Ung thư cùng với đột quỵ, thiếu máu cơ tim và bệnh phổi tắc nghẹn mạn tính là 1 trong các nguyên nhân gây tử vong hành đầu trong nhóm các bệnh lý không lây nhiễm theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới năm 2019.

My My (t/h) 15:55 13/02/2023

Tại Việt Nam hiện nay, >ung thư là căn bệnh ngày càng có xu hướng gia tăng. Theo thống kê của GLOBOCAL (tổ chức ghi nhận ung thư toàn cầu), tại Việt Nam ung thư đang có xu hướng gia tăng so với năm 2020. Tổng số người mắc và tử vong lên đến 182.563 ca và 122.690 ca.

Trong số các bệnh ung thư thì dưới đây là top 5 bệnh ung thư điển hình hay gặp nhất tại Việt Nam:

1. Ung thư gan nguyên phát

Theo thống kê của GLOBOCAL 2020, ung thư gan nguyên phát chiếm tỷ lệ hàng đầu tại Việt Nam. Đây cũng là căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất với 25.272 người.

Tiên lượng thời gian sống của bệnh ung thư gan ở giai đoạn rất sớm là 70% - 90% bệnh nhân sống trên 5 năm (điều trị bằng phẫu thuật, ghép gan, phá hủy u tại chỗ).

Tuy nhiên, nếu khối u đã lớn hơn, trong khoảng 3-6cm, tỷ lệ trên sẽ giảm còn 60%.

Còn trong trường hợp khối u lớn hơn 6cm, tỷ lệ bệnh nhân ung thư gan sống được sau 5 năm chỉ còn 10-15%.

Ung thư gan có nhiều yếu tố nguy cơ khác nhau nhưng được nhắc đến hàng đầu hiện nay là: Viêm gan virus mạn tính (B, C), bệnh lý gan do rượu, sử dụng thuốc lá, xơ gan do các nguyên nhân khác nhau, béo phì và bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, bệnh lý chuyển hóa là nhóm nguyên nhân chính gây ung thư gan tại các nước phát triển.

Ung thư gan nếu phát hiện sớm có thể điều trị khỏi hoàn toàn. Một trong những điều quan trọng nhất của dự phòng ung thư là có một lối sống lành mạnh, chế độ >dinh dưỡng khoa học và khám >sức khỏe định kỳ. Đặc biệt, với ung thư gan nguyên phát tại Việt Nam là việc theo dõi và quản lý chặt các trường hợp viêm gan virus.

Việc tầm soát ung thư gan hiện tại khuyến cáo chính chủ yếu là sử dụng kết hợp giữa khám lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh (siêu âm, chụp cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng từ) và xét nghiệm (AFP, PIVKA…).

2. Ung thư phổi

Tai các nước phát triển và tính chung trên thế giới thì ung thư phổi là căn bệnh nguy hiểm và có tỷ lệ tử vong hàng đầu hiện nay. Nó chiếm đến 20% số ca tử vong do ung thư. Tại Việt Nam ung thư phổi chỉ xếp sau ung thư gan về số lượng mắc và tử vong lên tới 26.262 ca và 23.797 ca.

Tại các nước phát triển như Hoa Kỳ, ước tính của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ vào năm 2022 có khoảng 236.740 ca ung thư phổi mới (117.910 ở nam và 118.830 ở nữ); Khoảng 130.180 ca tử vong do ung thư phổi (68.820 ở nam và 61.360 ở nữ) và phần lớn người mắc khi đã ngoài 65 tuổi.

Nguy cơ suốt đời của một người đàn ông mắc ung thư là khoảng 1/15 với nam và 1/17 với nữ cho cả 2 nhóm hút thuốc và không hút thuốc. Tuy nhiên một điều may mắn là với nhóm không hút thuốc tỷ lệ nguy cơ trên giảm đi khá nhiều và ngược lại với nhóm hút thuốc thì nguy cơ trên sẽ tăng cao.

Các yếu tố nguy cơ của ung thư phổi đã được đề cập đến như: Hút thuốc lá (kể cả chủ động hoặc thụ động), ô nhiễm không khí, tiếp xúc với các hoá chất độc hại như amiang, radon…

3. Ung thư vú

Một trong các bệnh ung thư nguy hiểm khác rất hay gặp ở phụ nữ là ung thư vú, căn bệnh ung thư phổ biến tại Việt Nam và trên thế giới.

Theo thống kê tại Hoa kỳ có Khoảng 43.250 phụ nữ tử vong vì ung thư vú và 339250 ca mắc mới. Bệnh hay gặp ở nhóm phụ nữ tuổi trung niên. Tuy nhiên, hiện nay gặp không ít phụ nữ chẩn đoán ung thư vú khi dưới 45 tuổi, thậm chí dưới 35 tuổi.

Một người phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư vú trong suốt cuộc đời của mình khoảng 13%, hay nói cách khác, cứ 8 phụ nữ trong cuộc đời của mình sẽ có 1 người có nguy cơ mắc ung thư vú.

Một số yếu tố nguy cơ của ung thư vú đã được ghi nhận như: Yếu tố gia đình, di truyền, béo phì, có kinh sớm, mãn kinh muộn, phụ nữ chưa từng có thai hoặc mang thai muộn sau tuổi 35, một tiền sử xạ trị vùng ngực cũng làm tăng nguy cơ ung thư vú.

Việc sàng lọc ung thư vú hiện nay nên được khuyến cáo là một trong các thăm khám sức khỏe định kỳ cho phụ nữ có yếu tố nguy cơ hoặc tuổi từ trên 40 tuổi.

Việc sàng lọc hiện tại là sự kết hợp của khám vú lâm sàng, chụp nhũ ảnh, chụp MRI tuyến vú. Siêu âm hiện nay cũng được coi là một công cụ trợ giúp cho sàng lọc ung thư vú.

Việc phát hiện sớm ung thư vú mang lại khả năng điều trị khỏi hoàn toàn và chất lượng cuộc sống gần như bình thường.

4. Ung thư dạ dày

Tại Việt Nam ung thư dạ dày xếp hàng thứ 4 trong số các bệnh lý ung thư hay gặp với khoảng gần 18.000 ca mới ghi nhận năm 2020.

Tại Hoa Kỳ theo dự đoán năm 2022 có khoảng 26.380 ca ung thư dạ dày mới và khoảng 11.090 ca tử vong do loại ung thư này.

Hơn 1/2 số người được chẩn đoán ung thư dạ dày tại Mỹ có tuổi từ trên 65 tuổi, nguy cơ mắc ung thư dạ dày của nam cao hơn nữ khá nhiều (1/96 so với 1/152). Một điều đáng mừng là xu hướng ung thư dạ dày tại Mỹ đang có xu hướng giảm khoảng 1,5% mỗi năm trong 10 năm qua. Các lý do được cho là do thói quen ăn uống đã thay đổi với việc hạn chế các thực phẩm hun khói và đồ muối, bên cạnh đó là tỷ lệ nhiễm H pylori giảm cũng góp phần vào giảm nguy cơ mắc ung thư dạ dày.

Các yếu tố nguy cơ của ung thư dạ dày ngoài 2 yếu tố nguy cơ đã nói trên như: nhiễm H pylori và thói quen ăn uống không khoa học, bên cạnh đó còn có các yếu tố nguy cơ như: Tuổi, giới, chủng tộc, thừa cân béo phì, sử dụng rượu bia và thuốc lá…

Các triệu chứng của ung thư dạ dày có thể biểu hiện như: Gầy sút cân, đau bụng, đầy hơi, chán ăn, đôi khi là các biểu hiện của biến chứng do ung thư gây ra như xuất huyết tiêu hóa: bệnh nhân nôn máu, đi ngoài phân đen…

Việc tầm soát ung thư dạ dày hiện này phổ biến và hiệu quả nhất vẫn sử dụng là nội soi đường tiêu hóa trên.

5. Ung thư đại trực tràng

Cùng với ung thư dạ dày là bệnh ung thư phổi biến của đường tiêu hóa trên thì ung thư đại tràng cũng là bệnh lý ung thư hay gặp tại Việt Nam. Theo thống kê Globocal năm 2020 có khoảng trên 16.000 ca mắc ung thư đại trực tràng mới, là nguyên nhân tử vong của trên 8.000 người.

Nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng tăng lên theo tuổi. Bên cạnh đó, việc sử dụng quá nhiều rượu bia, hút thuốc, béo phì bên cạnh yếu tố gia đình cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng.

Các biểu hiện của ung thư đại trực tràng thường không đặc hiệu và khi bệnh đã có biểu hiện lâm sàng thì nhiều trường hợp bệnh đã di căn và chuyển sang giai đoạn muộn. Việc sàng lọc chủ yếu dựa vào nội soi, tìm máu ẩn trong phân.

Việc tầm soát phát hiện ung thư đại trực tràng sớm sẽ giúp tăng khả năng chữa khỏi hoàn toàn. Nếu bệnh phát hiện giai đoạn sớm tỷ lệ sống trên 5 năm lên đến trên 90%.

ThS.BS Nguyễn Tiến Đồng, Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu - BV Bạch Mai

Theo Tổ quốc