Bệnh cảnh rất dễ nhầm với những bệnh lý khác, như viêm dạ dày, viêm buồng trứng, viêm vòi trứng... Trong đó, "viêm buồng trứng" là khái niệm đã có sự thay đổi trong 20 năm qua.

Thiên Bảo (t/h) 15:41 17/07/2023

Theo thông tin từ Báo Tuổi Trẻ dựa trên báo cáo của bệnh viện trước đó, chị T. được chuyển viện tới khoa cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương từ một cơ sở y tế tư nhân vào chiều 11-7 với chẩn đoán theo dõi "viêm ruột thừa cấp".

Tại khoa cấp cứu, bác sĩ khoa ngoại tổng quát cũng nhận định bệnh nhân T. bị "viêm ruột thừa cấp" và thông báo cho bệnh nhân và người nhà làm thủ tục mổ cấp cứu.

Khi chị T. được phẫu thuật nội soi, bác sĩ phát hiện trong ổ bụng có mủ đục, một bên tai vòi dính vào hố chậu sưng to đang chảy mủ từ loa vòi. Sau khi tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa sản, các nhân viên y tế gọi điện cho người nhà người bệnh nhưng không thấy nghe máy và có phát loa thông báo nhưng cũng không liên lạc được.

Nhân viên y tế tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương chia sẻ tình trạng sức khỏe bệnh nhân cho người nhà (Ảnh: Hoàng Lê). Ảnh: Dân Trí

"Do không thể gây mê kéo dài nên bác sĩ đã quyết định phẫu thuật cắt một bên tai vòi để xử lý triệt để tình trạng nhiễm trùng của người bệnh. Một bên tai vòi còn lại và buồng trứng hai bên vẫn được bảo tồn. Không phải bị cắt buồng trứng như phản ánh trên mạng xã hội" - tường trình của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương trên Báo Tuổi Trẻ cho hay.

Bệnh viện cho biết sau phẫu thuật, người nhà người bệnh xác nhận điện thoại có cuộc gọi nhỡ nhưng do điện thoại để trong túi nên không nghe. Sau khi được giải thích, người nhà bệnh nhân đã không còn hiểu lầm là người bệnh bị cắt buồng trứng.

Cũng theo tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Trung, Trưởng khoa Phụ sản, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cơ sở 2, giảng viên bộ môn Sản, Đại học Y Dược TPHCM thông tin trên Báo Dân Trí cho biết, viêm ruột thừa khá phổ biến, là một trong những bệnh lý sinh viên y khoa được học nhiều nhất.

Chuyên gia lý giải, buồng trứng hiếm khi bị viêm đơn thuần mà không kèm theo viêm các cơ quan khác. Ảnh: Tuổi Trẻ

Tuy nhiên, đây là bệnh cảnh rất dễ nhầm với những bệnh lý khác, như viêm dạ dày, viêm buồng trứng, viêm vòi trứng... Trong đó, "viêm buồng trứng" là khái niệm đã có sự thay đổi trong 20 năm qua.

Trước đây, thuật ngữ "viêm tử cung phần phụ" thường được sử dụng, trong đó có sự phân chia thành viêm nội mạc tử cung, viêm tử cung toàn bộ, viêm tử cung - phần phụ, áp xe phần phụ (buồng trứng và vòi trứng)…

Cách gọi tên này dựa theo mức độ tiến triển của bệnh. Tuy nhiên theo thời gian, người ta nhận thấy việc phân loại nêu trên dễ gây nhầm lẫn trong chẩn đoán và gây khó khăn trong việc điều trị, khi các triệu chứng từng bệnh cảnh thường không điển hình.

Do đó, với những trường hợp tương tự như sự việc bệnh nhân ở Bình Dương, các hiệp hội sản phụ khoa sẽ gom lại thành tình trạng "viêm vùng chậu" nói chung.

Bác sĩ Trung phân tích, việc chẩn đoán "viêm vùng chậu" không đơn giản, dễ nhầm với viêm ruột thừa, u buồng trứng xoắn, lạc nội mạc tử cung...

Hình ảnh vùng âm đạo và tử cung của phụ nữ. Ảnh: Dân Trí

Ngay cả ở các trung tâm sản phụ khoa lớn, việc chẩn đoán phân biệt các bệnh lý này cũng không đảm bảo luôn luôn chính xác. Khi phụ nữ trong độ tuổi sinh sản xuất hiện triệu chứng đau vùng bụng dưới bên phải, có thể nghĩ đến nhiều nguyên nhân khác nhau.

Viêm ruột thừa có xác xuất xảy ra cao nhất, nên bệnh nhân sẽ được chẩn đoán ban đầu theo hướng này.

Tuy nhiên trong quá trình mổ, không ít trường hợp bác sĩ phát hiện ruột thừa không bị viêm như chẩn đoán trước đó, hoặc chỉ bị phản ứng xung huyết. Ngược lại, vùng bụng dưới của bệnh nhân lại có nhiều mủ, là dấu hiệu của viêm buồng trứng, tử cung, ống dẫn trứng…

Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ các bệnh lý đường tình dục, tình trạng nhiễm trùng âm đạo, cổ tử cung ăn lan lên trên, gây viêm nội mạc cổ tử cung. Nếu phát hiện sớm, bệnh nhân chỉ cần điều trị nội khoa, tiêm thuốc, dùng kháng sinh mạnh.

Tuy nhiên khi bệnh đã tiến triển đến viêm vùng chậu bên phải, tạo thành khối áp xe lớn khiến việc dùng kháng sinh không đáp ứng, bệnh nhân cần được mổ. Nếu không phẫu thuật kịp thời, bệnh nhân sẽ biến chứng viêm vùng chậu cả hai bên, viêm phúc mạc toàn bộ, nhiễm trùng huyết và tử vong.

Cũng theo bác sĩ, trong quá trình mổ, nếu phát hiện bệnh nhân gặp tình trạng khác với chẩn đoán ban đầu, cần ngay lập tức mời người nhà bệnh nhân lên trao đổi rõ tình hình thực tế và hướng điều trị.

 

Nếu không thể làm việc trước với người nhà, ekip điều trị cần ghi nhận lại diễn tiến mổ, kết quả chẩn đoán bằng hình ảnh, clip, bao gồm cả việc chụp ảnh vị trí viêm nhiễm, biến chứng.

Đến lúc bệnh nhân tỉnh lại và liên lạc được thân nhân, bác sĩ cần giải thích ngay việc điều trị, đi kèm với các bằng chứng cụ thể nêu trên. Khi phía người bệnh hiểu và được chia sẻ rõ ràng, việc hiểu lầm dẫn đến mâu thuẫn, bức xúc nặng nề sẽ không xảy ra.

 

Thiên Bảo (t/h) | Theo Phụ nữ sức khỏe