25 tuổi, cô gái đến khám vì tình trạng đi không vững, yếu hai chân và giảm cảm giác ở cả tứ chi.

My My (t/h) 14:17 24/02/2023

Theo thông tin từ Zing News, phòng khám khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Quận 11, TP.HCM, cho biết đã tiếp nhận bệnh nhân nữ 25 tuổi, đến khám vì tình trạng đi không vững, yếu hai chân và giảm cảm giác ở cả tứ chi.

Sau khi thăm khám và đo điện cơ cho người bệnh, bác sĩ ghi nhận tình trạng tổn thương đa dây thần kinh, đối xứng hai bên, diễn tiến cấp tính. Sau khi hỏi thêm về tiền sử, cô gái cho hay 2 tháng gần đây được bạn bè rủ rê sử dụng >bóng cười.

Các bác sĩ đưa ra chẩn đoán ban đầu cô gái này thiếu vitamin B12, gây ra tình trạng tổn thương dây thần kinh và chỉ định xét nghiệm máu. Kết quả nồng độ vitamin B12 của người bệnh ở còn ở mức 144 (chỉ số bình thường: 400-900 nmol/L).

Bệnh nhân hít bóng cười quá nhiều. Ảnh: Zing

Theo các bác sĩ, trường hợp này cần được bổ sung vitamin B12 (thông qua đường tiêm bắp) và tránh tiếp xúc khí cười. Sau điều trị, người bệnh tiên lượng phục hồi khá tốt.

Cũng theo VnExpress trước đó, cô gái 20 tuổi, mất thăng bằng, đi lại không vững, thị lực giảm, tê bì chân tay do >hít bóng cười.

Đến khám Bệnh viện Đại Học Y Hà Nội, cô gái vẫn nhận thức được song phản ứng chậm, cảm giác tê bì bàn chân lan lên cổ chân và hai bàn tay trong suốt 2 tháng. Bác sĩ xét nghiệm chuyên sâu, phát hiện bệnh nhân bị tổn thương trên não và tuỷ sống do ngộ độc khí N2O. Trong tuần, bệnh viện tiếp nhận một bệnh nhân nữ khác, 31 tuổi, cũng xuất hiện rối loạn tương tự, tiên lượng nặng hơn, khả năng hồi phục chậm do triệu chứng kéo dài hơn 4 tháng. Bệnh nhân này được chuyển sang Trung tâm chống độc Bạch Mai điều trị tiếp.

Bóng cười bị đưa vào danh mục cấm. Ảnh: Internet

Theo Sức khỏe và >đời sống, tại nước ta, bóng cười được rao bán công khai trên mạng, với giá dao động khoảng trên dưới 2,4 triệu đồng cho 5 kg khí N2O. Ở nhiệt độ bình thường, khí này là chất không màu, không mùi, có vị ngọt nhẹ. Bóng cười không nằm trong danh mục quản lý đặc biệt. Được biết, khí N2O trong bóng cười ở một số nước hiện vẫn sử dụng trong y tế, đặc biệt là trong nha khoa khi thực hiện nhổ răng, nha sĩ vẫn sử dụng khí này nhằm giúp bệnh nhân đỡ lo lắng, hưng thần hơn.

Tuy nhiên, bác sĩ khuyến cáo giới trẻ không vì thế mà lạm dụng, nó gây cảm xúc bất thường. Khí cười gây cảm giác hưng phấn trong thời gian ngắn, có thể chóng mặt, giảm khả năng suy nghĩ, nặng hơn có thể dẫn đến bất tỉnh và thậm chí tử vong do thiếu ôxy…

Sau khi hít khí trong bóng cười, cơ thể có cảm giác tê tê, phấn khích, cười ngả nghiêng. Khi vào cơ thể, nó gây ảnh hưởng trực tiếp tới hệ thần kinh và tim mạch. Chỉ riêng cười quá mức, liên tục cũng đã có thể gây ngạt do thiếu oxy, và nếu trên cơ địa có bệnh đường hô hấp thì rất nguy hiểm, có thể bị ngạt, suy hô hấp. Nguy cơ tử vong do biến chứng về tim mạch, rối loạn nhịp tim cũng là tác hại của loại khí này.

Thời gian dài sử dụng cũng sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất vitamin B12, từ đó ảnh hưởng đến chức năng của máu và hệ thần kinh, gây ù tai, rối loạn tâm lý, cảm xúc thất thường, thậm chí xuất hiện tê >liệt tứ chi. Ngoài ra, người bệnh còn có hiện tượng đi tiểu không tự chủ, đau bụng, táo bón, tổn thương cột sống, còn có thể phát sinh ảo giác và các vấn đề về tâm thần như mất trí nhớ, nghiêm trọng hơn có thể trở thành người thực vật, hôn mê, cuối cùng dẫn đến tử vong.

Khi ngộ độc khí N2O, biến chứng thần kinh xuất hiện đầu tiên, sau đó đến các cơ quan khác. Cảm giác ban đầu là tê bì tứ chi, mất thăng bằng, đi lại không vững. Ngộ độc kéo dài làm giảm khả năng tập trung trí nhớ, lo lắng, trầm cảm, thậm chí gây đột quỵ, co giật. Khí N2O còn làm tổn thương vùng tủy cổ dẫn đến yếu tứ chi, tàn phế, thậm chí hôn mê và tử vong.

My My (t/h) | Theo Phụ nữ sức khỏe