Trong giai đoạn bình thường mới, việc vô tình trở thành F0 là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Khi đã là F0 thì nên chuẩn bị 6 vật dụng này nếu được cho cách ly điều trị tại nhà...

Anniethu (t/h) 11:15 18/02/2022

1. Nhiệt kế

Bạn nên chuẩn bị hai chiếc nhiệt kế, một chiếc dùng cho người bị nhiễm và chiếc còn lại dành cho người khác. Luôn đo thân nhiệt của người bị nhiễm ít nhất hai lần một ngày vào buổi sáng và buổi chiều khi có các dấu hiệu bất thường, đồng thời ghi vào sổ theo dõi >sức khỏe hàng ngày.

Cách dùng nhiệt kế đúng: Đầu tiên, rửa tay thật kỹ bằng xà phòng hoặc dùng nước rửa trong ít nhất 20 giây và lau khô. Tiếp theo, sát trùng nhiệt kế bằng gạc tẩm cồn 70 độ trước và sau mỗi lần dùng. Đối với nhiệt kế thủy ngân, bạn phải vẩy xuôi nhiệt kế vài lần để mực thủy ngân xuống dưới 36,5 độ trước đo. Sau đó, làm theo hướng dẫn đi kèm nhiệt kế điện tử để đọc giá trị nhiệt độ. Cuối cùng, rửa tay sạch và sát khuẩn nhiệt kế cặp rồi cất lại ở nơi an toàn.

"Nếu bị sốt lớn hơn 38 độ C hoặc hạ thân nhiệt dưới 36 độ C, cần liên hệ ngay với y tế". Ảnh minh họa: internet

2. Máy đo SpO2

Đầu tiên, bạn kiểm tra xem máy còn pin hay không. Nếu hết pin thì cần thay pin mới hoặc sạc pin tùy loại máy. Sau đó, mở kẹp, đặt ngón tay vào khe kẹp sao cho đầu ngón tay chạm vào điểm tận cùng của máy. Lưu ý không được sơn móng tay, không sử dụng móng tay giả, đảm bảo móng tay không quá dài để đầu ngón tay có thể che kín bộ phận cảm biến trong khi khe kẹp.

Tiếp theo nhấn nút nguồn để khởi động máy, không cử động tay hay ngón tay sau. Kết quả sẽ hiển thị ngay trên màn hình sau vài giây. Sau đó, rút tay ra, máy tự tắt. Lưu ý vệ sinh tay và máy sau khi đo.

Nhịp mạch sẽ hiển thị dưới dạng số ở vị trí hình trái tim hoặc vị trí ghi chữ PR. Đơn vị đo là lần/ phút; phạm vi đo là 0-254 lần/ phút; giá trị bình thường là 60-100 lần/ phút đối với người lớn khi nghỉ ngơi.

SpO2 sẽ hiển thị dưới dạng số ở vị trí ghi chữ SpO2, đơn vị đo là tỷ lệ phần trăm và phạm vi là từ 0-100%. Giá trị bình thường từ 94-100%. Sai số khi đo thì có thể dao động đến 2%.

Ảnh minh họa: internet

3. Máy đo huyết áp

Khi đo chúng ta sẽ phải kiểm tra xem pin đã lắp đúng vị trí hay chưa. Sau đó, quấn vòng bít vào bắp tay. Khi quấn, mép dưới của vòng bít cách khuỷu tay từ 2-3 cm. Vạch đầu của vòng bít phải để cùng hướng với mạch máu, vòng sắt không được để phía trên mạch máu rồi kéo nhẹ cho đầu vòng bít đi qua vòng sắt quanh bắp tay, siết chặt vòng bít bằng khóa dán với lực vừa phải.

Không nên kéo vòng bít quá chặt, khoảng hở giữa cánh tay và vòng bít nên vừa hai ngón tay. Sau đó, nhấn nút start, vòng bít sẽ tự động được bơm hơi vào đúng áp suất đo và xả hơi khi đo xong. Đọc kết quả trên màn hình.

Nên dùng thiết bị đo bắp tay để có chỉ số gần chính xác nhất. Ảnh minh họa: internet

4. Điện thoại hoặc máy tính

Khi điều trị tại nhà, các F0 cần lưu số điện thoại đường dây nóng phòng, chống dịch; nhân viên y tế được phân công hỗ trợ theo dõi sức khỏe. Thống nhất với cả gia đình về vùng không gian dành riêng cho người nhiễm.

Đồng thời, người bệnh chuẩn bị các vật dụng tối thiểu như: Khẩu trang y tế dùng 1 lần; găng tay y tế sạch; dung dịch sát khuẩn tay/xà phòng; dụng cụ cá nhân: bàn chải đánh răng, khăn tắm, khăn mặt, chậu tắm - giặt, bộ đồ dùng ăn uống, xà phòng (tắm, giặt), máy giặt (nếu có), dụng cụ phơi, sấy trang phục cá nhân.

5. Thùng rác thải y tế

Thùng đựng chất thải lây nhiễm có nắp đậy và các túi nilon màu vàng để lót bên trong thùng. Trong nhà, phòng của người bệnh cũng cần khăn lau khử trùng, xà phòng, giấy vệ sinh, khăn mặt… Các giọt bắn chứa virus khi ho, hắt hơi, khạc nhổ là nguyên nhân chính khiến SARS-CoV-2 lây từ người này sang người khác. Do đó, mỗi khi ho, hắt hơi, bạn nên dùng khăn giấy để che miệng, mũi và bỏ vào thùng rác riêng biệt, đậy nắp kín.

6. Túi thuốc điều trị tại nhà

Bộ y tế cho biết, túi thuốc phát cho F0 được điều trị tại nhà bao gồm 3 gói A, B, C.

- Nhóm A: Bao gồm những thuốc thông dụng, như: Thuốc hạ sốt paracetamol, thuốc nâng cao thể trạng (vitamin C, vitamin tổng hợp...).

Lưu ý, không sử dụng các thuốc nhóm B cho phụ nữ có thai và phụ nữ đang cho con bú, người có mắc một trong những bệnh như: Viêm loét dạ dày tá tràng, suy gan, suy thận, các bệnh lý dễ gây chảy máu đường tiêu hóa, đường tiết niệu và các bệnh lý dễ gây chảy máu khác.

- Nhóm B: Gồm các thuốc kháng viêm có chứa corticoid và thuốc chống đông, đủ dùng trong 3 ngày. Thuốc chỉ sử dụng trong tình huống đặc biệt.

- Nhóm C: Bao gồm các thuốc kháng virus molnupiravir viên 200mg hoặc viên 400mg; hoặc favipiravir viên 200mg.Gói thuốc C có lượng thuốc đủ dùng trong 5 ngày.

Không dùng nhóm thuốc C cho phụ nữ mang thai hoặc có kế hoạch có thai, phụ nữ đang cho con bú.

Sở Y tế cũng lưu ý, F0 tại nhà cần có người thân chăm sóc. "Đối tượng F0 không được tự ý rời phòng cách ly trong suốt thời gian cách ly. Đồng thời, họ không sử dụng chung vật dụng với người khác; không ăn uống cùng người khác; không tiếp xúc gần với người khác hoặc vật nuôi. Trường hợp cần có người chăm sóc, người chăm sóc phải đeo khẩu trang, kính chắn giọt bắn, vệ sinh tay trước và khi chăm sóc”.

Anniethu (t/h) | Theo Phụ nữ sức khỏe