Theo nghiên cứu, trên 85% trẻ em Việt Nam bị sâu răng. Sâu răng ở trẻ em có thể gây tổn thương đến tủy nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

18:08 16/09/2021

Vì sao trẻ em thường bị sâu răng?

Có rất nhiều nguyên nhân gây sâu răng ở trẻ nhưng chủ yếu là do chế độ ăn chứa nhiều đường và vệ sinh răng miệng chưa tốt:

- Sau khi ăn, thức ăn còn sót lại trên răng, kết dính với nước bọt tạo thành mảng bám, phủ lên răng, đặc biệt là những thức ăn từ tinh bột và đường gây ra sâu răng.

- Thói quen ăn uống quá nhiều đường như kẹo, bánh, hoa quả ngọt…

- Do chủ quan không điều trị sớm khi răng mới chớm sâu khiến tình trạng sâu răng trở nên nghiêm trọng hơn.

 Nguyên nhân trẻ em dễ bị sâu răng (Ảnh minh họa)

Tác hại của sâu răng đối với trẻ em

Sâu răng ở trẻ nhỏ được các chuyên gia đánh giá rằng nguy hiểm hơn so với người lớn bởi những hệ lụy về sau có thể kéo dài, ảnh hưởng đến răng vĩnh viễn của bé sau này. Cụ thể:

- Sâu răng nặng có thể gây nhiễm trùng răng, hoại tử tủy răng kèm nhiễm trùng máu nguy hiểm.

- Khi trẻ còn nhỏ mà buộc phải nhổ răng, khoảng trống mất răng sữa sẽ không thể thay thế kịp thời vì chưa đúng thời điểm thay răng vĩnh viễn. Răng sữa bị mất làm cho các răng lân cận có xu hướng chạy lệch, đổ nghiêng về răng khoảng trống mất răng.

Khi răng vĩnh viễn mọc sẽ không còn chỗ do những chiếc răng kề cận mọc xô về khoảng mất răng. Răng vĩnh viễn buộc phải mọc chếch ra ngoài gây ra sự khấp khểnh cho hàm răng khi trưởng thành.

- Răng mọc lệch sẽ khiến khớp cắn bị sai lệch về sau và ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai của cả cung hàm.

- Răng mất đi sẽ khiến trẻ tự ti khi giao tiếp với bạn bè, rất dễ dẫn tới trầm cảm, tự kỷ ở trẻ nhỏ.

Chính vì những biến chứng nguy hại này, các bậc phụ huynh hãy lưu ý ngay từ sớm các dấu hiệu sâu răng trẻ em và điều trị sớm sẽ giúp giữ gìn răng miệng của trẻ tốt hơn.
 Ảnh minh họa

Cách phòng ngừa sâu răng ở trẻ em

Để bảo vệ răng miệng của trẻ không bị sau răng, phụ huynh nên tạo cho bé thói quen >chăm sóc răng miệng đúng cách ngay từ khi mọc răng sữa:

- Cha mẹ cần chải răng cho trẻ 2 lần/ngày, mỗi lần ít nhất 2 phút. Tập cho bé thói quen uống nước sau mỗi bữa ăn.

- Sử dụng bàn chải đánh răng vừa vặn, thoải mái cho trẻ để. Lựa chọn và sử dụng loại kem đánh răng có lượng fluoride phù hợp với độ tuổi của trẻ.

 Ảnh minh họa

- Sử dụng chỉ nha khoa cho trẻ để giúp ngăn chặn việc hình thành mảng bám ở các kẽ răng, phòng ngừa sâu răng cho trẻ.

- Hạn chế cho trẻ ăn uống các loại thực phẩm chứa nhiều đường, tinh bột dễ tạo điều kiện để vi khuẩn phát triển và gây ra nhiều mảng bám hơn.

 
Theo Hoàng Ly (T/H)/Gia Đình Việt Nam