Nhiều gia đình quyết tâm phải có con trai, đáng nói, tuổi tác và quá trình sinh nở của phụ nữ bị ảnh hưởng ít nhiều. Ngoài ra, những chi phí để dành cho việc chọn con theo ý muốn cũng không hề rẻ.
Chênh lệch giới tính khi sinh tăng nghiêm trọng hiện nay
Theo VnExpress, tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam năm 2022 ở mức cao, khoảng 113,7 trẻ trai trên 100 bé gái, được Tổng Cục Dân số đánh giá là "nghiêm trọng".
Tổng Điều tra dân số năm 2020 do Tổng cục Thống kê thực hiện cho thấy tỷ lệ giới tính khi sinh là 112,1 bé trai/100 bé gái, năm 2019 là 111,5. Như vậy, tình trạng mất cân bằng giới tính đang tiếp tục tăng, trong khi mục tiêu được ngành dân số đặt ra là kéo giảm còn 111,4 trẻ trai/100 trẻ gái.
Các chuyên gia cho rằng mất cân bằng giới sẽ ảnh hưởng xấu tới cấu trúc dân số trong tương lai, dẫn tới dư thừa nam giới. Tổng cục Thống kê dự báo Việt Nam sẽ thừa 1,5 triệu nam giới từ 15 đến 49 tuổi vào năm 2034, riêng năm 2019 cả nước bị thiếu hụt 45.900 bé gái. Về lâu dài, hậu quả nghiêm trọng như thiếu phụ nữ làm tăng áp lực kết hôn sớm đối với trẻ gái, phải bỏ học để lập gia đình, có thể tăng nhu cầu mại dâm dẫn đến nạn buôn bán phụ nữ tăng.
Tư tưởng phải >sinh con trai của người Việt
Theo thông tin từ Báo Sức khỏe và Đời sống, tại Việt Nam, tâm lý ưa thích con trai đã được ghi chép từ cách đây hai thập kỷ và thậm chí đã được đo lường. Điều này làm gia tăng mối quan ngại rằng tỷ lệ sinh con trai sẽ tăng lên trong tương lai. Chính vì vậy, mất cân bằng giới tính khi sinh đã gây được sự chú ý.
Kể từ thập kỷ trước, các nghiên cứu thực địa và thống kê đã xác định được xu hướng gia tăng tình trạng mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh tại Việt Nam, thông qua số liệu các cuộc điều tra nhân khẩu học. Vì con trai đóng vai trò quan trọng trong các gia đình, mong muốn có con trai trở thành một đòi hỏi bức thiết, dẫn đến sự phân biệt đối xử với con gái trước và sau khi sinh. Tại nhiều nơi trên thế giới, mong muốn sinh con trai và sinh con gái là như nhau, và những nỗ lực can thiệp đến giới tính của con cái là rất hiếm. Tuy nhiên ở Việt Nam mong ước có con trai là thâm căn cố đế.
Cũng theo Báo Dân Trí, ở thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa kiểm soát được >chênh lệch giới tính khi sinh. Tư tưởng trọng nam khinh nữ dường như vẫn ăn sâu vào nhiều gia đình từ thành thị tới nông thôn.
Phải sinh bằng được con trai để nối dõi tông đường, thiên chức làm mẹ không còn trở thành niềm tự hào nữa và chuyện sinh con trở thành nỗi ám ảnh khiến nhiều gia đình tan cửa nát nhà.
Tiến thoái lưỡng nan, nhiều gia đình rơi vào cảnh bên tình bên lý, lựa chọn bên nào cũng khiến gia đình rơi vào cảnh một mất một còn.
Quan niệm có con trai để "nối dõi tông đường" đã khiến cho số trẻ trai được sinh ra ngày càng nhiều hơn so với trẻ gái, gây mất cân bằng giới tính. Việc lựa chọn giới tính khi sinh là hành vi vi phạm pháp luật, thế nhưng, chế tài xử phạt gần như là không thực hiện được.
Nỗi lo đứa con bệnh tật
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Trung, Giảng viên Bộ môn Sản trường Đại học Y Dược, TP.HCM chia sẻ trên Báo VietNamNet, ông tiếp nhận rất nhiều người tìm đến bác sĩ xin được đẻ con trai.
Gần đây nhất, chị N.H.H (43 tuổi, trú tại Phú Nhuận, TP.HCM) cùng chồng đến khám bác sĩ và đề nghị hỗ trợ làm thế nào để sinh được con trai. Chị cho biết cả ba con của chị đều là con gái. Cách đây 4 năm, chị đã có thai tự nhiên nhưng làm xét nghiệm biết là con gái nên người nhà động viên “bỏ thai” chờ đẻ con trai. Suốt 2 năm nay, chị đã “thả” nhưng chưa có thai lại.
Khám cho chị H., bác sĩ Trung nhận thấy người phụ nữ này đã mổ sinh 3 lần, đều là con gái. Ông đã giải thích nguy cơ khi mang thai lần thứ tư nguy hiểm cho cả mẹ và con. Ngoài ra, việc sinh con trai hay con gái dù làm thụ tinh trong ống nghiệm cũng chỉ 50%. Tuy nhiên, chị vẫn muốn thử.
Khi làm xét nghiệm dự trữ buồng trứng của chị thấp. Bác sĩ đã kích trứng được 5 phôi. Hai vợ chồng chị chuẩn bị chuyển phôi thì bất ngờ họ lại dừng. Nguyên nhân là người em của chồng chị vừa cố sinh thêm con trai và đứa bé mang gene bệnh của bố mẹ. Khi vừa chào đời, bé đã mắc bệnh lý hiếm gặp. Dù là con trai, đứa trẻ cần sự chăm sóc về y tế rất lớn, chi phí có thể lên tới cả tỷ đồng mỗi năm. Khát vọng có con trai nhưng đứa trẻ sinh ra chưa ai đảm bảo khỏe mạnh, vợ chồng chị xin suy nghĩ lại.
Trước đó, cuối tháng 6, bác sĩ Trung cũng từng tư vấn cho nữ bệnh nhân H.A (34 tuổi, ngụ tại quận 2, TP.HCM) bị buồng trứng đa nang. Cưới nhau gần 2 năm nhưng chưa có con, chị và chồng luôn đến khám trong tình trạng mệt mỏi vì áp lực con cái và phải con trai. Chồng chị là “độc đinh” và mẹ chồng có tư tưởng phải có cháu trai. Bà còn tuyên bố rằng: “Làm thụ tinh trong ống nghiệm chọn con trai bà sẽ cho chi phí, con gái thì bà không chi”.
Ông cho biết đối với trường hợp này, quá trình điều trị để có con đã là rất khó, việc đòi hỏi lựa chọn giới tính thai nhi càng làm tăng áp lực cho người vợ.
Theo bác sĩ Trung thông tin trên VietNamNet, nhu cầu sinh thêm con hay có con trai là tâm lý bình thường của rất nhiều cặp vợ chồng. Ở góc độ nào đó, con cái đủ nếp, đủ tẻ giúp người phụ nữ yên tâm hơn nên họ tìm mọi cách để có con trai.
Tuy nhiên, ông cho rằng chúng ta cần nhìn nhận thẳng vấn đề “con nào cũng là con”. Việc sinh con đầu tiên nên lựa chọn theo tự nhiên. Với mỗi đứa trẻ được sdinh ra, ưu tiên hàng đầu là khỏe mạnh và sự nuôi dạy của cha mẹ thật tốt để con phát triển toàn diện thay vì tư tưởng cổ hủ phải là con trai.