Chúng ta không nên bất cẩn với tình trạng viêm nhiễm, và cần phải đề cao cảnh giác. Đặc biệt, 5 loại viêm này có liên quan mật thiết đến bệnh ung thư, nếu phát hiện ra bệnh thì tốt nhất bạn nên điều trị càng sớm càng tốt.
Nói đến viêm nhiễm chắc hẳn ai cũng thấy rất quen thuộc, có thể đưa ra một hoặc hai ví dụ ngẫu nhiên như viêm họng, nhiễm trùng vết mổ, viêm đường tiêu hóa...
Vì quá phổ biến nên nhiều người có ấn tượng rằng nó là một vấn đề nhỏ, không quá nguy hiểm. Nhưng bạn có biết rằng, nếu cơ thể ở trong tình trạng “viêm nhiễm” một thời gian dài, rất có thể sẽ mang đến những căn bệnh nguy hiểm như >ung thư.
Theo thống kê liên quan, 1/6 số ca ung thư trên thế giới đều xuất phát từ nhiễm vi khuẩn hoặc vi rút. Trong đó, nhiễm trùng chính là thứ mà nhiều người gọi là "viêm". Đồng thời, tình trạng viêm nhiễm mãn tính là một trong những điều kiện giúp tế bào ung thư di căn.
Vì vậy, chúng ta không nên bất cẩn với tình trạng viêm nhiễm, và cần phải đề cao cảnh giác. Đặc biệt, 5 loại viêm này có liên quan mật thiết đến bệnh ung thư, nếu phát hiện ra bệnh thì tốt nhất bạn nên điều trị càng sớm càng tốt.
5 vị trí bị viêm có thể dẫn đến ung thư
1. Viêm gan: Ung thư gan
Theo tờ Cancer của Mỹ, yếu tố nguy cơ phổ biến nhất của ung thư gan là nhiễm vi rút viêm gan B (HBV) hoặc vi rút viêm gan C (HCV) mãn tính. Những bệnh nhiễm trùng này dẫn đến xơ gan và là nguyên nhân làm cho ung thư gan trở thành bệnh ung thư phổ biến nhất ở nhiều nơi trên thế giới.
Các cuộc điều tra liên quan đã chỉ ra rằng hơn 90% bệnh nhân ung thư gan được chẩn đoán có tiền sử mắc bệnh viêm gan B, ngoài ra, 5% -8% bị viêm gan C, và số còn lại liên quan đến việc uống nhiều rượu bia lâu ngày, gan nhiễm mỡ và bệnh gan tự miễn gây ra xơ gan.
Nếu bệnh viêm gan cấp tính được phát hiện và không được khắc phục kịp thời, lâu dần có thể phát triển thành viêm gan mãn tính, sau đó là xơ gan, ung thư gan. Vì vậy, những người có tiền sử viêm gan B, nghiện rượu, gan nhiễm mỡ và các bệnh gan khác nên thường xuyên siêu âm gan và kiểm tra alpha-fetoprotein huyết thanh để tránh ung thư hình thành.
2. Viêm dạ dày: Ung thư dạ dày
Theo các chuyên gia đến từ Hệ thống Y tế của Mayo Clinic (Mỹ): Viêm dạ dày là một thuật ngữ chung để chỉ một nhóm các bệnh lý có một điểm chung là viêm niêm mạc dạ dày. Tình trạng viêm của bệnh >viêm dạ dày thường là kết quả của việc nhiễm cùng một loại vi khuẩn gây ra hầu hết các vết loét dạ dày. Thường xuyên sử dụng một số loại thuốc giảm đau và uống quá nhiều rượu cũng có thể góp phần gây ra viêm dạ dày.
Nếu không được điều trị, viêm dạ dày có thể dẫn đến loét dạ dày và xuất huyết dạ dày. Bên cạnh đó, một số dạng viêm dạ dày mãn tính có thể làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày, đặc biệt nếu bạn bị mỏng niêm mạc dạ dày và thay đổi tế bào niêm mạc.
Vì vậy, nếu bạn mắc các bệnh lý về dạ dày như viêm dạ dày, tiền sử gia đình mắc ung thư dạ dày, thói quen ăn uống kém, và những người sống trong vùng có tỷ lệ mắc ung thư dạ dày cao thì bạn nên đi nội soi dạ dày thường xuyên.
3. Viêm loét đại tràng: Ung thư ruột
Bệnh nhân bị viêm loét đại tràng cần phải đề phòng. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng sau 10 năm mắc bệnh thì nguy cơ ung thư sẽ tăng lên gấp bội, 15 năm sau khi phát bệnh thì nguy cơ ung thư là 5% và 25 năm nữa là 10%. Nếu thanh thiếu niên mắc bệnh này, họ có nhiều khả năng bị ung thư ở tuổi trung niên.
Do đó, chẩn đoán sớm và điều trị sớm có thể giúp ngăn ngừa sự xuất hiện của ung thư. Nhóm nguy cơ cao mắc bệnh đường ruột và tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư đường ruột được khuyến cáo nên nội soi đại tràng thường xuyên. Nếu đã bị viêm loét đại tràng, bạn cần thường xuyên đi kiểm tra, tăng cường chế độ >dinh dưỡng lành mạnh và khoa học.
4. Viêm cổ tử cung: Ung thư cổ tử cung
Viêm cổ tử cung mãn tính bao gồm phì đại cổ tử cung, polyp cổ tử cung, u nang lộ tuyến cổ tử cung và viêm lộ tuyến cổ tử cung... Theo tờ QQ, nếu bạn bị nhiễm vi rút u nhú ở người (HPV), đặc biệt là chủng HPV16 và HPV18 thì tình trạng viêm cổ tử cung mãn tính có thể dễ dàng trở thành ung thư cổ tử cung.
Vì vậy, phụ nữ bị viêm cổ tử cung mãn tính nên đến bệnh viện để xét nghiệm HPV và xét nghiệm TCT (tế bào học dạng lỏng), bên cạnh đó cần tiến hành tiêm vắc xin ngừa HPV và đi khám phụ khoa đều đặn 6 tháng/lần.
5. Viêm tụy: Ung thư tuyến tụy
Viêm tụy cấp nếu không được kiểm soát kịp thời sẽ trở thành mãn tính và tăng khả năng mắc ung thư. Khuyến cáo rằng những người trên 45 tuổi, đặc biệt là những người có tiền sử viêm tụy mãn tính, nên thường xuyên siêu âm hoặc kiểm tra CT .
Có thể thấy mối quan hệ giữa viêm nhiễm và ung thư là rất mật thiết. Do đó, dù ở độ tuổi nào bạn cũng không nên coi thường tình trạng viêm nhiễm, ngay khi phát hiện ra bệnh cần được điều trị tích cực.
Thực hiện tốt 6 điều này để ngừa viêm, ngừa ung thư
Bất cứ ai trong cuộc đời đều ít nhiều trải qua vài lần gặp tình trạng viêm nhiễm vì vậy việc cần làm là phòng tránh càng sớm càng tốt để giảm thiểu tác hại do viêm nhiễm gây ra.
Các phương pháp cụ thể như sau:
1. Chế độ ăn uống cân bằng
Tiến sĩ Andrew Weir, giáo sư y khoa tại Đại học Arizona, Hoa Kỳ, đã xây dựng chế độ "kim tự tháp thực phẩm chống viêm" nổi tiếng, trong đó đề cập đến:
Ăn ít nhất 320-400g rau mỗi ngày, cùng với ngũ cốc nguyên hạt, mì ống, đậu; Bạn cũng có thể bổ sung dầu hạt cải hữu cơ, các loại hạt và chất béo lành mạnh khác; Cá và hải sản cũng không thể thiếu và giới hạn ở mức 226-678 gram mỗi tuần; Đồng thời, cố gắng tránh thuốc lá, rượu và thức ăn nhanh.
2. Uống nhiều nước
Một người trưởng thành cần uống ít nhất 2000ml nước mỗi ngày để giúp duy trì >sức khỏe, nhưng tình hình cụ thể tùy thuộc vào từng cá nhân. Uống nhiều nước hơn có thể thúc đẩy tốc độ lưu thông máu, phòng ngừa các yếu tố gây viêm và giảm viêm. Đồng thời duy trì sự ổn định của hệ thống miễn dịch.
3. Tập thể dục nhiều hơn
Lời khuyên cho bạn là nên vận động nhiều hơn, đặc biệt là các bài tập aerobic như chạy bộ, bơi lội… để có kết quả tốt hơn, hãy thực hiện 2-3 lần/tuần, mỗi lần khoảng 30 phút.
4. Học cách điều chỉnh cảm xúc
Thường xuyên có những cảm xúc tiêu cực như lo lắng, cáu gắt, trầm cảm, buồn bã cũng sẽ làm tăng mức độ viêm nhiễm trong cơ thể, vì vậy chúng ta phải học cách điều chỉnh cảm xúc của mình và cố gắng duy trì thái độ lạc quan để “cân bằng” hoạt động của hệ thống miễn dịch.
5. Duy trì giấc ngủ đầy đủ
Cytokine được sản xuất và giải phóng trong khi ngủ, nếu thiếu ngủ sẽ dẫn đến thiếu hụt cytokine, dễ gây viêm nhiễm. Do đó, thường cố gắng tránh thức khuya và xây dựng thói quen làm việc và nghỉ ngơi hợp lý.
6. Cắt đứt đường lây nhiễm
Ví dụ, nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) là một trong những yếu tố gây viêm dạ dày, để phòng tránh nhiễm trùng này, bạn nên tránh dùng chung đũa với những người khác, không dùng chung đồ dùng cá nhân như bàn chải đánh răng, ít ăn các quán ven đường.
Hay viêm bàng quang, viêm niệu đạo, loại này cần chú ý vệ sinh vùng kín, tắm rửa thường xuyên, thay quần lót thường xuyên, uống nhiều nước, không nhịn tiểu.
Tình trạng viêm nhiễm nếu không được kiểm soát trong thời gian dài sẽ phá vỡ các chức năng sinh lý bình thường và gây ra các bệnh nguy hiểm như ung thư. Vì vậy, nếu bị viêm nhiễm, hãy đi khám và điều trị kịp thời. Đồng thời lưu ý không lạm dụng thuốc kháng sinh để tránh vi khuẩn kháng thuốc, gây bội nhiễm, lợi bất cập hại.