Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên vừa tiếp nhận ca bỏng nặng của bé 4 tuổi, các bác sĩ cho biết từ đầu năm đến nay có rất nhiều trường hợp tương tự, đa phần đến từ sự bất cẩn của người lớn.
Theo thông tin ghi nhận từ Zing News, bé V.N.Đ. (4 tuổi, huyện Krông Bông, Đắk Lắk) được điều trị tại khoa Chấn thương - Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Trước đó, bé Đ. trượt chân làm đổ nồi canh mẹ vừa nấu, làm bỏng vùng ngực và bụng.
Tương tự, bé trai 7 tháng tuổi (Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) cũng đang được điều trị tại đây nhiều ngày qua quấy khóc suốt đêm vì đau đớn, sốt cao.
Theo lời mẹ bệnh nhi, trong lúc nấu ăn, chị có nhờ các em gái trông con giùm. Tuy nhiên, trong lúc các dì bất cẩn, trẻ đã quơ tay làm đổ bình nước sôi cạnh bên dẫn đến bị bỏng nặng 2 chân.
Bác sĩ Phạm Thanh Ái, khoa Chấn thương - Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, cho biết nguyên nhân gây bỏng ở trẻ rất đa dạng. Nếu người thân quản lý, trông nom trẻ không đúng cách, tỷ lệ các bé bị bỏng rất cao.
Bên cạnh đó, đa số trẻ dưới 6 tuổi thường rất tò mò, hiếu động nên rất dễ xảy ra tai nạn, đặc biệt là tai nạn bỏng.
Từ đầu năm đến nay, khoa Chấn thương - Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên, đã tiếp nhận, điều trị gần 80 trường hợp trẻ bị bỏng do các tác nhân như nước sôi, cồn, bỏng điện... chiếm 30% số ca tai nạn thương tích hay gặp ở trẻ.
Cách sơ cấp cứu cho bé khi bị bỏng
Bé bị bỏng pô xe máy:
– Ngay lập tức, làm mát vùng da bị bỏng, bằng cách đặt vết bỏng dưới vòi nước (hoặc dội nhiều nước sạch lên vết bỏng), trong vài phút.
– Nếu có sẵn, nên bôi phủ vết bỏng bằng thuốc mỡ đặc trị để làm dịu và giúp vết bỏng mau lành.
– Băng lại bằng gạc sạch. Thoa thuốc bôi vào bông băng trước khi băng sẽ giúp bé đỡ đau hơn.
– Thay băng sau 24 giờ và sau đó mỗi 2–3 ngày. Rửa vết thương bằng nước muối, bôi thuốc mỡ đặc trị phủ kín vết bỏng và băng lại bằng gạc sạch.
– Không nên chọc vỡ bóng nước, bôi đắp các loại thuốc không rõ (vì sẽ làm chậm lành vết thương và thêm nguy cơ nhiễm trùng).
– Đưa bé đến cơ sở y tế, nếu trong quá trình chăm sóc tại nhà, có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm trùng, như da bị đỏ lên hoặc mất màu ở vùng da bình thường quanh vết bỏng, vết bỏng có mùi hôi làm bé đau hơn, vết bỏng sưng nhiều, bé sốt hoặc kèm ớn lạnh.
Bé bị bỏng lửa, nước sôi:
Khi trẻ không may bị bỏng lửa, nước sôi, cha mẹ và người thân cần nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi nguồn gây bỏng và thực hiện các bước sau:
– Làm mát vết bỏng, tránh cho da khỏi bị rộp bằng cách mở vòi nước cho chảy chầm chậm lên vết bỏng khoảng 15 – 20 phút. Nước sạch vừa có tác dụng giảm nhiệt, giảm đau, giảm phù nề, viêm nhiễm, giảm độ sâu của vết thương. Không dùng nước lạnh, nước đá (trong tủ lạnh) để làm mát da cho trẻ.
– Nhẹ nhàng tháo bỏ những vật cứng trên vùng bỏng như giầy, dép, vòng trước khi vết bỏng sưng nề.
– Che phủ vùng bỏng bằng gạc vô khuẩn. Nếu không có gạc có thể dùng vải sạch.
– An ủi trẻ, cho uống nước và đặt trẻ ở tư thế nằm.
– Nếu vết bỏng nhẹ, diện tích da bị bỏng nhỏ, tổn thương có thể tự liền nhờ quá trình biểu mô hóa, thì sau khi sơ cứu có thể điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu nặng hơn thì ngay sau khi sơ cứu cần chuyển trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ điều trị kịp thời.
Nếu quần áo trẻ bị cháy
Nếu quần áo trẻ bị bắt lửa, điều trước tiên là phải giữ yên trẻ. Bất cứ sự chuyển động nào cũng sẽ làm ngọn lửa đáng sợ hơn.
Lưu ý: Không cởi đồ bé ra. Quần áo có thể dính sát vào da, cởi quần áo sẽ càng gây tổn thương nhiều hơn.
Điều quan trọng là cần phòng tránh nguy cơ gây bỏng cho trẻ. Trẻ nhỏ vốn hiếu động, tò mò,… do đó cha mẹ cần luôn chú ý giám sát trẻ, sắp xếp đồ đạc mọi thứ quanh nhà hợp lý. Để phích nước sôi, thức ăn mới nấu, bàn là đang nóng, bật lửa,… ở nơi trẻ không sờ hoặc với tới được. Bố trí bếp và nơi nấu ăn hợp lý như để bếp lò phẳng, cao để trẻ không với tới được hoặc có vách ngăn không cho trẻ tới gần.
Khi nấu ăn luôn quay cán xoong, chảo vào phía trong. Không để trẻ nhỏ tự ăn, tự tắm vòi nước nóng lạnh, luôn kiểm tra nhiệt độ nước trước khi tắm cho trẻ. Khi bê nước nóng, thức ăn mới nấu tránh xa trẻ để không va đụng. Kiểm tra nhiệt độ của thức ăn, đồ uống trước khi cho trẻ ăn, uống. Không nên ăn thức ăn nóng khi bế trẻ nhỏ.