Theo các bác sĩ, một người đã từng nhiễm và khỏi bệnh sau khi mắc Covid-19 thì vẫn hoàn toàn có khả năng nhiễm lại, tuyệt đối không nên chủ quan.

Thư Trang (t/h) 10:20 14/09/2021

Theo Vietnamnet, trước đó, vào sáng 7/9, Sở Y tế Hà Nội công bố trường hợp ông N.T.P. (53 tuổi, ở quận Cầu Giấy) dương tính SARS-CoV-2. Đáng chú ý, đây là người có tiền sử nhiễm SARS-CoV-2 ngày 8-11-2020 tại Nga. 

Ngày 3/9, bệnh nhân đi tiêm vắc xin Covid-19 tại số 21 Trung Liệt. Đến 6/9, ông P. đưa người nhà đi khám tại một phòng khám, được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính. Hiện tại, người bệnh không có triệu chứng. Kết quả xét nghiệm, tải lượng virus SASR-CoV-2 của người đàn ông này thời điểm phát hiện dương tính rất thấp (Ct value là 36). Trước đó, ở ngõ 102 Nguyễn Đình Hoàn, nơi bệnh nhân này sinh sống, cũng đã ghi nhận trường hợp mắc Covid-19 (ca bệnh đã được công bố ngày 31-8)

Về trường hợp tái nhiễm SARS-CoV-2 này, TS.BS Phạm Lê Duy, giảng viên Trường Đại học Y dược TP.HCM chia sẻ, một người đã từng nhiễm và khỏi bệnh sau khi mắc Covid-19 thì vẫn hoàn toàn có khả năng nhiễm lại. “Thứ nhất, có thể người bệnh nhiễm một chủng khác. Thứ 2 khi họ nhiễm, lượng kháng thể trong cơ thể được tạo ra không đủ lớn để bảo vệ họ không bị nhiễm lần nữa. Các nước trên thế giới đang khuyến cáo, dù người dân đã từng mắc Covid-19 và khỏi bệnh nhưng sau khi hết bệnh, họ vẫn nêm tiêm vắc xin để đảm bảo chắc chắn bản thân được bảo vệ”, TS.BS Phạm Lê Duy nói.

TS.BS Duy nhấn mạnh dù có tiêm đầy đủ các mũi vắc xin, bạn vẫn có khả năng nhiễm SARS-CoV-2, mặc dù khả năng đó giảm đi rất nhiều và người bệnh có thể sẽ không có triệu chứng, bị nhẹ hoặc không chuyển nặng. Tuy nhiên khi họ nhiễm Covid-19, dù không triệu chứng hoặc có triệu chứng, họ vẫn có khả năng lây cho người khác. Vì vậy các tổ chức trên thế giới như WHO và CDC đều khuyến cáo người nhiễm Covid-19 đã khỏi bệnh vẫn phải đi tiêm vắc xin để tạo ra đáp ứng miễn dịch tốt cho họ.

Ảnh minh họa: Internet

 Cùng quan điểm với TS.BS Duy, BS Nguyễn Văn Chánh, Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành, cho rằng nhiều bệnh nhân đã khỏi bệnh, dù có kháng thể nhưng vẫn có thể tái nhiễm do bệnh nhân tiếp tục tiếp xúc F0, vô tình lây nhiễm virus vào cơ thể. Kháng thể chỉ có khả năng làm cho virus không xâm nhập vào cơ thể người bệnh để gây bệnh trở lại, còn bệnh nhân vẫn nhiễm virus khi bệnh nhân tiếp xúc với F0 khác. Tuy nhiên, thời gian cơ thể có thể kháng lại virus thì vẫn chưa được xác định cụ thể.

Do đó, người dân sau khi khỏi bênh vẫn phải thực hiện 5K tuyệt đối theo khuyến cáo. “Đặc biệt, bản thân người khỏi bệnh vẫn có thể trở thành đối tượng trung gian mang virus đi khắp nơi. Bởi virus SARS-CoV-2 có thể bám lên bề mặt quần áo, đồ dùng và da người… Từ đó virus tiếp tục được phát tán và có thể gây lây nhiễm cho người khác”, BS Chánh cho biết.

Cũng theo BS Chánh, F0 khỏi bệnh đi tình nguyện hỗ trợ các công việc như test nhanh sàng lọc, chăm sóc bệnh nhân Covid-19… họ vẫn mặc đồ bảo hộ cẩn thận và tuân thủ các khuyến cáo phòng chống dịch bởi nguy cơ tái nhiễm và có thể trở thành trung gian lây lan bệnh cho những người chưa từng mắc SARS-CoV-2.

Báo Người lao động dẫn thông tin thêm từ bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, kết quả của nghiên cứu "Đánh giá khả năng miễn dịch và tái nhiễm SARS-CoV-2 - SIREN" tại Anh cho thấy người đã từng mắc Covid-19 thì nguy cơ nhiễm lại virus tới giảm thấp hơn 83% so với người chưa từng nhiễm trong thời gian ít nhất là 5 tháng. Ngoài ra, một số nghiên cứu khác cũng cho thấy diễn biến bệnh và tỉ lệ diễn biến nặng ở những người tái nhiễm cũng không khác biệt so với người mới nhiễm lần đầu.

 

Thư Trang (t/h) | Theo Phụ nữ sức khỏe