Bạn đã từng nghe nói đến ăn kiêng, nhưng "ăn kiêng ngược" thì sao? Đó được coi là một kế hoạch ăn kiêng "táo bạo", bởi nó khuyến khích bạn tránh tăng cân bằng cách ăn nhiều hơn. Nhưng phương pháp này có thực sự hiệu quả không?
Có rất nhiều cuộc tranh luận về các chế độ ăn uống giúp giảm cân và có lợi cho >sức khỏe. Nhưng thực lòng phải nói rằng, vấn đề giảm cân không phải là thách thức lớn nhất của những người đang muốn giảm cân mà là làm sao để tránh tăng cân sau đó. Ai cũng ý thức được một điều rằng, nếu không chú ý, cuộc sống của chúng ta có thể rơi vào chu kì ăn kiêng và tăng cân hay còn gọi là ăn kiêng "yo-yo". Điều này có thể khiến mọi người có cái nhìn không thiện cảm với thực phẩm, hoặc kéo theo hệ lụy về sức khỏe tâm thần, nhất là khi bạn tăng cân trở lại quá nhiều sau khi giảm cân.
Nhưng gần đây, chế độ ">ăn kiêng ngược" đã trở nên phổ biến và được mọi người truyền nhau. Những người tuân thủ chế độ ăn uống này tuyên bố rằng nó có thể giúp bạn tránh tăng cân bằng cách hơi ngược đời là... ăn nhiều hơn. Ý tưởng của chế độ ăn kiêng ngược là tăng dần lượng calo nạp vào sau khi bị thâm hụt. Nói một cách dễ hiểu, đó là sau khi giảm cân, bạn cần ăn uống một cách có kiểm soát và tăng dần lượng thức ăn lên trước khi trở lại ăn uống bình thường.
Điều này sẽ cho phép cơ thể và sự trao đổi chất của bạn "điều chỉnh" dần để bạn có thể tránh tăng cân khi ăn nhiều hơn. Tuy nhiên, hiện tại không có bằng chứng khoa học nào cho thấy chế độ "ăn kiêng ngược" có tác dụng như những người ủng hộ nó tuyên bố.
Chia sẻ trên trang The Conversation, Duane Mellor, giảng viên cao cấp tại Trường Y Aston, Đại học Aston đã nói rõ về vấn đề này như sau:
Chế độ "ăn kiêng ngược" dựa trên lý thuyết rằng cơ thể chúng ta có những "điểm thiết lập" cơ bản cho quá trình trao đổi chất và lượng calo hấp thụ. Nếu chúng ta vượt quá những điểm này thì chúng ta sẽ tăng cân. Nhưng khi "ăn kiêng ngược", những "điểm thiết lập" này có thể được nâng lên bởi vì chúng ta tăng dần lượng thức ăn tiêu thụ. Về mặt lý thuyết, điều này sẽ "thúc đẩy" sự trao đổi chất của cơ thể, cho phép tiêu thụ nhiều thức ăn và calo hơn mà không bị tăng cân.
Tuy nhiên, không có nghiên cứu nào ủng hộ lý thuyết nói trên. Lý do chính là bởi một số yếu tố ảnh hưởng đến cân nặng và sự trao đổi chất của chúng ta, bao gồm sự phát triển của cơ thể, thức ăn chúng ta ăn, cách thức chúng ta vận động và cả gen di truyền...
Nhưng ảnh hưởng quan trọng nhất đến cách cơ thể chúng ta sử dụng calo là tỷ lệ trao đổi chất khi nghỉ ngơi. Đây là lượng calo cơ thể chúng ta cần để duy trì sự sống. Điều này chiếm khoảng 60-70% lượng calo chúng ta sử dụng hàng ngày.
Tỷ lệ trao đổi chất cơ bản của chúng ta chủ yếu được xác định bởi tuổi, cân nặng, giới tính và khối lượng cơ - chế độ ăn uống của bạn có rất ít ảnh hưởng đến nó. Ăn bằng hoặc thấp hơn tỷ lệ trao đổi chất cơ bản sẽ dẫn đến giảm cân, và ăn cao hơn tỷ lệ này sẽ dẫn đến tăng cân. Tỷ lệ trao đổi chất cơ bản của chúng ta cũng tăng lên khi chúng ta tăng cân hoặc khối lượng cơ, và giảm khi chúng ta giảm cân hoặc khối lượng cơ (bằng chứng cho thấy rằng cơ thể bạn càng có nhiều cơ thì càng cần nhiều calo để hoạt động).
Tập thể dục cũng làm tăng lượng calo mà chúng ta sử dụng, nhưng thường không đủ để ảnh hưởng lớn đến cân nặng của chúng ta. Và mặc dù chế độ ăn giàu protein có thể thay đổi phần nào tốc độ trao đổi chất, nhưng trọng lượng cơ thể và khối lượng cơ của chúng ta có ảnh hưởng lớn nhất đến cân nặng.
Vì vậy, chế độ "ăn kiêng ngược" chỉ hoạt động bằng cách kiểm soát lượng calo nạp vào (tăng lượng calo vào cơ thể một cách dần dần) không được coi là có thể thay đổi quá trình trao đổi chất hoặc tỷ lệ trao đổi chất. Nói một cách đơn giản, nếu bạn ăn nhiều calo hơn cơ thể yêu cầu, bạn sẽ tăng cân. Những gì chúng ta biết là những thói quen nhất định, như thường xuyên ăn sáng và tập thể dục, giúp mọi người tránh bị tăng cân sau khi ăn kiêng.
Mặc dù hiện tại có rất ít nghiên cứu điều tra tác động của chế độ "ăn kiêng ngược" đối với sự trao đổi chất, nhưng nó vẫn có thể giúp ích cho mọi người theo những cách khác. Khi một số người đang giảm cân, họ có thể cảm thấy kiểm soát được cách họ ăn. Nhưng đối với một số người, ngừng ăn kiêng có thể dẫn đến mất kiểm soát về mặt nhận thức. Chế độ "ăn kiêng ngược" có thể mang lại cho một số người sự tự tin để quay lại cách ăn uống bền vững hơn hoặc giúp họ thoát khỏi chu kỳ ăn kiêng hạn chế.