Các bệnh viện nhi tay chân miệng tuyến cuối ở TP.HCM phải dùng tiết kiệm Gamma Globulin trong bối cảnh nguồn cung thuốc này khan hiếm trên toàn cầu.

Yến Nhi ( TH ) 20:39 22/06/2023

Theo thông tin ghi nhận từ VietNamNet, chiều 22/6, đoàn công tác Bộ Y tế đã có mặt tại TP.HCM để giám sát công tác phòng chống dịch >tay chân miệng và sốt xuất huyết. Sau khi đi thực địa tại trường mầm non Thành phố (quận 3) và một khu dân cư, đoàn đã đến Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM. Nơi đây đang điều trị cho hàng loạt trẻ tay chân miệng nặng và nguy kịch của phía Nam.

Thiếu thuốc, bác sĩ phải... tiết kiệm

Tại buổi làm việc, Phó giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, cho biết trong 6 tháng đầu năm, có 2.583 trẻ đến khám và 431 trẻ nhập viện vì tay chân miệng. Trong đó, 24 ca nặng và 4 ca tử vong (ở tỉnh chuyển lên).

Số lượng bệnh nhi không tăng so nhưng tỷ lệ nặng và tử vong cao gấp nhiều lần so với năm 2022. Hiện bệnh viện đang có 68 ca tay chân miệng nội trú với 6 ca thở máy, 1 ca lọc máu.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương thăm bệnh nhi tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM. Ảnh: VietNamNet 

Điều đáng lo nhất hiện nay là vấn đề thiếu thuốc điều trị như Gamma Globulin và Phenobarbital truyền tĩnh mạch cho bệnh nhân tay chân miệng nặng. Trong khi đó, Phenobarbital truyền tĩnh mạch dự kiến được cung ứng trong tháng 7 thì Gamma Globulin đang khan hiếm trên toàn cầu.

Nếu các bệnh viện sử dụng thuốc Gamma Globulin theo đúng phác đồ, số thuốc dự trữ sẽ nhanh chóng cạn kiệt sau 1-2 tuần”, ông nói. 

Vì thế, các chuyên gia của Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng Thành phố, Bệnh nhiệt đới đã họp và thống nhất phương pháp điều trị tạm thời, điều chỉnh sử dụng loại thuốc trên hết sức cân nhắc.

Ông lấy ví dụ, nếu trẻ mắc tay chân miệng nặng cần dùng 2 liều Gamma Globulin theo phác đồ thì nay dùng 1 liều theo dõi và đánh giá tiếp. Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 gọi đây là giải pháp tình thế khó khăn với các bác sĩ nhằm đủ thuốc cho những ca nặng hơn.

"Chúng tôi đang làm hết sức để cứu sống từng cháu bé, hội chẩn và cân nhắc rất kỹ để đưa ra quyết định như vậy. Tuy nhiên, vấn đề pháp lý vẫn phải trình Bộ Y tế xem xét”, ông nói.

Ngoài ra, bác sĩ có thể sử dụng thuốc thay thế như Pentaglobin nhưng thuốc này có chi phí cao và ảnh hưởng trong thanh toán bảo hiểm y tế.

Lý giải kỹ hơn, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết trong thời gian chờ các nguồn cung thuốc đầy đủ hơn, các bác sĩ sẽ hội chẩn để có quyết định tốt nhất cho bệnh nhi nhưng vẫn để dành thuốc cho ca nặng hơn sau đó. 

Hết tuần này, phía Nam có thể sẽ có thêm 4.000 lọ Gamma Globulin để duy trì tiếp.  

Theo thông tin ghi nhận từ báo Tiền Phong, Sở Y tế TP.HCM cho biết đã thành lập tổ chuyên gia hỗ trợ hội chẩn các ca bệnh nặng tay chân miệng trên địa bàn. Các bệnh viện nhi trên đã sẵn sàng trang thiết bị, điều trị lọc máu, ECMO... và thuốc men theo phác đồ.

Đồng thời, Sở Y tế đã có văn bản báo cáo Bộ Y tế và Cục Quản lý dược hỗ trợ cung ứng đủ thuốc điều trị, nhất là 2 loại thuốc Phenobarbital truyền tĩnh mạch, Gamma Globulin truyền tĩnh mạch. Văn bản được gửi đi nhằm chủ động ứng phó khi tình hình dịch bệnh tay chân miệng ở TP.HCM diễn tiến phức tạp.

Một bệnh nhi tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM - Ảnh: Tiền Phong 

Theo tìm hiểu, thuốc Phenobarbital truyền tĩnh mạch dùng để điều trị bệnh nhi mắc tay chân miệng từ độ 2B và chuyển nặng hơn. Thuốc này hiện thiếu không riêng ở Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 mà hầu như thiếu trên cả nước. Các bác sĩ buộc phải chuyển sang phương án dùng thuốc dạng uống nhưng hiệu quả không bằng thuốc dạng dịch truyền.

Một nguồn tin cho hay, từ 2-3 năm trước, tình trạng khan hiếm thuốc này đã được cảnh báo, các bệnh viện đã san sẻ cho nhau để sử dụng.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên trưởng khoa Nhiễm Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, năm nay có thể là một mùa bệnh tay chân miệng căng thẳng.

Kết quả giải trình tự gene ở một số ca bệnh cho thấy Enterovirus 71 (EV71) đã trở lại. Đây là tình huống rất đáng ngại vì EV71 là chủng virus gây bệnh tay chân miệng nặng, dễ biến chứng ở trẻ nhỏ. Tối 31/5, một bé trai 5 tuổi do bệnh viện tỉnh chuyển lên đã tử vong tại Bệnh viện Nhi đồng 1, nghi ngờ do tay chân miệng độ 4.

Trong 5 tháng qua, bệnh viện này đã tiếp nhận 1.349 lượt khám ngoại trú, 158 trẻ điều trị nội trú bệnh tay chân miệng. Đến hiện tại, thống kê cho thấy số lượng trẻ mắc tay chân miệng không tăng so với năm 2022 nhưng số ca nặng tăng so với cùng kỳ năm 2022.

Các chuyên gia cho rằng, bệnh tay chân miệng năm nay "căng thẳng" có thể do sự xuất hiện trở lại của chủng virus EV71, hiện tượng nhân viên y tế “quên bài” hoặc phụ huynh chủ quan đưa trẻ đến viện trễ… 

Yến Nhi ( TH ) | Theo Phụ nữ sức khỏe