Sở Y tế Hà Nội cho biết, 100% quận huyện thị xã ở Hà Nội ghi nhận ca nhiễm Adeno virus, trong đó đã có 3 trường hợp tử vong tại quận Tây Hồ, Mỹ Đức và huyện Phú Xuyên.
Một số quận, huyện ở Hà Nội ghi nhận số mắc Adeno virus cao như Long Biên (147 ca), Hà Đông (87 ca), Nam Từ Liêm (82 ca), Hoàng Mai (75 ca).
Từ cuối tháng 8/2022 đến nay, tại Bệnh viện Nhi Trung ương ghi nhận hơn 1.400 bệnh nhân nhiễm virus Adeno, trong đó có 80% là bệnh nhi tại các quận, huyện của Hà Nội. Bệnh viện này cũng ghi nhận 7 ca tử vong là các bệnh nhân mắc các bệnh lý nền, đồng nhiễm virus Adeno.
Bệnh viện Bạch Mai và số bệnh viện của Hà Nội đã ghi nhận gần 100 ca nhiễm virus Adeno. Tại khoa Nhi hô hấp (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn), gần một nửa số trẻ đang điều trị nhiễm virus Adeno, chủ yếu là trẻ dưới 5 tuổi.
Tại Bệnh viện Thanh Nhàn thời gian vừa qua cũng ghi nhận một tỷ lệ tương đối cao trẻ nhiễm >Adenovirus. Đáng chú ý, theo nhận định của các bác sĩ Khoa Nhi, số lượng trẻ nhiễm Adenovirus nhập viện có xu hướng tăng dần.
Trẻ nhiễm virus Adeno phải nhập viện điều trị (Ảnh: TL)
Bệnh do Adenovirus lây qua đâu?
Theo TS. BS Lê Kiến Ngãi, Trưởng khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi Trung ương, Adenovirus lây truyền qua đường giọt bắn, đường hô hấp giữa người với người.
Các tổn thương thường gặp nhất do mắc Adenovirus là viêm đường hô hấp trên, viêm đường hô hấp dưới, viêm kết mạc mắt (đau mắt đỏ), các bệnh lý ở đường tiêu hóa (tiêu chảy, nôn, buồn nôn,…), viêm bàng quang, viêm não màng não,…
Bệnh do Adenovirus gây ra xuất hiện quanh năm nhưng đặc biệt phát triển mạnh vào thời điểm giao mùa xuân - hè hoặc thu - đông.
Adenovirus có thể gây bệnh ở mọi đối tượng và mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp nhất là trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh (trẻ em hay gặp ở độ tuổi từ 6 tháng - 5 tuổi). Trong đó, các đối tượng như trẻ em, người lớn tuổi, người bị bệnh mạn tính… thường có nguy cơ cao nhiễm virus này do có sức đề kháng kém.
Mức độ nguy hiểm của bệnh viêm đường hô hấp do Adenovirus
Theo PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh - Giám đốc Trung tâm Hô Hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương, Adenovirus có khả năng lây lan nhanh trong cộng đồng và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời như suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng,...
Bệnh còn có thể để lại các biến chứng lâu dài, gây ảnh hưởng đến >sức khỏe của trẻ như hội chứng viêm tiểu phế quản bít tắc sau nhiễm trùng, giãn phế quản, xơ phổi.
Người bệnh nhiễm Adenovirus với một type sau khi khỏi bệnh, chỉ có khả năng miễn dịch với type đã nhiễm và vẫn có nguy cơ mắc các type khác.
Theo bác sĩ Lê Thị Hồng Hanh, hiện nay vẫn chưa có vaccine và phương pháp điều trị là xử lý theo triệu chứng.
Những trẻ tiến triển nặng thường là trẻ có các bệnh lý nền như suy >dinh dưỡng, còi xương, tim bẩm sinh, suy giảm miễn dịch, hoặc mắc các bệnh phổi mãn tính,...
Trẻ suy dinh dưỡng, mắc bệnh dễ tiến triển nặng nếu nhiễm Adenovirus (Ảnh minh họa)
Cha mẹ cần để giúp trẻ phòng, tránh Adenovirus?
Theo bác sĩ Hanh, để giúp trẻ phòng, tránh bệnh viêm đường hô hấp do Adenovirus, cha mẹ cần lưu ý những điều sau:
Cho trẻ bú sớm, ngay sau sinh, bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, bú kéo dài đến 2 tuổi.
Chế độ ăn dặm của trẻ hợp lý, đủ các thành phần dinh dưỡng.
Vệ sinh mũi họng cho trẻ thường xuyên: Nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý (với trẻ nhỏ), trẻ lớn hơn cho súc miệng nước muối sinh lý.
Tránh để trẻ bị nhiễm lạnh, kể cả mùa đông hay mùa hè.
Vệ sinh thân thể, rửa tay thường xuyên.
Cần đeo khẩu trang khi trẻ ra ngoài, tránh tiếp xúc với >trẻ em bị ốm, bệnh.
Tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.