Hầu hết các bệnh lý mạn tính, người bệnh không nên tự ý áp dụng các thực đơn dinh dưỡng tùy ý hoặc từ các nguồn thông tin không chính thống. Hãy tham khảo ý kiến Bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để có chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp để tình trạng bệnh được cải thiện và duy trì tốt kết quả điều trị.
Người bệnh bị >bệnh thận mãn tính (CKD) thường lo lắng nhất về việc thận của họ bị suy và sợ phải lọc máu. Trong số người lớn trên 65 tuổi, sự hiện diện của >bệnh thận mạn có liên quan đến tỷ lệ mắc bệnh tim mạch cao gấp 2 lần. Ngoài ra, sự hiện diện của bệnh thận mạn làm giảm khả năng sống sót chung sau cơn đau tim hoặc đột quỵ.
Vì vậy, nguy cơ mắc bệnh tim mạch quá mức đi kèm với bệnh thận mạn thực sự là nguyên nhân chính gây ra bệnh tật và tử vong. Mặc dù các yếu tố di truyền là nguyên nhân suy thận xảy ra trước 50 tuổi, nhưng hiện tại, người ta ước tính rằng >24% trường hợp CKD ở các nước công nghiệp phát triển có thể là do yếu tố >dinh dưỡng. Tại Mỹ, bệnh tiểu đường và tăng huyết áp chiếm ít nhất 70% tổng số trường hợp suy thận.
BS CKII. Nguyễn Thị Diễm Hương, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - Cơ sở 3 tư vấn dinh dưỡng đúng cách cho người bệnh thận mạn.
- Khẩu phần chỉ nên chứa dưới 2300 mg natri mỗi ngày (tương ứng với 1 muỗng cà phê gạt muối).
- Nên mua các thực phẩm tươi vì thực phẩm đóng gói thường được bổ sung muối.
- Không thêm muối khi nấu nướng, khi ăn
- Không sử dụng các loại gia vị, rau quả chứa muối
- Kiểm tra lượng muối ghi trong thành phần của thực phẩm đóng gói. Lượng muối ≥20%/ngày có nghĩa thức ăn có hàm lượng muối cao.
- Rửa với nước các loại rau củ, đậu, cá đóng hộp trước khi ăn hoặc chế biến.
Chất đạm: Việc tiêu thụ một lượng lớn protein động vật có thể dẫn đến mất thêm nephron do tổn thương mao mạch cầu thận. Chế độ ăn giàu nguồn protein như thịt nấu ở nhiệt độ cao chứa lượng lớn sản phẩm glycat hóa cuối cùng (AGEs) là những aldehyd có tính phản ứng cao có thể liên kết với các thụ thể hoặc liên kết với protein ở thành tế bào và làm thay đổi cấu trúc tế bào và chức năng, dẫn đến chết tế bào.
Ăn đúng lượng và loại đạm sẽ giúp bảo vệ thận, làm chậm tiến triển bệnh thận
- Dùng lượng đạm đúng cách, nếu quá nhiều có thể ảnh hưởng bất lợi trên chức năng thận, nhưng nếu quá ít sẽ gây suy dinh dưỡng, gây teo cơ bắp, nội tạng, và suy sụp >sức khỏe.
- Đạm có thể có nguồn gốc động vật (như thịt, cá, sữa, trứng) hoặc nguồn gốc thực vật (như các loại đậu, hạt, củ,…).
- Loại đạm sử dụng cần chứa nhiều các acid amin thiết yếu ( rất cần cho cơ thể nhưng cơ thể lại không tạo ra được, nên bắt buộc phải cung cấp từ thức ăn). Đạm động vật, sữa có chứa đủ và nhiều acid amin thiết yếu nhiều hơn đạm thực vật nhưng đạm động vật loại trừ cá lại chứa nhiều phospho và mỡ bão hòa không tốt cho thận và tim.
- Mỗi loại đậu, hạt, trái cây thường không chứa các loại acid thiết yếu, nhưng lại chứa nhiều chất mỡ có ích cho cơ thể, nên cần kết hợp nhiều loại đạm thực vật trong ngày. Nhưng vẫn cần thận trọng khi bệnh thận đã ở giai đoạn tiến triển vì chứa nhiều kali.
- Lượng đạm cho phép mỗi ngày đối với người bệnh thận chưa lọc máu là 0.8 gram đạm/kg cân nặng. Ví dụ: người nặng 50kg, lượng đạm cho phép hằng ngày: 0.8 x 50= 40 gram đạm/ngày.
- Đối với người đang lọc máu định kỳ, lượng đạm cần thiết mỗi ngày là 1.2 gram/kg cân nặng để bồi hoàn lượng đạm bị mất đi trong khi lọc máu.
- Lượng đạm trung bình chứa trong 100 gram thịt, cá là 16-20g. Như vật, người 50kg có thể dùng khoảng 200g thịt, cá mỗi ngày.
- Trên thị trường có một số loại sữa hoặc dược phẩm cho bệnh thận, có thể dùng lượng để bổ sung các acid amin thiết yếu nhưng cần xem kỹ công thức để biết các loại, hàm lượng các acid amin thiết yếu, chất béo, phosphor, kali... chứa bên trong hoặc tham vấn ý kiến bác sĩ…
- Tránh các thức ăn cháy khét.
- Dùng các loại dầu thực vật nhất là dầu đậu nành, ô liu trong chiên xào. Tránh dùng mỡ động vật.
- Loại bỏ mỡ, da khi dùng các loại thịt (bò, heo, gà, vịt...)
- Các loại thực phẩm tốt cho tim: cá, đậu, hạt, rau củ, thịt nạc, sữa chua, sữa ít/không chất béo.
- Nhiều thức ăn đóng gói kể cả sữa chứa nhiều phospho, cần xem nhãn công thức các thành phần chứa trong thực phẩm, “PHOS” là viết tắt của phospho có trong các sản phẩm nhập từ nước ngoài hay trong nước.
- Thức ăn chứa ít phospho: rau, trái cây tươi, bánh mì, mì, gạo, ngũ cốc
- Thức ăn chứa nhiều phospho cần hạn chế: thịt, gia cầm, cá, sữa, đậu, hạt...
- Các chất thay thế muối có thể chứa lượng kali cao
- Thức ăn chứa ít kali: táo, đào, cà rốt, đậu xanh, bánh mì trắng, mì, gạo trắng, gạo nấu chín, ngũ cốc.
- Thức ăn chứa nhiều kali: cam, chuối, khoai, cà chua, gạo lứt, sữa.
- Chế độ ăn DASH là một phương pháp ăn uống khoa học dành cho những người muốn phòng ngừa hoặc đang điều trị tăng huyết áp, giảm thiểu rủi ro các bệnh lý tim mạch. Đây cũng được xem là chế độ ăn kiêng phù hợp cho người bệnh suy thận, với các bệnh lý liên quan.
Chế độ ăn có nhiều trái cây, rau quả, các sản phẩm từ sữa ít béo và ít protein động vật điều này có thể giảm thiểu khối lượng công việc của từng nephron và làm chậm quá trình mất chức năng thận.
Người bệnh suy thận không nên uống quá nhiều nước. Bởi do thận bị tổn thương không thể thải thêm chất lỏng ra ngoài như bình thường. Quá nhiều chất lỏng trong cơ thể có thể gây nguy hiểm, khó kiểm soát huyết áp, phù và suy tim.
Tùy thuộc vào giai đoạn bệnh thận và cách điều trị, bác sĩ có thể yêu cầu hạn chế uống nước hoặc cắt giảm lượng nước uống vào mỗi ngày. Nên uống nước từng ngụm, từng cốc nhỏ để kiểm soát tốt được lượng nước nạp vào cơ thể.
Tóm lại, tùy theo giai đoạn của suy thận, độ tuổi của bệnh nhân mà có chế độ dinh dưỡng phù hợp. Những gì bạn ăn uống sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ. Kiểm soát huyết áp và bệnh tiểu đường tốt có thể giúp ngăn ngừa bệnh suy thận tiến triển nặng hơn. Người bệnh nên nghỉ ngơi, kết hợp tập luyện nhẹ nhàng, hợp lý để tránh mất sức và ngủ đủ giấc, thói quen sinh hoạt tốt sẽ hỗ trợ rất nhiều cho quá trình điều trị bệnh suy thận.