Gừng, hạt tiêu, ớt...là những loại gia vị thân thuộc trong bữa ăn hằng ngày, làm cho các món ăn trở nên hấp dẫn hơn. Nhưng ít ai biết rằng chúng cũng có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe của chúng ta.

Đan Hạ (t/h) 12:14 20/07/2022

1. Mù tạt

Mù tạt (wasabi) là một loại thực vật thuộc họ cải, chi Brassica, có xuất xứ từ các quốc gia vùng ôn đới. Loại gia vị này có vị cay nồng, có công dụng thanh nhiệt, làm ấm cơ thể, bổ ngũ tạng, tốt cho dạ dày và việc tiêu hóa thức ăn. 

Bên cạnh đó, vị cay của mù tạt có thể kích thích tuyến nước bọt và dịch vị dạ dày, tăng cường cảm giác thèm ăn. Ngoài ra, loại gia vị này cũng có chức năng giải độc nên thường được dùng  để ăn kèm với thực phẩm tươi sống. Wasabi cũng được biết đến là giàu chất chống oxy hóa isothiocyanates, có thể làm giảm nguy cơ ung thư bạch cầu, ung thư dạ dày, ung thư vú... rất hiệu quả.

2. Gừng

Gừng có vị thơm, cay và là vị thuốc tốt cho dạ dày, có công dụng thanh nhiệt, làm ra mồ hôi, giảm nôn mửa, giải độc, làm ấm phổi, giảm ho.Gừng cũng được coi là một loại thuốc tuyệt vời để điều trị ung thư bởi chúng có đặc tính chống viêm và chất chống ôxy hóa mạnh mẽ.

Một số hợp chất trong gừng có thể làm giảm hoạt động của tế bào gây thay đổi DNA, hình thành khối u, làm tăng độ nhạy của khối u với các phương pháp điều trị như hóa trị và xạ trị. Ngoài ra, trong gừng còn có chất shogaol giúp chống lại các tế bào gốc ung thư nhưng lại vô hại với các tế bào khỏe mạnh.

3. Giấm

Giấm chứa 0,4% đến 0,6% axit axetic, có thể ức chế sự phát triển và sinh sản của các mầm bệnh khác nhau ở một mức độ nhất định. Do đó, khi mắc các bệnh do vi khuẩn và virus gây ra, người ta có thể cho một lượng giấm thích hợp vào các món ăn, điều này không những có thể làm tăng cảm giác ngon miệng mà còn giúp ức chế vi khuẩn.

4. Hoa hồi

Hoa hồi là một loại gia vị không thể thiếu trong việc chế biến các món hầm, kho. Quả và hạt của hoa hồi có thể được dùng làm gia vị và làm thuốc. Theo y học cổ truyền Trung Quốc, hoa hồi có mùi thơm nồng có thể xua đuổi côn trùng, điều hòa khí huyết, tốt cho dạ dày và kích thích thần kinh.

5. Rau mùi

Y học Trung Quốc cho rằng rau mùi có vị cay nồng, tính ấm, tốt cho kinh phổi và tỳ vị. Ăn rau mùi có tác dụng làm ra mồ hôi nhanh và giảm mẩn ngứa. Ngoài ra, mùi thơm của loại rau này còn có thể kích thích vị giác, tăng cảm giác thèm ăn, điều hòa nhu động dạ dày, cải thiện tiêu hóa.

6. Hạt tiêu

Theo y học cổ truyền, hạt tiêu có vị cay nồng, có tác dụng trừ hàn, kháng khuẩn, giảm đau, trừ đàm. Cho nên được sử dụng để điều trị các chứng đau bụng do lạnh, tiêu chảy, tay chân lạnh, nôn ói, ho do lạnh... Đây cũng là loại gia vị quen thuộc có tác dụng trên hệ tiêu hóa: tăng cường hấp thu các chất >dinh dưỡng trong thức ăn, giúp hạn chế tình trạng chán ăn, ăn không tiêu, chướng bụng, đầy hơi, khó chịu dạ dày.

7. Ớt

Capsaicin có trong ớt là một chất chống oxy hóa giúp ngăn chặn các tế bào ung thư phát triển và tiêu diệt các tế bào ung thư. Không những thế, vị cay của ớt có thể kích thích tuyến nước bọt và dịch vị, làm tăng cảm giác thèm ăn, thúc đẩy nhu động ruột và giúp tiêu hóa tốt.

8. Vỏ quýt

Y học cổ truyền Trung Quốc cho rằng vỏ quýt có vị cay, tính ấm, hơi đắng, mùi thơm, tác dụng thông kinh tỳ, ích phổi. Không chỉ vậy, loại vỏ này còn giàu chất chống oxy hóa mạnh giúp cơ thể giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, tránh thiệt hại gây ra bởi bức xạ. Hàm lượng vitamin C cao có trong vỏ quýt cũng giúp cải thiện hoạt động của chất chống oxy hóa trong cơ thể.

Ngoài ra, vỏ quýt cũng chứa nhiều tinh dầu, có mùi thơm sẽ nhẹ nhàng kích thích đường tiêu hóa, từ đó tăng cường cảm giác thèm ăn. Dùng vỏ cam, quýt ngâm nước để giảm ho, giải đờm cũng rất hiệu quả. Đặc biệt đối với những người có thể chất đờm ẩm, thường xuyên bị ho và có đờm, nên uống nước vỏ cam, quýt để có thể điều hòa khí và kiện tỳ vị, giải đờm và giảm ho, có lợi cho >sức khỏe.

Theo Ánh Lê/Tổ Quốc