Theo một nghiên cứu của một nhóm các nhà dịch tễ học Trung Quốc, Virus Corona có thể tồn tại trong không khí ít nhất 30 phút và lan xa 4,5m.

06:00 11/03/2020

Các nhà nghiên cứu >Trung Quốc phát hiện ra rằng Virus Corona có thể tồn tại nhiều ngày trên các bề mặt, làm tăng nguy cơ lây truyền cho những người chạm vào rồi xoa lên mặt.

Thời gian tồn tại trên bề mặt phụ thuộc vào các yếu tố như nhiệt độ và loại bề mặt, ví dụ ở khoảng 37 độ C, virus có thể tồn tại từ 2 – 3 ngày trên bề mặt kính, vải, kim loại, nhựa hoặc giấy.

Những phát hiện này được nhóm các nhà nghiên cứu từ tỉnh Hồ Nam thực hiện dựa trên một cụm lây nhiễm ngày 22 tháng 1 sau khi người nhiễm đầu tiên rời khỏi xe buýt. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu còn chứng minh tầm quan trọng của việc rửa tay và đeo khẩu trang ở những nơi công cộng vì virus có thể tồn tại trong không khí gắn với các hạt nhỏ li ti.

Bệnh nhân đầu tiên nhiễm bệnh (tạm gọi là A) đã không đeo khẩu trang khi ngồi trong xe buýt. Nhiều hành khách cũng không đeo khẩu trang vì tại thời điểm đó, Trung Quốc chưa tuyên bố dịch bệnh.

Mọi người cần liên tục đeo khẩu trang tại nơi công cộng, đặc biệt trên những chuyến tàu xe. 

Trung Quốc yêu cầu các chuyến xe đường dài phải lắp đặt camera an ninh để các nhà nghiên cứu tái hiện lại quá trình lây lan virus từ bệnh nhân “A” trên chuyến xe đóng kín cửa sổ.

Có thể khẳng định rằng trong một môi trường kín có điều hòa, khoảng cách lây nhiễm của >virus Corona sẽ vượt quá khoảng cách an toàn mà cơ quan y tế đã khuyến cáo (từ 1 đến 2m).

Các nhà khoa học cũng cảnh báo rằng virus Corona có thể tồn tại hơn 5 ngày trong phân người hoặc dịch cơ thể.

Hu Shixiong, tác giả chính của nghiên cứu cho biết đoạn phim trên camera an ninh cho thấy bệnh nhân “A” không tương tác với các hành khách khác suốt 4 tiếng xe di chuyển.

Nhưng vào thời điểm xe buýt dừng ở thành phố tiếp theo, virus đã lan sang 7 hành khách khác bao gồm người ngồi gần anh “A” đến người ngồi cách anh “A” 6 hàng ghế, tức khoảng 4,5m.

7 người này sau đó đã thử nghiệm dương tính, bao gồm một hành khách không có triệu chứng của bệnh.

Sau khi những hành khách này rời đi, một nhóm khác đã lên xe buýt khoảng 30 phút sau. Một hành khách ngồi ở hàng ghế trên cũng bị nhiễm bệnh. Nhà nghiên cứu Hu cho biết bệnh nhân không đeo mặt nạ đã hít phải các giọt dịch mà bệnh nhân từ nhóm trước đã thở ra.

Hu cho biết, bệnh nhân, người không đeo mặt nạ, có khả năng đã hít khí dung, hoặc các hạt nhỏ, thở ra bởi các hành khách bị nhiễm bệnh từ nhóm trước. Như vậy có nghĩa, virus Corona có thể lơ lửng trong không khí ít nhất 30 phút.

Ông nói: “Lý do có thể là trong một không gian kín hoàn toàn, luồng không khí chủ yếu được điều khiển bởi không khí nóng do điều hòa tạo ra. Sự gia tăng của không khí nóng có thể đưa các giọt chứa virus đi xa hơn”.

Sau khi xuống xe buýt, bệnh nhân A tiếp tục đi lên một chiếc xe buýt nhỏ thêm 1 giờ nữa. Virus đã nhảy lan sang 2 hành khách khác cũng ngồi cách bệnh nhân “A” 4,5m.

Vào thời điểm nghiên cứu kết thúc vào giữa tháng 2, bệnh nhân “A” đã lây bệnh cho ít nhất 13 người.

Khoảng cách lây nhiễm từ bệnh nhân A (màu đỏ) đến các hành khách khác (màu cam). 

Trước đó, người ta thường tin rằng việc virus lan trong không khí bị hạn chế vì những giọt dịch của bệnh nhân sẽ nhanh chóng rơi xuống đất. Vì vậy, Tổ chức y tế khuyến cáo mọi người đứng cách nhau 1m, Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ nói khoảng cách an toàn là 1,8m.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng những hành khách đeo khẩu trang trên hai chuyến xe buýt đều không bị nhiễm bệnh. Do đó, đeo khẩu trang nơi công cộng là một việc làm rất cần thiết và quan trọng.

Họ cho rằng, khi đi trên các phương tiện giao thông công cộng kín hơn như tàu điện ngầm, ô tô, máy bay,... bạn nên đeo khẩu trang mọi lúc, đồng thời, giảm thiểu chạm tay vào chỗ nhiều người chạm, tích cực khử trùng tay.

Các nhà nghiên cứu cũng đề nghị cải thiện vệ sinh trên giao thông công cộng và điều chỉnh điều hòa sao cho tối đa hóa lượng không khí sạch được đưa vào. Nội thất bên trong cần được làm sạch và khử trùng 1 – 2 lần trong ngày.

Một bác sĩ ở Bắc Kinh chia sẻ, việc điều trị Covid-19 vẫn có những câu hỏi chưa thể giải đáp. Chẳng hạn, những hành khách ngồi ngay bên cạnh bệnh nhân “A” không bị nhiễm bệnh, mặc dù họ phải đối mặt với hàm lượng chất dịch cao nhất mà bệnh nhân “A” thở ra.

Ông nói: “Kiến thức của chúng ta về sự lây truyền virus Corona vẫn còn hạn chế”.

Trong buổi họp báo ngày 9/3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo mối đe dọa về đại dịch đã trở nên rất thật nhưng nhấn mạnh dịch bệnh vẫn có thể được kiểm soát.

Theo Thùy Linh/Gia Đình Việt Nam