Bác sĩ CKII Trần Thị Minh Hằng - Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI tư vấn chế độ ăn uống và sinh hoạt cho người bệnh gout.
Theo BS Hằng, để điều trị >bệnh gout tại nhà mà không cần dùng thuốc, người bệnh cần chú ý những thay đổi về chế độ ăn uống và sinh hoạt như sau.
Đầu tiên, đối với bệnh nhân bị gout, cần chú ý đến việc điều chỉnh chế độ ăn uống sao cho phù hợp, cụ thể:
- Người bệnh tránh ăn những loại thực phẩm chứa nhiều purin như thịt đỏ, nội tạng động vật, tôm, cá… Thay vào đó, người bệnh gout nên ăn nhiều hoa quả và rau xanh. Người bệnh gout vẫn có thể ăn trứng và thịt, lưu ý không quá 150g/ngày.
- Ngoài ra, cần kiêng sử dụng rượu bia và những loại đồ uống chứa cồn.
Bên cạnh đó, chế độ sinh hoạt hằng ngày cũng cần thay đổi, người bệnh cần chú ý:
- Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao và uống đủ nước (2 đến 2,5 lít/ngày tùy nhu cầu mỗi người).
- Nghỉ ngơi và hạn chế vận động khi cơn gout cấp xuất hiện, gây đau khớp nghiêm trọng. Người bệnh nên dành thời gian nghỉ ngơi, tạm ngừng mọi hoạt động nhằm đảm bảo khớp không viêm nặng hơn.
- Tái khám đúng theo lịch hẹn của bác sĩ. Khi thăm khám, người bệnh nên trao đổi kỹ với bác sĩ về những triệu chứng gặp phải, tần suất của các cơn gout cấp. Từ đó bác sĩ sẽ tư vấn cách chăm sóc >sức khỏe phù hợp cho người bệnh.
BS Hằng cũng lưu ý, trong trường hợp bệnh nặng hoặc xuất hiện các cơn gout cấp tính, người bệnh nên sử dụng thuốc để kiểm soát được bệnh.
Bệnh có thể được điều trị bằng nhiều loại thuốc, gồm những thuốc chống viêm không steroid dạng uống, corticoid tiêm trực tiếp vào khớp. Thuốc sẽ giúp giảm bớt tình trạng sưng tấy khó chịu do gout và giảm đau hiệu quả.
Để phòng bệnh gout từ sớm thì ngoài việc chú ý đến chế độ sinh hoạt và ăn uống, mọi người nên định kỳ đi kiểm tra sức khỏe. Điều này giúp sớm phát hiện các dấu hiệu bất thường cảnh báo bệnh, kịp thời điều trị để tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.