Tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, chúng tác động đến mỗi người theo những cách khác nhau. Khi chăm sóc người bệnh, chúng ta nên lưu ý 4 việc sau đây để bảo vệ sức khỏe.
Tình hình dịch Covid-19
Theo thông tin mới nhất từ VietNamNet, tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính 90% dân số thế giới hiện có sức đề kháng nhất định đối với Covid-19 nhưng cũng cảnh báo rằng một biến thể mới đáng lo ngại vẫn có thể xuất hiện.
Sự lơ là cảnh giác đã tạo điều kiện cho một biến thể mới của virus xuất hiện và vượt qua biến thể Omicron thống trị toàn cầu.
Người đứng đầu WHO nói thêm: "Chúng ta gần như có thể nói rằng giai đoạn khẩn cấp của đại dịch đã kết thúc nhưng nó chưa kết thúc hoàn toàn. Các lỗ hổng trong giám sát, xét nghiệm, tiêm phòng đang tiếp tục tạo điều kiện hoàn hảo cho một biến thể mới, đáng lo ngại xuất hiện. Đó là loại biến thể có thể gây ra tỷ lệ tử vong cao".
Trên khắp thế giới, có 6,6 triệu ca tử vong trong số gần 640 triệu ca nhiễm Covid-19 đã được báo cáo với WHO. Tuy nhiên, WHO cho hay, thống kê này chưa đầy đủ và không phản ánh con số thực tế.
Cũng theo cổng thông tin điện tử Bộ Y Tế (MOH), vản tin phòng chống dịch COVID-19 ngày 2/12 của Bộ Y tế cho biết, ca mắc COVID-19 tăng lên 635, đây là số mắc cao nhất trong 3 tuần qua. Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.517.124 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.389 ca nhiễm).
4 lưu ý khi >chăm sóc F0 tại nhà
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, giải pháp điều trị F0 không triệu chứng tại nhà, nơi cư trú đang được xem là mô hình điều trị phù hợp khi tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng Covid-19 đạt mức cao.
Theo Báo Nhân Dân, khi điều trị tại nhà, ngoài bên việc phải chuẩn bị những vật dụng cần thiết như nhiệt kế, máy đo huyết áp, dung dịch sát khuẩn... cả F0 và người nhà cũng vẫn cần nắm được những điều không nên làm.
Không xông hơi, đánh gió quá nhiều lần mỗi ngày
Xông hơi, đánh gió không có tác dụng tiêu diệt virus!
Xông hơi, đánh gió giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu, tuy nhiên nếu thực hiện quá nhiều lần sẽ khiến cơ thể bị mất nước, mất điện giải và có thể tổn thương niêm mạc đường hô hấp.
Chỉ nên xông hơi nếu không sốt cao, thực hiện ở nơi kín gió và cũng không nên nhiều hơn 1 lần mỗi ngày.
Nếu ngạt mũi nhiều thì nên nhỏ mũi nước muối sinh lý, dùng thuốc co mạch tại chỗ như Otrivin hay Coldi-B, và cũng chỉ nên xông mỗi ngày 1 lần.
Không dùng kháng viêm corticoid trong những ngày đầu, khi SpO2 còn trên 95%
Rất nhiều F0 dùng methylprednisolon (4 hoặc 16mg), dexamethasone hoặc prednisolon không đúng.
Kháng viêm corticoid bản chất là thuốc ức chế miễn dịch, khi cơ thể đang sốt cao, chiến đấu quyết liệt chống lại virus, thì lại đưa corticoid vào, ức chế hệ miễn dịch của cơ thể, khác gì tiếp tay cho virus tấn công.
Khi SpO2 còn trên 95%, khi chưa phải thở oxy thì tất cả các nghiên cứu cho đến nay đều khuyến cáo mạnh mẽ: Chống chỉ định dùng corticoid!
Không dùng quá nhiều loại thuốc không tác dụng để phòng lây nhiễm
Khá nhiều người khi có nguy cơ lây nhiễm vội vàng tìm mua các loại thuốc được cho là phòng, chống lây nhiễm tốt.
Tăng cường hệ miễn dịch có thể giúp cơ thể chống được sự xâm nhập của virus, tuy nhiên đó là một quá trình lâu dài, và cần kết hợp các yếu tố khác nữa như ăn uống đủ chất, tập luyện đều đặn, ngủ nghỉ hợp lý.
Không có loại thần dược nào lại giúp tăng được sức đề kháng chỉ trong vài ngày cả.
Thay vì tiền mất tật mang, chỉ cần thực hiện tốt các hướng dẫn về bảo hộ và súc họng các dung dịch có chứa povidone iodin 1% hoặc chlorhexidin gluconat 0,12-0,20%. Trước và sau khi súc các dung dịch này nên súc thêm nước muối sinh lý. Mỗi ngày có thể súc 3-4 lần.
Không dùng quá nhiều thuốc bổ, vitamin, thuốc tăng cường miễn dịch
Cái gì nhiều quá đều không tốt. Hiện tại, có một số nghiên cứu cho thấy việc sử dụng kẽm, vitamin C, vitamin D liều cao có thể giúp người bệnh Covid-19 nhanh bình phục hơn. Tuy nhiên, các bằng chứng khoa học là chưa rõ ràng, chưa có tính thuyết phục cao.
Nếu chỉ cần cung cấp thật nhiều kẽm hay vitamin C, vitamin D mà giúp nhanh khỏi bệnh thì nhân loại đã chẳng phải đau đầu tìm ra đủ loại thuốc để trị Covid-19.
Khá nhiều bà mẹ khi gửi hình ảnh các loại thuốc đang dùng cho con mình, có tới 3-4 loại có vitamin C, hoặc 3-4 loại đều có kẽm.
Mỗi ngày chỉ cần một viên vitamin tổng hợp là đủ. Quan trọng nhất là ăn uống đủ chất, không bị mất nước, điện giải và có giấc ngủ tốt.
Các thuốc tăng cường miễn dịch về cơ bản đều tốt, nhưng cũng không nên dùng quá nhiều một lúc. Tăng cường miễn dịch là câu chuyện dài hạn, các bạn có thể chọn loại thuốc hay thực phẩm chức năng phù hợp, dùng với liều vừa phải và nên dùng lâu dài thì mới có hiệu quả.
Những lưu ý khi chăm sóc trẻ nhiễm Covid - 19
TS.BS Nguyễn Thành Nam - giám đốc Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ trên Báo Tuổi Trẻ những lưu ý khi chăm sóc trẻ F0 tại nhà sau đây:
- Chăm sóc trẻ sốt do COVID-19 không nên hoảng loạn đi tìm thêm thuốc này, thuốc kia, mà tuân thủ đúng liều lượng chỉ định độ tuổi, cân nặng, thời gian uống của nhà sản xuất. Có những trẻ sau khi uống thuốc hạ sốt 30 phút đã hạ, tuy nhiên có những trẻ 1 tiếng mới hạ.
- Nhiều phụ huynh lo lắng con mình có tiền sử sốt cao co giật. Về vấn đề này, bác sĩ Nam nhận định trẻ bình thường, 38,5 độ là uống thuốc thì trẻ có tiền sử sốt cao co giật thấy trẻ sốt 38 độ, phụ huynh nên uống hạ sốt luôn. Nếu trẻ không sốt cao quá thì sẽ không giật.
Với trẻ dưới 7 tuổi từng sốt cao co giật nên chuẩn bị đủ thuốc uống, thuốc nhét hậu môn, cặp nhiệt độ và cần theo dõi sát trẻ.
- Cha mẹ nên pha toàn bộ 1 gói bột oresol với chính xác lượng nước đun sôi để nguội theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Cho trẻ uống thìa hoặc chén nhỏ rải đều trong ngày. Mỗi gói khi pha chỉ sử dụng trong ngày, không nên dùng loại đóng chai pha sẵn.
- Khi sốt, thân nhiệt của trẻ tăng cao, phụ huynh nên mặc thoáng cho trẻ để hạ sốt. Dùng khăn ấm (không dùng khăn lạnh) chườm vùng nách, bẹn, bỏ bỉm cho trẻ. Bác sĩ Nam khuyến cáo khi trẻ bắt đầu có một số biểu hiện bất thường như sốt cao liên tục trên 39 độ C, khò khè, khó thở, ngủ li bì, khó đánh thức, co giật kèm tay chân lạnh, nôn hết những gì đã bú hoặc ăn, mỏ ác phồng cao, cổ cứng, xuất huyết, bỏ bú, tiêu chảy... cần chủ động đưa trẻ đến bệnh viện.