Cây cỏ mực hay cây nhọ nồi là loại cây dại rất phổ biến, đặc biệt ở những vùng nông thôn. Cây cỏ mực mọc hoang dại, chẳng mất tiền mua nhưng lại được xem là vị thuốc Nam quý có thể chữa nhiều bệnh, đặc biệt là những bệnh liên quan đến xuất huyết, chảy máu. Cụ thể, cây cỏ mực chữa bệnh gì, các bạn hãy cùng tìm hiểu trong bài viết sau đây!

Minh Trang 11:10 04/10/2022

Cỏ mực - vị thuốc quý từ tự nhiên

Cỏ mực hay còn được gọi là> cây nhọ nồi, với tên khoa học là Eclipta alba Hassk, là một loại cỏ dại rất quen thuộc ở nước ta. Cỏ mực có lá màu xanh đậm, có lông trên mặt lá và thân, thân thường có màu nâu nhạt hoặc đỏ tía, có hoa màu trắng nhỏ mọc ở kẽ lá hoặc ở đầu cành. Dân gian gọi là >cây cỏ mực vì khi vò nát lá cây ra thì nước màu xanh đen như màu mực. Cây cỏ mực hoàn toàn lành tính và không có tính độc, không gây nguy hiểm gì cho >sức khỏe.

Theo y học cổ truyền thì cây cỏ mực có vị chua ngọt, tính mát, tác dụng chính vào 2 kinh là can và thận. Cỏ mực có tác dụng thanh can, giải nhiệt, điều trị xuất huyết, mẩn ngứa, sưng tấy. Dân gian còn dùng cỏ mực làm thuốc nhuộm đen tóc một cách tự nhiên.

Cỏ mực - loài cỏ dại có nhiều công dụng quý!

Còn theo các nghiên cứu của y học hiện đại, cây cỏ mực có chứa nhiều tanin, tinh dầu, các alcaloid và carotenne,... là những hợp chất giúp tăng tốc độ đông máu, giúp cầm máu, và giảm tình trạng nhiễm trùng.

Ngoài ra, các nhà khoa học còn nghiên cứu được trong thành phần của cây cỏ mực còn chứa thành phần giống như vitamin K có tác dụng chống chảy máu ở tử cung, an toàn và không gây tăng huyết áp cũng như giãn mạch.

Cây cỏ mực chữa bệnh gì?

Từ rất xa xưa, trong dân gian đã lưu truyền những cách chữa các bệnh thông thường bằng cây cỏ mực. Khi bị đứt tay chảy máu, chỉ lấy cần lấy lá cây cỏ mực vò nát rồi đắp vào vết thương sẽ cầm máu ngay. Khi bị ho cảm, sốt, lấy lá cỏ mực giã nát vắt lấy nước uống hạ sốt, thanh nhiệt… Cỏ mực được áp dụng trong rất nhiều các bài thuốc Đông y và thuốc Nam để chữa các bệnh từ đơn giản đến phức tạp. Các bạn có biết cây cỏ mực chữa bệnh gì và chữa như thế nào không?

1. Cỏ mực cầm máu vết thương

Cỏ mực có tác dụng giúp quá trình đông máu nhanh hơn, giúp cầm máu vết thương nhanh hơn. Cách sử dụng rất đơn giản: Khi bị thương và vết thương chảy máu, bạn lấy một nhúm lá cỏ mực tươi đem vò nát hoặc giã nát rồi đắp lên chỗ vết thương đang chảy máu, có thể dùng miếng vải sạch hoặc miếng gạc để băng vết thương lại. Vết thương sẽ được cầm máu nhanh chóng.

Đắp lá cỏ mực lên vết thương giúp cầm máu nhanh!

2. Cỏ mực trị bệnh đại tiện, tiểu tiện ra máu

Khi bị tiểu tiện, đại tiện ra máu thì cỏ mực cũng là bài thuốc Nam hiệu quả và lành tính để giải quyết.

Nếu bị đại tiện ra máu: Dùng cỏ mực nướng trên một miếng ngói sạch cho khô rồi tán nhỏ ra thành bột. Mỗi lần dùng 8g (1 thìa to) trồi pha với nước cơm để uống. (Bài thuốc này trích từ Gia tàng kinh nghiệm phương).

Nếu bị tiểu tiện ra máu: Lấy cỏ mực, lá mã đề 2 vị bằng nhau đem giã nát rồi vắt lấy nước. Một ngày uống 3 lần vào lúc đói, mỗi lần uống 1 chén. Có thể nấu cháo gạo tẻ với cỏ mực và gừng để ăn cũng giúp trị đi tiểu ra máu.

3. Cỏ mực chữa chảy máu dạ dày

Chảy máu dạ dày hay xuất huyết dạ dày là tình trạng niêm mạc dạ dày bị chảy máu do những tổn thương lâu ngày không được điều trị. Xuất huyết dạ dày với biểu hiện nôn ra máu, đi ngoài ra máu, cơ thể choáng váng, mệt mỏi, vã mồ hôi, chóng mặt, tụt huyết áp. Lúc này, để giảm tình trạng xuất huyết, dùng cỏ mực 50g, cam thảo 15g, đại táo 4 quả, bạch cập 25g đem nấu thành nước sắc uống một 1 thang, chia làm 2 lần.

Khi bị xuất huyết dạ dày hãy sử dụng cỏ mực để giúp giảm tình trạng chảy máu!

4. Cỏ mực chữa rong kinh

Phụ nữ bị rong kinh kéo dài cũng có thể sử dụng cỏ mực để cải thiện tình trạng. Lấy cỏ mực tươi rửa sạch rồi giã nát, sau đó vắt lấy nước uống hàng ngày. Mỗi ngày uống 1 lần, mỗi lần uống khoảng ½ bát. Hoặc chị em cũng có thể dùng cỏ mực khô đem sắc lấy nước uống.

Trường hợp máu ra nhiều thì có thể kết hợp cây cỏ mực với một số thảo dược khác như cây huyết dụ, cây trắc bá diệp để tăng công dụng cầm máu.

5. Cỏ mực chữa bệnh trĩ ra máu

Cây cỏ mực chữa bệnh gì nữa không? Tất nhiên là còn khá nhiều bệnh khác. Ví dụ như bệnh trĩ bị chảy máu. Người bị bệnh trĩ gây chảy máu ở phần hậu môn, trực tràng dùng một nắm cả lá cả thân cây cỏ mực đem rửa sạch, giã nhuyễn rồi giã nát, sau đó cho thêm 1 chén nhỏ rượu gạo trắng nóng. Chắt lấy phần nước uống còn phần bã đắp vào vùng hậu môn sẽ giúp cầm máu, giảm đau, giảm sưng búi trĩ.

6. Cỏ mực trị mụn và các bệnh ngoài da

Với thành phần và đặc tính của mình, cây cỏ mực còn có tác dụng với một số bệnh ngoài da khá hiệu quả như mề đay, sốt phát ban, mụn nhọt. Có thể dùng lá cây giã nát để uống và xoa trực tiếp lên vùng da đang bị nổi mụn nhọt, mề đay.

Nước cốt nhọ nồi dùng uống giúp giảm mụn nhọt, đẹp da!

7. Cỏ mực trị chảy máu cam

Khi bạn thường xuyên bị chảy máu cam, chảy nhiều và liên tục thì nên tìm 20g cỏ mực, 20g hoa hòe sao đen, 16g cam thảo đất đem đun chung với nhau và uống trong ngày. Uống liên tục từ 2-3 ngày sẽ có hiệu quả cầm máu.

Cỏ mực giúp chữa bệnh chảy máu cam!

8. Cỏ mực chữa râu tóc bạc sớm

Nhiều người xảy ra tình trạng bạc tóc, bạc râu sớm có thể dùng cỏ mực để sử dụng giúp giảm bạc tóc, tóc đen hơn. Cách thực hiện là lấy cỏ mực khô hoặc tươi đem nấu với nước trong thời gian lâu cho cô đặc lại thành cao. Sau đó lấy cao pha với gừng và mật ong đun cô lại một lần nữa. Dùng cao này 2 lần/ngày, mỗi lần lấy 1-2 thìa pha với nửa cốc nước ấm và uống.

Cũng có thể lấy cỏ mực 1-2kg giã nát để lấy nước ép thật đặc. Sau đó trộn với bột nữ trinh tử đã được chế biến theo cách: 1kg nữ trinh tử ngâm rượu 1 ngày rồi bóc vỏ, phơi khô, đem tán thành bột. Khi trộn nước ép cỏ mực với bột nữ trinh tử, thêm mật ong thành dạng viên hoàn rồi mỗi ngày uống 10g. Viên hoàn này có tác dụng bổ can thận, giúp râu tóc xanh đen, hết đau lưng, đau gối.

9. Cỏ mực giúp giảm tình trạng suy nhược cơ thể, thiếu máu, kém ăn, gầy yếu

Người bị suy nhược cơ thể, kém ăn, thiếu máu, gầy yếu, dùng cỏ mực và cỏ mần trầu mỗi vị 100gr, gừng khô 50gr, đem tất cả đi thái nhỏ, sao vàng, hạ thổ. Sau đó cho 3 bát nước dừa vào nấu cùng, nấu sôi nhỏ lửa cho còn ¾ số nước dừa ban đầu thì tắt bếp. Chia làm 2 lần uống hết trong ngày.

10. Cây cỏ mực chữa bệnh thận

Theo kinh nghiệm dân gian, bài thuốc chữa suy thận từ cây cỏ mực và đỗ đen có thể áp dụng với tình trạng suy thận ở giai đoạn đầu. Cả 2 loại thảo dược này đều có dược tính chữa suy thận, đồng thời tương đối lành tính và phù hợp với cơ địa tất cả mọi người.

Lấy 30g cây lá cỏ mực khô dã được sao vàng, hạ thổ rồi nấu cùng 400gr đậu đen xanh lòng đã rang chín. Đun sôi 15 phút rồi chắt lấy nước uống trong ngày. Bài thuốc này giúp giảm dần tình trạng như: tiểu đêm, hay mộng mị khi ngủ, đau nhức lưng...

Bài thuốc chữa bệnh thận từ cỏ mực và đậu đen!

Ngoài những tác dụng chữa bệnh như trên, người ta còn dùng cây cỏ mực để chữa các bệnh thông thường như lang ben, tưa lưỡi ở trẻ nhỏ, hạ sốt,... Có thể nói, cây cỏ mực vô cùng hữu ích và có nhiều tác dụng với cuộc sống của chúng ta. 

Một số lưu ý khi sử dụng cây cỏ mực chữa bệnh

Cỏ mực là thảo dược lành tính và không gây hại cho sức khỏe tuy nhiên cũng cần phải có một số lưu ý về cách dùng cây cỏ mực như sau:

- Phụ nữ có thai, đặc biệt là phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu không nên sử dụng vì có thể gây nguy cơ động thai, sảy thai.

- Những người thể chất vốn hàn, âm hư, tỳ vị hư hàn không nên dùng cây cỏ mực dễ gây tiêu chảy.

- Chỉ sử dụng những cây cỏ mực mọc ở chỗ sạch sẽ, nên rửa sạch bụi bẩn, đất cát bám trên cây lá trước khi đem phơi khô hay sử dụng.

Trên đây là những bài thuốc sử dụng cây cỏ mực để chữa bệnh. Như vậy, bạn đã biết tác dụng của cây cỏ mực chữa bệnh gì, dùng như thế nào. Hi vọng với các thông tin được chia sẻ trên đây, các bạn sẽ tận dụng được loại cỏ dân dã – thảo dược quý này vào cuộc sống một cách an toàn, hiệu quả nhất nhé.

Minh Trang | Theo Phụ nữ sức khỏe