Có những sự cố bất ngờ khiến bạn rơi vào tình huống nguy hiểm, như có thể bị phơi nhiễm HIV khi đang dừng đèn đỏ.

06:04 08/05/2019

Một vụ việc mới xảy ra tại TP.HCM đang khiến nhiều người hoang mang. Một cô gái đang dừng đèn đỏ thì bất ngờ bị hai thanh niên áp sát và dùng vật nhọn rạch vào cánh tay, gây chảy máu. Nạn nhân đang phải điều trị chống phơi >nhiễm HIV.

Vụ việc đã được trình báo và cơ quan công an đang tiến hành điều tra, song vẫn không khỏi khiến nạn nhân và gia đình phải sống trong lo lắng, sợ hãi. Sau mũi tiêm đầu tiên trong quá trình điều trị phơi nhiễm, cô gái 23 tuổi đang rất hoảng sợ và vô cùng mệt mỏi.

Sự việc bất ngờ và nguy hiểm này có thể xảy ra với bất cứ ai, nhất là đây không phải lần đầu tiên có những vụ tấn công như vậy. Nguy cơ bị phơi nhiễm HIV khiến ai trong chúng ta cũng phải cảm thấy “kinh hãi”.

Sau khi tiến hành sơ cứu và được nạn nhân thuật lại lý do bị thương, bệnh viện ban đầu tiếp nhận cô gái trẻ đã hướng dẫn nạn nhân đến cơ sở y tế chuyên khoa để điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV.

Những vết rạch đẫm máu trên cánh tay nạn nhân

Với tình huống này, bạn cần biết phải làm gì để bảo vệ bạn thân mình và giúp đỡ những người xung quanh khi họ gặp nạn.

TS Hoàng Đình Cảnh, Phó cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), cho biết phơi nhiễm là sự tiếp xúc với máu và dịch có HIV. Cần phải xác định xem có HIV không và mức độ tiếp cận và tiếp xúc giữa máu và dịch có nhiễm HIV với người bị phơi nhiễm ở mức độ nào, để đánh giá mức độ và nguy cơ. Do đó, cần phải nhanh chóng tới gặp bác sĩ để được tư vấn các phương pháp xử lý.

“Trong mọi tình huống, nạn nhân đều phải gặp bác sĩ sớm để được tư vấn, bởi việc điều trị chỉ có tác dụng trong vòng 72 giờ. Các xử lý ngay lập tức là rửa vết thương dưới vòi nước, không nặn vết thương… Phải nhanh chóng xác định nguồn tiếp xúc có HIV hay không? Và gặp bác sĩ hoặc cán bộ chuyên về chương trình phòng chống HIV/AIDS để họ tư vấn liệu có cần thiết phải dùng thuốc hay không”, ông Cảnh nói.

Phơi nhiễm HIV là thuật ngữ dùng để chỉ sự tiếp xúc của người không mắc bệnh với các dịch cơ thể của người nhiễm HIV. Không thể dựa vào triệu chứng lâm sàng để biết bạn có bị nhiễm HIV hay không, mà để biết chắc chắn phải dựa vào xét nghiệm.

Đơn thuốc điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV của nạn nhân

Những yếu tố như đường lây, số lượng virus HIV trong dịch tiết tiếp xúc, miễn dịch của bản thân mỗi người sẽ ảnh hưởng khả năng chuyển từ phơi nhiễm sang nhiễm HIV. Các chuyên gia phòng chống HIV/AIDS cho biết trên thực tế, phơi nhiễm do nghề nghiệp của nhân viên y tế là khá phổ biến, song không phải trường hợp nào cũng dẫn đến nhiễm.

Theo TS Hoàng Đình Cảnh, trường hợp đúng là bị phơi nhiễm, hiện đã có thuốc điều trị hiệu quả như kháng virus bằng thuốc ARV. Trong thời gian 72 giờ, điều trị ARV có thể dự phòng nhiễm HIV, giúp người bị phơi nhiễm tránh bị nhiễm hiệu quả nhất.

Thống kê của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho thấy nguy cơ lây nhiễm cho một lần tiếp xúc hay phơi nhiễm với virus HIV do kim tiêm đâm vào da là khoảng 0,3%; bị dính máu vào vết thương hở là từ 0,1 đến 0,3%; lây nhiễm qua quan hệ tình dục từ 0,1-0,5%. Theo thống kế này, với một lần phơi nhiễm, nguy cơ bị lây nhiễm HIV không cao.

So sánh với tỷ lệ lây nhiễm bệnh qua đường máu như viêm gan siêu vi B chỉ bằng 1/100 và viêm gan C là 1/10.

Theo Thiên Bình/VOV