Một số loại ung thư ở giai đoạn đầu không có triệu chứng hoặc các triệu chứng không rõ ràng, dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác. Nếu không được chẩn đoán đúng có thể sẽ bỏ lỡ mất giai đoạn vàng trong chữa trị bệnh.
Hàng ngày, cơ thể chúng ta liên tục sản xuất ra các tế bào để nuôi dưỡng sự sống, thay thế những tế bào đã chết, hoặc hàn gắn lại những tế bào bị tổn thương sau chấn thương. Các gen làm nhiệm vụ kiểm soát quá trình này và chính việc gây tổn hại những gen này dẫn đến các bệnh >ung thư.
Căn >bệnh ung thư ảnh hưởng tới hạnh phúc của hàng ngàn hàng vạn gia đình, nó là gánh nặng cả về tâm lý và tài chính. Nếu được chẩn đoán sớm và can thiệp kịp thời, bệnh nhân ung thư sẽ có cơ hội kéo dài tuổi thọ. Nhưng phần lớn các căn bệnh ung thư đều không có triệu chứng rõ ràng, rất dễ nhầm lẫn nếu chỉ thông qua chẩn đoán lâm sàng, đặc biệt là 4 loại ung thư sau đây.
1. Ung thư dạ dày và loét dạ dày
Ung thư dạ dày là tình trạng các tế bào trong dạ dày phát triển bất thường, mất kiểm soát dẫn đến hình thành các khối u. Khi bệnh tiến triển nặng, khối u ác tính có thể lan rộng ra xung quanh và di căn đến nhiều cơ quan khác, gây nhiều tác động xấu đến >sức khỏe, thậm chí là tử vong.
Loét dạ dày là vết loét gây tổn thương xuất hiện ở niêm mạc dạ dày xảy ra khi lớp chất nhầy bảo vệ dạ dày khỏi dịch axit tiêu hóa bị giảm. Điều này khiến các axit tiêu hóa ăn mòn các mô lót dạ dày, gây loét.
Giai đoạn đầu của bệnh ung thư dạ dày có thể không xuất hiện triệu chứng hoặc có một số biểu hiện nhưng thường không rõ ràng, các triệu chứng chớm phát của ung thư dạ dày gần như giống hệt so với loét dạ dày. Triệu chứng thường gặp gồm có:
1. Cơn đau bụng xuất hiện từng đợt, ngày càng trầm trọng và không thuyên giảm dù đã dùng thuốc.
2. Chán ăn, khó nuốt, ợ nóng, buồn nôn.
3. Đại tiện phân đen hoặc phân lẫn máu.
4. Sút cân nhanh chóng.
Tuy nhiên, chúng ta cần phân biệt rõ rằng:
- Loét dạ dày thường xảy ra ở những người trẻ tuổi và nguyên nhân chủ yếu có liên quan mật thiết đến việc ăn uống hằng ngày. Thông thường tình trạng sẽ tái phát một cách thường xuyên và có thể kéo dài vài năm nhưng có thể chữa khỏi hoàn toàn.
- Còn ung thư dạ dày chủ yếu xảy ra ở độ tuổi trung niên và người già, đau bụng trên chỉ là một trong những dấu hiệu sớm nhất của căn bệnh này. Sau đó tình trạng đau bụng này sẽ ngày một nặng hơn, bệnh phát triển nhanh và quá trình bệnh diễn ra trong một thời gian ngắn.
Nếu bạn từng bị loét dạ dày và phát hiện khoảng thời gian gần đây tình trạng đau bụng thường xuyên xuất hiện với mức độ nghiêm trọng hơn thì cần cảnh giác với những biến đổi ác tính trong căn bệnh loét dạ dày. Khi đó bạn nên đến bệnh viện làm các xét nghiệm sinh thiết và nội soi dạ dày để được chẩn đoán kịp thời.
2. Ung thư trực tràng và trĩ
Bệnh trĩ là căn bệnh gây ra bởi sự giãn nở quá mức bởi các đám rối tĩnh mạch trĩ. Sự giãn nở này làm hình thành các búi trĩ, theo thời gian, các búi trĩ phát triển với kích thước lớn dần và lòi ra bên ngoài hậu môn hình thành nên bệnh trĩ.
Ung thư trực tràng là bệnh ung thư bắt đầu từ phần ruột già gây nên bởi sự phát triển bất thường của các tế bào có khả năng xâm lấn hoặc lan rộng ra các tế bào khỏe mạnh khác trong bộ phận của cơ thể. Bệnh cũng có thể là kết quả biến chứng của nhiều loại bệnh khác khi không được điều trị triệt để.
Bệnh ung thư trực tràng và trĩ đều bắt đầu hình thành ở khu vực trực tràng và làm ảnh hưởng đến vùng hậu môn và thường có cùng triệu chứng đó là đi ngoài ra máu, có rất nhiều bệnh nhân khi xuất hiện tình trạng đi ngoài ra máu sẽ cho rằng mình bị trĩ và không mấy chú ý đến nó.
Tuy nhiên, người bệnh cần phân biệt rõ máu xuất hiện trong phân của người bị bệnh trĩ là máu bám trên bề mặt phân và không hòa trộn chung với phân, chủ yếu có màu đỏ tươi, không có chất nhầy. Còn máu của bệnh nhân ung thư trực tràng được trộn lẫn với phân, có màu đỏ sẫm hoặc màu đen, phân có mủ và chất nhầy.
Người bị ung thư trực tràng thường xảy ra sự thay đổi về thói quen đại tiện, có thể đi đại tiện ra phân thay đổi hình dạng hoặc không có hình dạng.
3. Ung thư vú và u xơ tuyến vú
Một triệu chứng phổ biến của cả hai căn bệnh ung thư vú và u xơ tuyến vú đó chính là sự xuất hiện của một khối u không đau tại vú. Bệnh u xơ tuyến vú thường xảy ra ở các phụ nữ trẻ, khối u có dạng hình bầu dục hoặc hình tròn rắn nằm ở một hay nhiều vị trí trong tuyến vú, có viền rõ ràng và không có độ bám dính, nhiều bệnh nhân thường có cảm giác đau tức hoặc tự sờ thấy u. Khối u này thường có tính hoạt động tốt và có tốc độ phát triển chậm.
Bệnh ung thư vú thường xảy ra ở phụ nữ tuổi trung niên, khối u thường cứng và có viền không rõ ràng, có tính hoạt động kém, tốc độ phát triển nhanh. Đa số các trường hợp ung thư vú bắt đầu từ các ống dẫn sữa, một phần nhỏ phát triển ở túi sữa hoặc các tiểu thùy. Ung thư vú nếu phát hiện và điều trị muộn có thể đã di căn vào xương và các bộ phận khác, đau đớn sẽ càng nhân lên.
Hiện nay có các phương pháp giúp chẩn đoán u xơ tuyến vú bao gồm siêu âm, có độ nhạy cao do mô vú người trẻ khá đặc, dễ phát hiện trên siêu âm Doppler màu. Chụp mammography được chỉ định (đối với người trẻ) trong một số trường hợp nghi ung thư vú hoặc có nguy cơ cao đối với ung thư vú (tiền sử gia đình có gen ung thư vú). Các xét nghiệm sinh thiết giúp xác định bản chất tế bào học của khối u.
Để đảm bảo sức khoẻ, chị em phụ nữ nên đi khám định kỳ vú hàng năm để sớm phát hiện các khối u, khối xơ ở vú.
4. U não và bệnh mạch máu não
Hầu hết những người cao tuổi đều bị mắc các bệnh về mạch máu não như xuất huyết não hoặc nhồi máu não, triệu chứng của những căn bệnh này khá giống với bệnh u não. Người bệnh thường xuất hiện nhiều thay đổi về tính cách, hành vi, cảm giác toàn thân không có sức lực, đau đầu, chức năng nuốt gặp trở ngại, thường xuyên nôn mửa…
Các triệu chứng này sẽ dần trở nên nghiêm trọng hơn. Bệnh u não và mạch máu não có thể được xác định và phân biệt nhờ phương pháp chụp cộng hưởng từ (chụp MRI).
Người bệnh thường xuất hiện nhiều thay đổi về tính cách, hành vi, cảm giác toàn thân không có sức lực, đau đầu, chức năng nuốt gặp trở ngại, thường xuyên nôn mửa…
4 loại ung thư phía trên thường rất dễ bị nhầm lẫn, nếu bạn không thể tự mình phân biệt, cách tốt nhất là đến bệnh viện để được chẩn đoán chính xác nhất. Chúng ta nên thường xuyên chú ý đến những thay đổi bất thường trên cơ thể chẳng hạn như những khối u không rõ nguyên nhân, những vết bầm tím không rõ lý do hoặc các biểu hiện suy nhược cơ thể, sút cân đột ngột, sốt…cần tới bệnh viện khám để loại trừ khả năng gây ung thư nguy hiểm đến tính mạng.
Ngoài ra, bạn cũng nên khắc phục những thói quen sinh hoạt không lành mạnh, tập thể dục nhiều hơn để cải thiện sức đề kháng, tăng khả năng miễn dịch cho cơ thể và cũng nên thường xuyên thực hiện các xét nghiệm sàng lọc những căn bệnh ung thư có nguy cơ cao.