WHO đặc biệt khuyến cáo người dân nên từ bỏ thói quen sử dụng 6 loại thực phẩm dưới đây, ngoài ra cần chú ý đến tình trạng thừa cân, béo phì để phòng ngừa các bệnh ung thư.

06:32 26/05/2020

Căn bệnh đáng sợ nhất của thời hiện đại không gì khác chính là >bệnh ung thư. Trong những năm gần đây, tỉ lệ mắc ung thư trên thế giới đang có xu hướng tăng nhanh và đáng báo động.

Theo số liệu của Tổ chức Nghiên cứu ung thư quốc tế GLOBOCAN 2018, mỗi năm trên thế giới có khoảng 18,1 triệu ca mắc mới ung thư và 9,6 ca bệnh nhân ung thư tử vong. Còn ở Việt Nam, theo thống kê vào năm 2018 nước ta có khoảng 165.000 ca ung thư mới mắc, gần 115.000 trường hợp tử vong.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, để phòng ngừa ung thư thì việc điều chỉnh chế độ ăn uống là vô cùng quan trọng. WHO khuyến cáo 6 loại >thực phẩm gây ung thư hàng đầu đó là:

1. Đồ uống có cồn

Theo WHO, đồ uống có cồn làm tăng đáng kể nguy cơ ung thư khoang miệng, hầu họng, thanh quản, thực quản, gan và ung thư vú. Trong đó, rượu là loại đồ uống có cồn chứa tỉ lệ gây ung thư cao nhất.

Trong khi hầu hết các loại ung thư đều gây ra do lượng tiêu thụ rượu quá lớn thì có nhiều trường hợp mắc ung thư vú chỉ vì thói quen uống một ly rượu mỗi ngày.

Uống rượu làm tăng đáng kể nguy cơ ung thư khoang miệng, hầu họng, thanh quản, thực quản, gan và ung thư vú...

Các nghiên cứu gần đây cũng cho thấy nguy cơ mắc ung thư vú và ung thư ruột kết đều liên quan đến việc tiêu thụ rượu ở những người có lượng folate thấp.

2. Thực phẩm nhiễm aflatoxin

Các thực phẩm bị nhiễm aflatoxin (tác nhân gây ung thư) làm tăng đáng kể nguy cơ ung thư gan. Tuy nhiên, hầu hết những người bị ung thư gan đều đã bị viêm gan từ trước đó. Đến nay mức độ ảnh hưởng của aflatoxin với những người không bị viêm gan vẫn chưa rõ ràng.

3. Cá muối kiểu Trung Quốc

WHO khuyến cáo việc ăn nhiều cá muối kiểu Trung Quốc - món ăn chủ yếu được tiêu thụ ở một số nước châu Á có thể làm tăng đáng kể nguy cơ ung thư vòm họng.

4. Thịt được bảo quản và thịt đỏ

Trong nhiều nghiên cứu, các loại thịt được bảo quản hoặc thịt đỏ có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng. Trong khi đó, tổng lượng chất béo trong chế độ ăn uống dường như không liên quan đến nguy cơ.

Một nghiên cứu được công bố bởi Nhà xuất bản Đại học Oxford, Anh năm 2007 cho biết thịt đỏ chứa một loại protein có khả năng làm tổn thương ruột người, đồng thời làm tăng nguy cơ ung thư ruột kết. Loại protein ấy là heme - thứ tạo màu đỏ của thịt, cũng chính là thứ có thể làm hỏng niêm mạc ruột của chúng ta.

5. Thực phẩm được bảo quản bằng muối

WHO cho biết những thực phẩm được bảo quản bằng muối có thể làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.

Trước đây, đã từng có nghiên cứu cho thấy đồ ăn thừa muối làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng, tăng nguy cơ ung thư dạ dày do phá hủy lớp màng bảo vệ niêm mạc dạ dày và tăng sự phát triển của vi khuẩn Helicobacter pylori.

Ngoài ra, chế độ ăn thừa muối cũng làm tăng nguy cơ béo phì, tăng huyết áp và các bệnh tim mạch có liên quan, gây suy tim, suy thận và suy gan...

6. Đồ uống và thực phẩm rất nóng

Tiêu thụ đồ uống và thực phẩm nóng có thể làm tăng nguy cơ ung thư khoang miệng, hầu họng và thực quản.

WHO cũng cảnh báo 1 nguy cơ khác gây ung thư nguy hiểm

Theo WHO, có khoảng 1/3 bệnh ung thư có liên quan đến chế độ ăn uống. Trong số các yếu tố liên quan đến chế độ ăn uống thì thừa cân, béo phì cũng làm tăng đáng kể rủi ro của một số bệnh ung thư phổ biến.

Có thể nói, tránh thừa cân, béo phì là biện pháp quan trọng nhất trong việc ngăn ngừa bệnh ung thư.

Thừa cân, béo phì có liên quan mật thiết đến nguy cơ ung thư thực quản, đại trực tràng, vú (hậu mãn kinh), nội mạc tử cung và thận. Nguy cơ mắc các bệnh ung thư này tăng liên tục nếu cơ thể có lượng mỡ lớn hơn và không giới hạn ở bệnh béo phì lâm sàng (BMI trên 30kg/m2).

Phụ nữ ở tuổi mãn kinh có nồng độ estrogen nội sinh gây ra bởi lượng mỡ thừa trong cơ thể, có thể đối mặt với ung thư vú sau mãn kinh và nội mạc tử cung.

Nhóm làm việc của WHO và Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế ước tính rằng ở các quốc gia có tỷ lệ ung thư cao liên quan đến thừa cân, trọng lượng cơ thể dư thừa (BMI trên 25kg/m2) chiếm khoảng 39% trường hợp mắc nội mạc tử cung, 25% thận, 11 % đại tràng, 9% ung thư vú sau mãn kinh...

Mặc dù tỷ lệ mắc ung thư vì béo phì sẽ thấp hơn số lượng người mắc bệnh ung thư vì virus nhưng hiện nay tình trạng thừa cân, béo phì ở các nước đang phát triển thực sự đáng báo động.

Theo WHO, thừa cân, béo phì gây ra bởi quá trình nạp quá nhiều chất béo từ thực phẩm nhưng lại tiêu hao quá ít năng lượng. Ngoài ra, việc tiêu thụ nhiều carbohydrate tinh chế, thực phẩm giàu chất béo và lượng chất xơ thấp cũng là yếu tố gây ung thư.

Theo Đỗ Đỗ/Tổ Quốc