Đã có trẻ mắc tay chân miệng tử vong, vậy đâu là cách nhận biết trẻ mắc bệnh nặng cần phòng tránh?

Lam Lam (t/h) 16:56 05/06/2023

Thông tin từ Báo Tuổi Trẻ theo Bệnh viện Nhi đồng 1, trong 5 tháng đầu năm, bệnh viện đã tiếp nhận 1.349 lượt điều trị ngoại trú, 158 bệnh nhân điều trị nội trú vì mắc bệnh >tay chân miệng.

Hiện mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận khoảng 50-70 trẻ khám ngoại trú và 15-20 ca bệnh đang điều trị nội trú, trong đó có một số ít trường hợp diễn tiến nặng phải thở máy.

So với cùng kỳ năm ngoái, hiện số lượng >bệnh tay chân miệng bình thường nhưng số bệnh nhân nặng lại tăng (đã có 5 trường hợp nặng; trong đó 2 ca ở TP.HCM và 3 ca ở các tỉnh, 1 ca ở tỉnh tử vong).

Thời điểm này vào năm ngoái thì bệnh viện chưa ghi nhận ca bệnh nặng. Tuy nhiên năm nay lại ghi nhận nhiều hơn. Đặc biệt hai ngày gần đây khoa tiếp nhận hai ca độ 3 cùng ở tỉnh Bình Dương.

Trẻ mắc tay chân miệng gia tăng. Ảnh: Internet

Theo bác sĩ, bệnh tay chân miệng xuất hiện quanh năm. Đỉnh dịch của bệnh thường rơi vào tháng 4 đến 6 và tháng 8 đến 12 hằng năm. Dự báo bệnh có khả năng tăng cao khi thời tiết đang nắng nóng như hiện nay, khi người dân dần quên đi thói quen rửa tay, khử khuẩn, đeo khẩu trang so với trước đây. Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào nhưng phổ biến nhất là trẻ dưới 10 tuổi.  

Bác sĩ Tiến thông tin trên Báo Người Lao Động lý giải virus khi vào cơ thể sẽ biểu hiện qua 3 con đường.

Thứ nhất, qua da. Nếu trẻ có biểu hiện bệnh bóng nước hồng ban qua da thường là nhẹ.

Thứ 2: virus đi qua đường máu lên não sẽ gây sốt cao, giật mình.

Thứ 3: virus qua sợi dây thần kinh vận động rồi lên não khiến em bé yếu liệt chi.

Trong 1 - 2 ngày đầu nhiễm bệnh tay chân miệng trẻ em sẽ xuất hiện những nốt ban hồng có đường kính khoảng vài mm, nổi trên bề mặt da. Sau đó, các nốt ban này sẽ trở thành bóng nước.

Các vết loét phía trong miệng, trên đầu lưỡi, vòm miệng, lợi có thể bị lở loét, gây đau đớn mỗi khi nuốt. Cha mẹ cần đặc biệt chú ý để không bị nhầm lẫn với bệnh viêm loét miệng thông thường. Ngoài ra, các vết loét cũng có thể xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông hoặc cơ quan sinh dục ở trẻ.

Các biểu hiện nặng của bệnh tay chân miệng. Ảnh: Internet

Theo PGS TS-BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên - Trưởng Khoa Hồi sức nhiễm - Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM), Trưởng Bộ môn Nhi, Trường ĐH Y dược TP HCM thông tin trên Báo Người Lao Động cho hay, trẻ mắc bệnh tay chân miệng nặng khi có viêm não, màng não, tủy sống hay viêm cơ tim, màng ngoài tim, rối loạn nhịp tim. Để sớm biết trẻ bị các tổn thương nặng này, cha mẹ có thể theo dõi các biểu hiện sau.

Cụ thể: Nếu viêm não, màng não sớm trẻ sẽ có biểu hiện lừ đừ; hay kích thích, quấy khóc; bú kém; nôn ói; giật mình; chới với; run chi. Chỉ cần có một trong các dấu hiệu trên là biểu hiện thần kinh sớm.

Khi tổn thương nặng hơn sẽ có các triệu chứng trên nhiều, thường xuyên hơn hoặc kéo dài hơn. Kế đến là yếu chi, rung giật, đi loạng choạng, ngủ gà.

Nặng hơn nữa là co giật, chi vã mồ hôi, ẩm lạnh, mạch nhanh, huyết áp tăng lên, thở nhanh hơn hay có nhịp thở không đều; tri giác rối loạn trẻ lơ mơ, không còn tỉnh táo.

3 diễn tiến trên gọi là tay chân miệng nặng độ 2, 3. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ qua độ 4 (suy hô hấp, sốc, mê), nguy cơ tử vong sẽ cao.

Bên cạnh đó, trẻ sẽ có nguy cơ nặng khi dưới 5 tuổi (trước đây 3 tuổi, sau dịch COVID-19 các cháu ít tiếp xúc, không có kháng thể bảo vệ gọi là nợ miễn dịch). Trẻ sốt cao trên 38 độ hơn 2 ngày. Nếu biết bắt mạch hay có máy đo nhịp tim trên 140 lần/phút.

Khi trẻ mắc tay chân miệng, có các nguyên tắc cần biết gồm: Uống nhiều nước, sữa (có thể uống sữa lạnh vì giúp giảm đau khi có sang thương ở miệng); ăn đủ chất; uống paracetamol để giảm sốt khi trẻ sốt, giảm đau khi có sang thương ở miệng. Cùng với đó, theo dõi có các dấu hiệu nặng hơn khi bắt đầu có các biểu hiện thần kinh sớm để đưa trẻ đến cơ sở y tế.

Biện pháp phòng tránh bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ

Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, tay chân miệng ở trẻ có thể khỏi hoàn toàn mà không để lại di chứng. Tuy nhiên cha mẹ cần theo dõi, chăm sóc trẻ để phòng ngừa biến chứng bệnh tay chân miệng. Ngay khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu bất thường, cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra và xử lý.

- Thường xuyên rửa tay bằng xà bông dưới vòi nước chảy nhất là trước khi cho ăn uống, cho trẻ ăn, chế biến thức ăn, trước khi bế trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi làm vệ sinh và thay tã cho trẻ.

- Ăn uống hợp vệ sinh, ăn chín, uống sôi.

- Đảm bảo các vật dụng ăn uống phải được rửa sạch sẽ, tốt nhất nên ngâm bằng nước sôi trước khi sử dụng.

- Đảm bảo nguồn nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày.

- Không nhai, mớm thức ăn cho trẻ.

- Không để trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm đồ chơi.

- Không để trẻ dùng chung khăn tay, khăn giấy, các vật dụng ăn uống như cốc, chén, thìa, đĩa, bát, đồ chơi...

- Thường xuyên vệ sinh bề mặt các vật dụng tiếp xúc hàng ngày như dụng cụ học tập, đồ chơi, tay vịn cầu thang, tay nắm cửa, sàn nhà, mặt bàn/ghế...bằng các chất tẩy rửa thông thường.

- Cách ly trẻ với những người đang mắc bệnh hoặc nghi ngờ bị tay chân miệng.

- Trong 10 - 14 ngày đầu khi nhiễm miệng, cha mẹ cần cách ly trẻ tại nhà, không để trẻ đến trường học hay những nơi đông người. 

Lam Lam (t/h) | Theo Phụ nữ sức khỏe