Ấn Độ đang phải vật lộn với một làn sóng cúm theo mùa do vi-rút cúm A phụ H3N2 gây ra.
Tổng cộng có 3.038 trường hợp được xác nhận trong phòng thí nghiệm thuộc các phân nhóm cúm khác nhau, bao gồm cả H3N2 đã được ghi nhận ở quốc gia này cho đến ngày 9 tháng 3. Hai trường hợp tử vong đã được ghi nhận, một ở Karnataka và một ở Haryana.
Virus gây chết người như thế nào?
Các bác sĩ cho rằng virus không đe dọa đến tính mạng trong những trường hợp bình thường. "Việc nhập viện không phổ biến lắm và chỉ có khoảng 5% trường hợp được báo cáo phải nhập viện", hãng tin PTI dẫn lời Tarun Sahani, cố vấn cấp cao, khoa nội, Bệnh viện Apollo chia sẻ.
Dấu hiệu có thể bị nhiễm bệnh
Theo Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ (ICMR), ít nhất 92% bệnh nhân nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính nặng (SARI) nhập viện được phát hiện nhiễm vi-rút có biểu hiện sốt và tới 86% bị ho. Ngoài ra, 27% tiến triển đến khó thở và 16% có triệu chứng thở khò khè. 16% có dấu hiệu viêm phổi và 6% có biểu hiện co giật.
Người bị nhiễm bệnh cũng có thể gặp các vấn đề về dạ dày như đi ngoài phân lỏng và nôn mửa. Rajiv Gupta, Chuyên gia tư vấn - Nội khoa, Bệnh viện CK Birla cho biết: "Nhiều bệnh nhân vào ngày thứ 5 hoặc 6 của bệnh bắt đầu phàn nàn về tình trạng đầy tai hoặc cảm thấy như có thứ gì đó bị tắc bên trong tai. Nó phổ biến hơn ở những người trẻ tuổi".
Ai là người dễ bị tổn thương nhất?
Theo các chuyên gia, trẻ em cùng với người già là những đối tượng dễ bị nhiễm cúm theo mùa nhất, trong đó có virus H3N2. Trẻ em mắc bệnh hen suyễn, béo phì, bệnh tim, tiểu đường và hệ thống miễn dịch suy yếu có nhiều nguy cơ bị nhiễm bệnh hơn. Tuy nhiên, điều trị thích hợp có thể giúp hồi phục nhanh hơn.
Mất bao lâu để chữa lành?
Nhiễm trùng thường kéo dài khoảng năm đến bảy ngày. Cơn sốt có thể biến mất sau ba ngày. Ho có thể kéo dài hơn ngay cả trong trường hợp nhiễm trùng nhẹ. Nếu ho ngày càng nhiều và sốt tiếp tục tăng ngay cả sau ba ngày, tốt nhất bạn nên liên hệ lại với bác sĩ.
Theo Times of India