bình Thạnh cùng trạm y tế tiếp tục theo dõi tình hình bệnh tại 2 trường trong những ngày tiếp theo để kịp thời có hướng xử lý phù hợp.

Sở Y tế TPHCM cũng khuyến cáo người dân giữ sức khỏe trước diễn biến thời tiết thất thường, khi giữa mùa khô vẫn có những cơn mưa, nền nhiệt chênh lệch khá cao trong ngày rất dễ gây bệnh.

Lưu ý: Bác sĩ Khanh khuyến cáo phụ huynh đưa trẻ dưới hai tháng tuổi đến tái khám mỗi ngày cho đến khi xác định an toàn; khám khi trẻ sốt cao, khó hạ hoặc sốt trên hai ngày, sốt kèm xuất hiện chấm xuất huyết ở da hay hồng ban mụn nước lòng bàn tay, chân, toàn thân, phát ban, hoặc biểu hiện bất thường nào khác.

Trẻ có các dấu hiệu sau cũng cần tái khám ngay: Lơ mơ, ngủ nhiều li bì khó đánh thức; nôn ói nhiều, không ăn uống được hoặc bỏ bú; co giật hay giật mình chới với, run tay chân; thở bất thường, thở mệt, tím tái; tay chân mát lạnh, da nổi bông; bứt rứt đau bụng; chảy máu cam, máu răng, ói máu, đi tiêu phân đen...

My My (t/h) | Theo Phụ nữ sức khỏe