Đây chỉ là một trong số ít những ví dụ được TS. BS Bùi Thanh Phúc, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật Cấp cứu Tiêu hóa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chỉ ra khi nói về tác hại của những cách giảm cân sai lầm nhiều người mắc phải.
Với sự cải thiện của chất lượng cuộc sống thì ngày càng có nhiều người gặp phải vấn đề về cân nặng của mình, thậm chí là mắc phải bệnh lý thừa cân, béo phì từ lúc nào không biết. Nhận định về thực trạng này, TS. BS Bùi Thanh Phúc, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật Cấp cứu Tiêu hóa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết thừa cân, béo phì tăng nhanh về số lượng trong 10 năm trở lại đây tại Việt Nam.
Điều này thúc đẩy mọi người tìm đến các phương pháp giảm cân khác nhau để giúp lấy lại thân hình thon gọn và sự tự tin. Trên các phương tiện truyền thông, không khó để thấy những nhân vật đã giảm cân thành công chia sẻ câu chuyện của mình, vừa là chia sẻ bí quyết, vừa là tiếp thêm động lực cho những người đang đi trên con đường tìm lại vóc dáng. Tuy nhiên, cũng có không ít các trường hợp gặp phải biến chứng nghiêm trọng do giảm cân sai cách gây ra. Đáng báo động là hiện nay, nhiều người vẫn đang "đi vào vết xe đổ" đó, giảm cân sai cách mà không ngờ đến những nguy hại không lường.
1. Dùng thuốc giảm cân kéo dài hoặc thuốc không rõ nguồn gốc
Theo BS. Phúc, thực ra thuốc giảm cân cũng là một công cụ hiệu quả trong việc điều trị béo phì. Có 2 nhóm thuốc giảm cân chính được Bộ Y tế khuyến cáo dùng là nhóm giúp giảm hấp thu và nhóm ức chế cảm giác thèm ăn. Tuy nhiên, 2 loại này đều phải có chỉ định rõ ràng của bác sĩ, người dân cần nghe theo sự tư vấn của bác sĩ, chọn chính xác loại thuốc (tránh nhầm sang các loại thực phẩm chức năng hoặc chọn dùng loại thuốc không rõ nguồn gốc) để không gây ảnh hưởng đến >sức khỏe.
Việc dùng thuốc giảm cân kéo dài hoặc thuốc không rõ nguồn gốc là "quá nguy hiểm", BS. Phúc khẳng định. "Có những bệnh nhân đến bệnh viện trong tình trạng tiêu chảy kéo dài do thiếu hụt năng lượng, vitamin một cách nghiêm trọng. Có bệnh nhân uống thuốc giảm cân không rõ nguồn gốc làm bỏng hết toàn bộ thực quản, phải cắt toàn bộ thực quản, gây tàn tật cả cuộc đời...".
2. Bỏ bữa không có kế hoạch
"Bỏ bữa là một biện pháp điều trị béo phì, nằm trong nhóm chế độ ăn. Có rất nhiều chế độ ăn như nhịn ăn cách quãng, nhịn ăn hoàn toàn, chế độ ăn keto... Việc nhịn ăn trong khoảng thời gian ngắn, khoảng 1-2 tuần có thể giúp giảm cân được".
Tuy nhiên, về lâu dài, cơ thể sẽ lại kích thích, có nhu cầu về năng lượng, thậm chí khi chúng ta bỏ bữa nhiều, cơ thể bị thiếu hụt năng lượng nghiêm trọng sẽ tiết ra một chất kích thích cảm giác thèm ăn, khiến bạn "ăn bù". Bên cạnh đó, việc bỏ bữa cũng sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt, công việc, chẳng hạn khi đi làm hoặc vận động, bạn có thể bị tụt đường huyết, hạ huyết áp... BS. Phúc nhận định.
Do đó, muốn giảm cân đúng cách, về chế độ ăn, chúng ta phải kiểm soát được lượng năng lượng đưa vào cơ thể.
3. Ăn nhiều đồ chua cay để đốt cháy mỡ thừa
Quan điểm này là hoàn toàn không chính xác. "Khi ăn nhiều đồ chua cay, hiệu quả giảm cân chưa chắc đã đạt được nhưng nó chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mình, đặc biệt là đường tiêu hóa, gây ra các bệnh như viêm loét dạ dày, trĩ...", BS. Phúc cảnh báo.
Thay vào đó, BS. Phúc khuyến khích mọi người nên chọn các loại hoa quả có nhiều chất xơ, có ít năng lượng (calo), tránh các loại hoa quả ngọt. Một số loại có thể kể đến như bưởi, táo, quả mọng...
4. Cắt bỏ hoàn toàn tinh bột
"Nếu cắt hoàn toàn tinh bột rồi chuyển sang ăn đồ mỡ thì cơ thể vẫn dư thừa năng lượng. Do đó, chúng ta chỉ nên hạn chế tinh bột, ăn một bừa ăn cân bằng, đủ cả tinh bột, chất béo và chất đạm nhưng tổng năng lượng hấp thụ vào ở trong mức năng lượng mà chúng ta đặt mục tiêu để giảm cân", BS. Phúc chia sẻ.
Để thay thế lượng tinh bột cắt giảm, BS. Phúc gợi ý mọi người nên chọn những thực phẩm ít năng lượng, giúp no lâu, không thèm ăn để nạp thêm năng lượng vào cơ thể như thực phẩm giàu chất xơ (tiêu hóa chậm hơn, làm đầy hệ tiêu hóa và ít cảm giác đói hơn) gồm các loại ngũ cốc, hạt (nguyên hạt, thô) có nhiều vitamin và chất xơ.