Sau khi dịch bệnh COVID-19 được chuyển xuống nhóm B, các chính sách, quy định liên quan về giám sát, cách ly, điều trị sẽ có sự thay đổi.

Thanh Hưng (TH) 11:26 12/06/2023

Theo thông tin từ báo Dân trí, chiều 3/6, tại phiên họp thứ 20 Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19. 

Theo đó, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 thống nhất chuyển bệnh COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B. 

Ban Chỉ đạo đồng thời ban hành hướng dẫn việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 phù hợp với dịch bệnh nhóm B và khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để xây dựng Kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững đối với dịch COVID-19 giai đoạn 2023-2025 phù hợp với tình hình mới. 

Những ngày gần đây số mắc COVID-19 mới tại nước ta tiếp tục có xu hướng giảm - Ảnh: Báo Dân trí

Theo Bộ Y tế, bệnh COVID-19 không còn đáp ứng các tiêu chí dịch bệnh truyền nhiễm nhóm A và đề xuất điều chỉnh bệnh sang nhóm B, bởi 4 lý do:

Thứ nhất, theo WHO, SARS-CoV-2 (virus gây ra bệnh COVID-19) vẫn là virus có tốc độ lây truyền nhanh. Tuy nhiên, tại Việt Nam, số ca mắc hiện nay đã giảm 8,5 lần so với 2021, giảm 48 lần so với 2022. Từ đầu năm đến ngày 29/5, nước ta ghi nhận 85.493 ca mắc, trung bình hàng tháng ghi nhận 17.000 ca mắc.

Bên cạnh đó, tỷ lệ tử vong do COVID-19 trong 5 tháng đầu năm giảm mạnh xuống còn 0,02% so với tỷ lệ tử vong năm 2021 là 1,86%, năm 2022 là 0,1%.

Con số này tương đương hoặc thấp hơn tỷ lệ tử vong của một số bệnh truyền nhiễm nhóm B đang được ghi nhận tại Việt Nam trong 5 năm gần đây như: Sốt xuất huyết (0,022%), sốt rét (0,017%), bạch hầu (0,102%), ho gà (0,417%). 

Thứ 2, đã xác định rõ tác nhân gây bệnh COVID-19 là virus SARS-CoV-2.

Biểu đồ ca mắc COVID-19 trong tháng 5-6/2023 - Ảnh: Báo Dân trí

Thứ 3, bệnh COVID-19 hiện nay đáp ứng các tiêu chí thuộc bệnh truyền nhiễm nhóm B theo quy định. Nhóm B gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong. Nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh.

Thứ 4, để có thể triển khai đồng bộ, thống nhất các biện pháp phòng, chống dịch sau khi bệnh COVID-19 chuyển từ nhóm A sang nhóm B, Bộ Y tế đang chỉ đạo các đơn vị rà soát các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 để xem xét, quyết định việc áp dụng các biện pháp phù hợp với tình hình dịch bệnh thời gian tới. 

Cũng theo thông tin từ báo Pháp luật TP.HCM, sau khi chuyển COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B thì các chính sách, quy định liên quan về giám sát, cách ly, điều trị sẽ thay đổi.

BS Trương Hữu Khanh, Nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh (BV Nhi đồng 1), cho biết khi chuyển COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B, người mắc bệnh không còn phải cách ly tuyệt đối mà chỉ cách ly tương đối. Người nhiễm COVID-19 có thể tự cách ly tại nhà. Nếu điều trị trong BV sẽ cách ly tại phòng bệnh riêng, không còn phải cách ly tại khu chuyên biệt.

Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân thời điểm bùng phát dịch tại TP.HCM - Ảnh: Báo Pháp luật TP.HCM

“Khi COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm B thì việc người bệnh được đi lại hay không tùy từng người. Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định người mắc các bệnh nhóm B không bị cấm đi lại, song khuyến cáo nên cách ly để tránh lây lan cho người khác" - BS Khanh cho biết.

Ngoài ra, người nhiễm COVID-19 cũng không còn được điều trị miễn phí, có thể được BHYT thanh toán như các bệnh truyền nhiễm khác thuộc nhóm B.

“Khi chuyển COVID-19 xuống nhóm B, nếu người bệnh nền nhiễm COVID-19 được điều trị tại đúng khoa bệnh nền, được BS chuyên khoa trực tiếp điều trị sẽ tốt hơn. Ví dụ bệnh nhân phổi mắc COVID-19 sẽ được điều trị tại chuyên khoa phổi, không phải cách ly và điều trị tại khoa nhiễm” - BS Khanh nói thêm.

PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng (Đại học Y dược TP.HCM), cũng cho biết khi chuyển COVID-19 xuống nhóm B, người dân được khuyên nên cách ly nhưng không cưỡng bức cách ly. Đối với bệnh nhóm B, luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm chỉ dùng biện pháp giáo dục >sức khỏe, không giới hạn quyền của người dân.

PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng (Đại học Y dược TP.HCM) - Ảnh: Báo Pháp luật TP.HCM

"Với bệnh nhóm A sẽ dùng những biện pháp xử lý hành chính, giới hạn quyền, buộc người nhiễm bệnh và người tiếp xúc gần không được đi lại tự do. Người mắc bệnh phải điều trị bắt buộc.

Nhưng với bệnh nhóm B, người nhiễm bệnh vẫn được đi lại tự do mà không bị xử lý, trừ khi cố tình lây nhiễm. Tuy nhiên, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm vẫn khuyến khích người mắc bệnh nhóm B đeo khẩu trang, không cố gắng tiếp xúc, lây bệnh cho người khác. Nếu cố tình lây lan thì bệnh nào cũng bị xử lý” - ông Dũng nhấn mạnh.

Thanh Hưng (TH) | Theo Phụ nữ sức khỏe