Sau kỳ nghỉ dài, nhiều người chưa sẵn sàng tâm lý và sức khỏe làm việc trở lại. Để thoát khỏi “hội chứng nghỉ Tết”, và "Sợ đi làm sau Tết" chuyên gia khuyến cáo một số vấn đề về thời gian, chế độ ăn ngủ.
Tết đến xuân về là thời điểm họp mặt của người thân, bạn bè. Đây cũng là dịp các lễ hội truyền thống diễn ra liên tục. Mọi người thường quá mải miết với các cuộc vui mà “bỏ bê” >sức khỏe. Bên cạnh đó, dịp cuối năm đầu xuân, đa phần nếp sống sinh hoạt của mọi người bị xáo trộn đặc biệt về chế độ >dinh dưỡng và tập luyện thể thao. Do đó, kéo theo các vấn đề về sức khỏe phát sinh hoặc phát triển theo chiều hướng xấu.
Không chỉ vậy, sau một thời gian ăn chơi sinh hoạt không điều độ trong dịp Tết làm cơ thể chúng ta thường mệt mỏi, thiếu sức sống và hầu như ai cũng uể oải khi quay trở lại công việc.
Để lấy lại nguồn năng lượng mới sau Tết, Ths. BS Đỗ Đức Tín - Khoa Khám sức khỏe tổng quát - Bệnh viện Quốc tế City khuyến cáo: “Mọi người cần chú ý đến các vấn đề về thời gian ngủ, nghỉ và ăn uống. Cần đi ngủ sớm, theo nhịp sinh học hàng ngày. Tránh uống quá nhiều rượu bia vào buổi tối, ăn thực phẩm dễ tiêu hóa, tránh cảm giác đầy bụng, khó tiêu… Ngoài ra, cần hạn chế các món ăn chứa nhiều tinh bột, dầu mỡ,...”.
Các cuộc vui chơi đầu xuân triền miên làm thể trạng của nhiều người mỏi mệt, mất đi nguồn năng lượng tích cực cho những ngày làm việc sau Tết. Không chỉ phụ huynh “lười đi làm” mà cả trẻ em cũng không muốn đi học trở lại. Hành trình du xuân dày đặc, ăn uống thiếu khoa học, môi trường thay đổi khiến hệ miễn dịch suy giảm dẫn đến cảm cúm, sốt, viêm giác mạc, đau răng, loét miệng...
Chính tâm lý khủng hoảng lạ kỳ sau Tết khiến nhiều người không thiết ăn uống, tinh thần phân tán, không có hứng khởi làm việc.
Chị Nguyễn Thị Hoài Anh (quê Vĩnh Phúc) tâm sự, sau thời gian nghỉ Tết, chị rất “ngại” đi làm và không có hứng thú xuống thành phố Hà Nội để tiếp tục công việc.
“Tôi vẫn chưa sẵn sàng tâm lý để quay trở lại công việc. Tôi thấy thời gian mấy ngày Tết trôi qua nhanh quá, đang được ở nhà sum vầy cùng gia đình rất vui vẻ và đầm ấm nên tôi thực sự rất “ngại” đi làm”, chị Hoài Anh nói.
Cùng tâm trạng, anh Phạm Hồng Sơn (quê Hưng Yên) mặc dù đã quay trở lại công việc từ mùng 4 Tết nhưng cũng không giấu nổi sự uể oải của những ngày đầu đi làm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần.
“Công ty tôi khai Xuân từ mùng 4 Tết nhưng trong đầu tôi lúc này vẫn còn dư âm của những ngày lễ, những bữa tiệc cùng gia đình, bạn bè nên tôi hơi uể oải và chưa thể tập trung cao vào công việc sau kỳ nghỉ Tết”. Anh Sơn cho hay.
Không chỉ chị Hoài Anh, anh Hồng Sơn mà hội chứng “sợ đi làm sau Tết” cũng đang là tình trạng chung của rất nhiều người sau kỳ nghỉ Tết dài ngày.
Trước tình trạng này, Bác sĩ Tín chia sẻ, đầu tiên cần đưa đồng hồ sinh học trở lại trạng thái bình thường. Điều chỉnh tâm lý cân bằng và nghĩ đến những dự định sắp tới cần phải chinh phục tạo động lực làm việc. Cố gắng tạm dừng các cuộc tiếp khách, du ngoạn, chơi trò chơi để làm giảm hưng phấn - nguyên nhân khiến thể chất mỏi mệt.
Bên cạnh đó, để tạo cảm giác hứng khởi sau Tết, theo BS. Tín cần thư giãn, >giải trí lành mạnh bằng cách tăng cường đọc báo, nghe nhạc, lên trước kế hoạch cho công việc, vận động thích hợp như chạy bền, đi bộ... có thể làm tinh thần phấn chấn, tăng cường sức khỏe.
Ngoài ra, có các loại thực phẩm giúp điều chỉnh trạng thái cơ thể. Ví dụ, phát hiện cơ thể tăng cân sau Tết, hãy ăn các loại thực phẩm giúp giảm béo như uống trà, ăn bí đao, trứng gà luộc, rau củ quả thay cho tinh bột và các thức ăn nhiều dầu mỡ. Nếu cơ thể mệt mỏi, đau đầu, giảm tập trung do thức đêm nhiều nên uống một cốc sữa ấm trước khi ngủ để mau chóng ngủ được.
Có thể nói, khi đã quen với việc ăn uống và nghỉ ngơi có phần thả ga trong dịp Tết vừa rồi, vào thời gian sau Tết, việc cắt giảm hay vào "khuôn khổ" ngay có lẽ không phải là một điều dễ dàng. Nhưng để cân bằng sức khỏe và lấy lại tình thần làm việc thì mỗi người cần phải cố gắng để có một chế độ ăn uống sau Tết thật hợp lí, lành mạnh.