Ở trong độ tuổi sinh sản, kinh nguyệt là thước đo đầu tiên phản ánh sức khỏe sinh sản của các chị em. Việc kinh nguyệt thất thường có thể do nhiều nguyên nhân gây nên và có ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng mang thai. Vậy kinh nguyệt không đều phải làm sao?
Thế nào là kinh nguyệt không đều?
Một chu kỳ kinh nguyệt được tính từ ngày đầu tiên của chu kỳ này đến ngày đầu tiên của chu kỳ tiếp theo. Chu kỳ kinh nguyệt trung bình là 28 ngày, tuy nhiên mỗi chị em có chu kỳ kinh nguyệt ngắn dài khác nhau. Chu kỳ nằm trong khoảng thời gian từ 24 đến 38 ngày được coi là bình thường. Ngoài ra thời gian chảy máu trong mỗi kỳ kinh nguyệt thường kéo dài từ 3 đến 7 ngày, với lượng máu mất đi từ 50ml đến 80ml.
Chu kỳ kinh nguyệt của một người được coi là không đều khi độ dài của mỗi chu kỳ liên tục thay đổi, lúc sớm lúc muộn, hoặc thậm chí tắc kinh trong vài tháng, và thời gian chảy máu kinh nguyệt cũng không ổn định.
Nguyên nhân kinh nguyệt không đều
Nguyên nhân bệnh lý
Các bệnh viêm nhiễm vùng chậu như viêm cổ tử cung, viêm buồng trứng, viêm ống dẫn trứng, polyp tử cung,v.v. là nguyên nhân phổ biến nhất nhất gây ra hiện tượng chu kỳ kinh nguyệt thất thường.
Lạc nội mạc tử cung: Đây là tình trạng mô nội mạc tử cung “lạc” sang các vị trí khác trong cơ thể như buồng trứng, ống dẫn trứng, ruột, v.v. Đây cũng là một trong nguyên nhân phổ biến gây ra hiện tượng chu kỳ kinh nguyệt không đều.
Khối u lành tính hoặc ác tính: Các khối u ở cổ tử cung, buồng trứng hoặc tử cung có thể khiến cho kinh nguyệt kéo dài hơn bình thường. Tăng sinh nội mạc tử cung (lành tính), polyp hoặc u xơ cũng khiến kinh nguyệt không đến “như đã hẹn”.
Nguyên nhân do dùng thuốc
Một số thuốc kháng viêm, thuốc chống đông máu, thuốc nội tiết tố, thuốc tránh thai có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt.
Thuốc tránh thai khẩn cấp, que tránh thai cấy dưới da cũng khiến cho chu kỳ kinh nguyệt “ghé thăm” sớm hoặc muộn hơn bình thường.
Nguyên nhân khác
Không rụng trứng: Trứng không rụng dẫn đến thiếu hormone progesterone có thể khiến chu kỳ kinh nguyệt ngắn hơn (do giai đoạn hoàng thể ngắn hơn)
Mất cân bằng nội tiết tố: Hormone estrogen và progesterone điều chỉnh sự hình thành và bong tróc của niêm mạc tử cung. Khi các hormone này mất cân bằng sẽ kéo theo sự mất ổn định của chu kỳ kinh nguyệt.
Mang thai, cho con bú, tuổi dậy thì, tuổi tiền mãn kinh, thiếu >dinh dưỡng, tập thể thao quá mức cũng có thể khiến vòng kinh thay đổi.
Kinh nguyệt không đều có sao không
Ảnh hưởng không tốt đến khả năng sinh sản
Chu kỳ kinh nguyệt thất thường, không dự đoán được ngày rụng trứng, không rụng trứng đều dẫn đến khó khăn cho việc mang thai.
Niêm mạc tử cung quá mỏng hoặc quá dày cũng khiến thai khó làm tổ.
Nếu nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt là do bệnh lý thì tỉ lệ vô sinh hiếm muộn là rất cao.
Ảnh hưởng đến sức khỏe chị em nói chung
Khi vòng kinh thất thường cộng với lượng máu quá nhiều có thể dẫn đến hiện tượng thiếu máu, da nhợt nhạt, cơ thể mệt mỏi, kiệt sức, dễ chóng mặt ngất xỉu.
Rối loạn kinh nguyệt có thể khiến da dẻ chị em không hồng hào, trông thiếu sức sống, da bị nhăn, nám sạm.
Ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày
Kinh nguyệt không đều kèm theo các biểu hiện như đau bụng kinh, rong huyết làm gián đoạn các hoạt động hàng ngày.
Tâm lý thay đổi thất thường, dễ nổi cáu ảnh hưởng đến các hoạt động giao tiếp hàng ngày.
Giải đáp kinh nguyệt không đều phải làm sao
Kinh nguyệt không đều phải làm sao? Câu trả lời phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra. Nếu là nguyên nhân bệnh lý, bạn nên đến các cơ sở y tế uy tín để được các bác sĩ điều trị kịp thời. Nếu nguyên nhân do dùng thuốc, nên tham khảo bác sĩ để giảm liều hoặc điều chỉnh thuốc. Ngoài ra, bạn có thể áp dụng thêm những biện pháp sau tại nhà để giúp điều trị tình trạng rối loạn kinh nguyệt.
Chữa kinh nguyệt không đều tại nhà
Tập Yoga: Yoga được chứng minh là một phương pháp điều trị hiệu quả rối loạn kinh nguyệt. Có một nghiên cứu cho thấy nếu tập Yoga mỗi ngày 40 phút, 5 ngày/tuần trong liên tiếp 6 tháng có thể khiến cho hiện tượng rối loạn kinh nguyệt biến mất mà không cần dùng đến thuốc. Bên cạnh đó Yoga còn giúp giảm đau bụng kinh, giảm các triệu chứng trầm cảm, lo lắng trong kỳ kinh.
Ăn/uống Gừng: Trà gừng hoặc sử dụng gừng như một loại gia vị trong thức ăn được coi là phương thuốc hữu hiệu giúp lưu thông khí huyết, khiến chu kỳ kinh nguyệt nhẹ nhàng và đúng hẹn hơn. Trước mỗi kỳ kinh, uống từ 750mg đến 1500mg bột gừng giúp giảm đau bụng kinh, giảm các triệu chứng tâm lý của hội chứng tiền kinh nguyệt.
Bài thuốc từ Quế: Có một nghiên cứu cho thấy quế giúp điều chỉnh vòng kinh, và đặc biệt có thể điều trị hiệu quả cho phụ nữ bị đa nang buồng trứng. Ngoài ra, quế còn giúp giảm đau, giảm buồn nôn liên quan đến đau bụng kinh nguyên phát.
Ăn dứa: Rất dễ tìm và giá thành thấp. Loại quả này có chứa bromelain – một loại enzyme làm mềm niêm mạc tử cung và điều hòa kinh nguyệt. Ngoài ra enzyme này còn giúp kháng viêm, giảm đau, giảm chuột rút. Hàng ngày chỉ cần ăn chưa đến 100gr dứa là đã có thể giúp bạn điều hòa kinh nguyệt.
Uống dấm táo hàng ngày: Hàng ngày chỉ cần uống 15ml giấm táo mỗi ngày có thể khôi phục kỳ kinh cho chị em mắc hội chứng đa nang buồng trứng. Giấm táo có vị hơi đắng, do vậy bạn có thể pha loãng với nước hoặc mật ong để dễ uống hơn.
Cách chữa tắc kinh nguyệt tại nhà
Bài thuốc từ ích mẫu: Thay vì uống ích mẫu phơi khô, cao ích mẫu được chế biến sẵn có tác dụng trị tắc kinh rất hiệu quả.
Bài thuốc từ cây ngải cứu: Ngải cứu phơi khô, hãm nước uống giúp lưu thông khí huyết, chữa trị tắc kinh, vô kinh ở phụ nữ.
Chu kỳ kinh nguyệt không đều có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe sinh sản, sắc đẹp và chất lượng cuộc sống hàng ngày của chị em. Nếu chị em có những biểu hiện rối loạn kinh nguyệt, nên đi thăm khám ngay để được chữa trị. Đồng thời hãy tham khảo những thông tin về kinh nguyệt không đều phải làm sao trong bài viết này để tự thực hiện một số biện pháp chữa trị đơn giản và hiệu quả tại nhà.