Hội chứng tiền kinh nguyệt khiến chị em thường phải chịu nhiều sự thay đổi về thể chất và tâm trạng, trong đó có những cơn đau làm nhiều người phải kêu trời.
Đau răng, tiêu chảy, nổi mụn, táo bón, tức ngực, thèm ăn điên cuồng, mùi cơ thể thay đổi… Nếu bị một hoặc nhiều triệu chứng như thế này, có lẽ bạn đã mắc hội chứng tiền kinh nguyệt. Mặc dù đây đều là dấu hiệu phổ biến với nhiều chị em, nhưng không hẳn ai cũng biết đến hội chứng này.
Tùy vào từng thể trạng của mỗi người mà trước mỗi kỳ kinh nguyệt, chị em sẽ gặp phải các vấn đề khác nhau. Nhìn chung, đa số các triệu chứng mà chị em mắc phải đều gây ra rất nhiều phiền toái, khó chịu và đầy đau đớn. Một số chị em kể lại rằng, >cơn đau như khiến họ muốn "chết đi sống lại" và "ước gì mình không có tử cung".
Không chỉ gây ra những cơn đau khủng khiếp, hội chứng này còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý của chị em, khiến cảm xúc của họ thất thường, dễ nổi nóng, mệt mỏi. Và dù có uống thuốc giảm đau đi chăng nữa, họ cũng "như muốn chết đi vào ngày đó".
>Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) là gì?
PMS là một tình trạng ảnh hưởng đến cảm xúc, >sức khỏe thể chất và hành vi của phụ nữ vào những ngày nhất của chu kỳ kinh nguyệt, thường là ngay trước ngày hành kinh. Đây là một tình trạng phổ biến, các triệu chứng của nó ảnh hưởng tới 90% phụ nữ.
Thông thường, các triệu chứng PMS sẽ bắt đầu từ 5-11 ngày trước khi hành kinh và biến mất sau khi có kinh. Nguyên nhân gây ra hội chứng này không được xác định rõ ràng. Thế nhưng, các nhà nghiên cứu tin rằng, nó có liên quan tới sự thay đổi nồng độ hormone sinh dục và serotonin vào đầu chu kỳ kinh nguyệt.
Mức độ estrogen và progesterone tăng lên vào một số thời điểm nhất định trong tháng. Sự gia tăng các hormone này có thể gây ra những thay đổi tâm trạng, dẫn tới lo lắng và cáu kỉnh. Steroid buồng trứng cũng điều chỉnh hoạt động trong các bộ phận của não, liên quan tới các triệu chứng tiền kinh nguyệt.
Mức độ serotonin ảnh hưởng đến tâm trạng. Nó cũng là một chất hóa học có trong não và ruột, có liên quan tới việc điều khiển cảm xúc và suy nghĩ.
Những triệu chứng điển hình của hội chứng tiền kinh nguyệt
"Hội chứng tiền kinh nguyệt thực sự khá phổ biến, nhưng không có nghĩa là bạn phải chịu đựng những triệu chứng này", tiến sĩ Kate White, trợ lý giáo sư tại Đại học Boston cho biết.
Hội chứng PMS ở mỗi người không giống nhau, có người "đau đớn đến muốn xỉu", nhưng cũng có người lại chẳng có triệu chứng nào. Tùy vào từng thời điểm khác nhau trong cuộc đời mà các triệu chứng sẽ có mức độ nặng nhẹ.
Một số phụ nữ nhận thấy rằng, các triệu chứng của họ sẽ trở nên nghiêm trọng hơn vào năm họ 30 hoặc 40 tuổi, bắt đầu bước vào thời kỳ tiền mãn kinh. Điều này có liên quan tới việc thay đổi nội tiết tố, vì nồng độ hormone có thể tăng và giảm theo những cách không thể đoán trước trong vài năm đầu của thời kỳ mãn kinh. Một khi kinh nguyệt ngừng do mãn kinh, hội chứng tiền kinh nguyệt sẽ biến mất.
Một số triệu chứng phổ biến nhất bao gồm: Ngực mềm hoặc sưng, đau cơ, chuột rút, táo bón, tiêu chảy, đầy hơi, chướng bụng, tăng cân do tích nước, mệt mỏi, đau đầu, nổi mụn trứng cá, thèm ăn, nhạy cảm với ánh sáng hoặc tiếng ồn…
Bên cạnh đó, các triệu chứng về tâm lý cũng xuất hiện kèm theo như: Cáu gắt, lo lắng, căng thẳng, đầu óc lâng lâng, buồn bã thất thường, mất ngủ, trầm cảm, khóc không lý do, khó tập trung, giảm ham muốn tình dục…
Làm gì để giảm các triệu chứng khó chịu của hội chứng tiền kinh nguyệt?
Khi bị hội chứng tiền kinh nguyệt, việc thay đổi lối sống có thể phần nào giảm các triệu chứng. Sau đây là một số phương pháp có thể giúp ích được cho chị em:
- Tăng cường tập thể dục
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, tập thể dục (chạy bộ, đạp xe…) có thể giúp giảm các triệu chứng như trầm cảm, mệt mỏi, mất khả năng tập trung. Nếu kiên trì tập 30 phút, 3 lần 1 tuần, có thể giảm đáng kể các triệu chứng. Lưu ý, nếu bạn không thích tập thể dục thì đừng quá gắng sức và ép buộc bản thân.
- Thay đổi chế độ ăn uống
Giảm lượng đường, muối, caffeine, các sản phẩm từ sữa và rượu có thể cải thiện tình trạng đầy hơi và tích nước trên cơ thể.
Tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu carbohydrate (bánh mì nguyên cám, bột yến mạch, bí ngô…) thường xuyên sẽ giảm các vấn đề liên quan tới tâm trạng.
- Thay đổi lối sống
Ngủ đủ giấc có thể giảm bớt mệt mỏi và trầm cảm. Người lớn nên ngủ trung bình 8 tiếng mỗi tối để cơ thể được nghỉ ngơi và hồi phục năng lượng.
Nếu bạn có thói quen hút thuốc và uống rượu bia, tốt nhất nên tạm ngưng để các triệu chứng tiền kinh nguyệt không xảy ra nghiêm trọng.
Thuốc có thể giúp giảm hội chứng tiền kinh nguyệt không?
Tiến sĩ Kate White nói: "Nếu việc thay đổi lối sống vẫn không cải thiện được các triệu chứng, đừng vội tuyệt vọng vì vẫn có một số loại thuốc có thể giúp ích cho bạn".
Nếu bạn gặp các triệu chứng như chuột rút hoặc đau tức ngực, các loại thuốc không kê đơn như ibuprofen, naproxen và aspirin có thể giúp giảm cơn đau. Dùng những loại thuốc này trong hoặc trước khi bắt đầu các triệu chứng có thể giúp giảm bớt sự khó chịu.
Nếu các triệu chứng nghiêm trọng hơn, bác sĩ có thể đề nghị bạn dùng thuốc theo đơn, chẳng hạn như:
- Thuốc tránh thai
Thuốc tránh thai nội tiết là một cách để ngăn chặn sự rụng trứng, có thể giúp giảm các triệu chứng. "Đối với những phụ nữ không cần tránh thai nhưng dùng thuốc tránh thai, một trong những lý do phổ biến nhất là giúp kiểm soát hội chứng tiền kinh nguyệt. Duy trì lượng hormone ổn định mỗi ngày, một số triệu chứng của phụ nữ sẽ thuyên giảm đáng kể", tiến sĩ White nói.
- Thuốc lợi tiểu
Thuốc này có thể giúp cơ thể bài tiết chất lỏng dư thừa qua thận và giảm các triệu chứng phù nề.
- Thuốc chống trầm cảm
Thuốc chống trầm cảm còn được gọi là chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI), đã được chứng minh là giúp cải thiện tâm trạng.
- Thuốc chống lo âu giúp giảm lo lắng
Chú ý: Chỉ được phép sử dụng dưới sự tư vấn và kê đơn của bác sĩ.
Theo Healthline, Fitbit